Điểm lại những thành tựu nổi bật thời gian qua của ASEAN, Tổng Thư ký Lê Lương
Minh nêu rõ trong lĩnh vực xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC),
Hiệp định Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) đã tiếp tục thu hút sự tham
gia của Brazil, Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2012, nâng tổng số nước
tham gia TAC lên 31.
Tổng Thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh nhấn mạnh ASEAN
thúc đẩy giải quyết hòa bình các xung đột, tranh chấp ở một số nước thành viên
và giữa một số nước thành viên, trong đó đặc biệt là thúc đẩy đối thoại, giải
quyết hòa bình vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhằm duy trì hòa bình
và an ninh khu vực trên cơ sở thỏa thuận Ứng xử của các bên trên Biển Đông
(DOC), hướng tới thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Tổng Thư ký ASEAN phát biểu như vậy khi tham dự các Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại
giao ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN lần thứ 9, Hội
nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 12 ngày 11/4 tại thủ đô Banda Seri
Begawan, Brunei. Các hội nghị này nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN
lần thứ 22, sẽ diễn ra vào ngày 24-25/4.
Bài phát biểu của ông Lê Lương Minh đề cập tới những thành tựu nổi bật gần đây
của ASEAN trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và con
đường phát triển tiếp theo trong 5 năm tới của khối.
Tổng Thư ký Lê Lương Minh nhấn mạnh rằng tình hình địa chính trị khu vực và toàn
cầu hiện nay đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, song cũng đem tới những
thách thức đối với khả năng duy trì vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN, trong
khi ASEAN đang tiếp tục tìm kiếm một phương pháp tiếp cận toàn diện trong sự
tham gia, gắn kết của mình với bên ngoài. Đây chính là những động lực và sự hỗ
trợ mạnh mẽ cho nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn
định và thịnh vượng, hợp tác với các đối tác thông qua các sáng kiến và ý tưởng
để đối phó với những thách thức truyền thống và phi truyền thống mà khu vực đang
và sẽ phải đối mặt.
Tổng Thư ký Lê lương Minh cho biết trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển
phải đối mặt với khủng khoảng kinh tế-tài chính, thì các nền kinh tế châu Á nói
chung đang trên đà cải thiện, trong đó các nền kinh tế ASEAN dự kiến sẽ đạt mức
tăng trưởng trung bình 5,5% năm 2013, cao hơn so với mức 5,3% năm 2012, chủ yếu
nhờ nhu cầu nội địa gia tăng và xuất khẩu sẽ phục hồi vừa phải.
Trên cơ sở này, ASEAN cần xem xét những thành tựu và nhiệm vụ của mình để tăng
cường nỗ lực, nhịp độ và hiệu quả thực hiện để hoàn thành mục tiêu lớn lao xây
dựng Cộng đồng ASEAN đúng thời hạn vào ngày 31/12/2015.
Điểm lại những thành tựu nổi bật thời gian qua của ASEAN, Tổng Thư ký Lê Lương
Minh nêu rõ trong lĩnh vực xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC),
Hiệp định Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) đã tiếp tục thu hút sự tham
gia của Brazil, Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2012, nâng tổng số nước
tham gia TAC lên 31.
Cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) đang tiếp tục với việc chuẩn
bị thành lập Mạng trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN và phối hợp giữa các nước
thành viên trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, và ADMM+ với các đối tác đối
thoại thông qua việc tiến hành các cuộc diễn tập trong năm nay về Hỗ trợ nhân
đạo và ứng phó thiên tai (HADR), y học quân sự, chống khủng bố và an ninh hàng
hải.
Cho đến tháng 1/2013, tất cả các nước thành viên ASEAN đã phê chuẩn Công ước
chống khủng bố (ACCT) và đang tiếp tục những nỗ lực trong khuôn khổ Kế hoạch
hành động toàn diện ASEAN chống khủng bố (ACPoA on CT).
Tổng Thư ký Lê Lương Minh nhấn mạnh rằng ASEAN đang tích cực xem xét các vấn đề
gia nhập khối của Timor Leste, mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với các đối
tác đối thoại khác.
Tổng Thư ký Lê Lương Minh cũng đã đề cập tới những thành tựu to lớn của ASEAN
trong việc thực hiện các chương trình trong khuôn khổ Kế hoạch chi tiết Cộng
đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC).
Theo Tổng Thư ký Lê Lương Minh, tính đến cuối tháng 12/2012 , Kế hoạch chi tiết
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã thực hiện được 74,5%; ASEAN và các đối tác Đông
Á (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) đã ký thỏa thuận về dự trữ gạo khẩn cấp
ASEAN+3 (APTERR) hồi tháng 10/2012 nhằm tăng cường đảm bảo an ninh lương thực
khu vực; hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên đang tiếp tục được đẩy mạnh
trên mọi lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư... đến năng lượng, viễn thông du lịch,
trong đó nhất là việc khởi động Hiệp định Quan hệ đối tác Kinh tế toàn diện Khu
vực (RCEP).
Về trụ cột văn hóa-xã hội, ASEAN đang tập trung vào một sự tiếp cận cân bằng hơn
đối với tất cả các cấp, bậc trong giáo dục đào tạo; tăng cường hợp tác trong
khối và với bên ngoài trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, chăm sóc sức
khỏe, phòng chống dịch bệnh, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, chống biến
đổi khí hậu. Đặc biệt là những kết quả khả quan trong việc kết nối, hội nhập
ASEAN, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng các phát triển trong một nước thành
viên và giữa các nước thành viên ASEAN.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Lê Lương Minh cũng đã lưu ý đến những thách thức to lớn
mà ASEAN đang và sẽ phải đối mặt, nhất là khi thời hạn xây dựng Cộng đồng ASEAN
vào năm 2015 đang ngày một đến gần, trong đó có đòi hỏi củng cố cơ chế, thực
hiện và phối hợp ASEAN đối với các kế hoạch và hành động khác nhau trên cả ba
trụ cột APSC, AEC và ASCC; thành lập các cơ quan để thúc đẩy các quy định và
giám sát tiến bộ thực hiện các chương trình của khối, bao gồm cả cơ chế giải
quyết tranh chấp (DSM); thiết lập các diễn đàn đổi mới cho đối thoại, tham vấn
và phối hợp trong ASEAN và ASEAN với các bên liên quan; huy động và phát huy
được mọi nguồn lực tiềm năng bên trong và bên ngoài ASEAN cho việc xây dựng Cộng
đồng ASEAN; duy trì được sự đoàn kết, thống nhất cũng như vị trí và vai trò
trung tâm của ASEAN trong khu vực và trong cấu trúc Đông Á đang định hình...
Về triển vọng và con đường phát triển của ASEAN trong 5 năm tới, Tổng Thư ký Lê
Lương Minh cho rằng trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trên chặng đường phát
triển trong 45 năm qua của mình, những năm sắp tới là giai đoạn phản ứng và hành
động lớn hơn của ASEAN, khi Cộng đồng ASEAN sẽ ra đời vào năm 2015 và ASEAN sẽ
kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2017.
Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho rằng thời gian tới cũng là lúc để ASEAN tiếp tục
cung cấp các diễn đàn cho đối thoại hòa bình và hợp tác giữa các nước thành viên
và với phần còn lại của cộng đồng quốc tế; tiếp tục nỗ lực liên kết và hội nhập
để ASEAN trở thành một khối kinh tế mạnh, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
ASEAN tăng cường chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực, dành sự quan tâm ưu tiên
cho người dân, từ văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, đến an ninh năng lượng và
lương thực; tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các quá trình và
cơ chế khác nhau, thúc đẩy lợi ích chung của tất cả các nước thành viên; tăng
cường các mối quan hệ để thu hút sự ủng hộ và hỗ trợ của các đối tác đối thoại
cho các mục tiêu của ASEAN.
Và để thực hiện thành công và hiệu quả những vấn đề nêu trên, ASEAN trước hết
cần xây dựng một Ban thư ký có năng lực và hoạt động hiệu quả hơn./.
Theo Việt Tú (Vietnam+)