Thứ Sáu, 22/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 23/3/2022 17:9'(GMT+7)

ASEAN trong cạnh tranh chiến lược nước lớn tại khu vực Đông Nam Á đầu thế kỷ XXI

Tổng thống Mỹ J. Biden tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 9 bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Tổng thống Mỹ J. Biden tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 9 bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

TÂM ĐIỂM CỦA CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC GIỮA CÁC NƯỚC LỚN

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành địa bàn cạnh tranh chính giữa các nước lớn bởi trọng tâm kinh tế và chính trị thế giới đang dịch chuyển từ Tây sang Đông, trong đó khu vực này chiếm vị trí quan trọng. Đây là nơi có các nền kinh tế lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đồng thời quy tụ những lợi ích cơ bản về chính trị, an ninh và chiến lược của các cường quốc. Quan trọng hơn, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn là môi trường trực tiếp để các nước lớn mở rộng lợi ích và ảnh hưởng trong quá trình thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu.

Chính sách đối ngoại của cả Mỹ và Trung Quốc với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPS) của Mỹ và Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc, sự thiếu lòng tin lẫn nhau, chiến tranh thương mại và tác động của đại dịch COVID-19 đã tạo ra các chuỗi hành động - phản ứng khiến căng thẳng giữa hai nước tích tụ và leo thang, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt hơn. Thêm vào đó, lần đầu tiên trong lịch sử, khu vực châu Á chứng kiến sự trỗi dậy đồng thời với nỗ lực phát huy ảnh hưởng của ba cường quốc là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Nhiều quốc gia vừa và nhỏ, như Australia, New Zealand, Hàn Quốc và các nước thành viên ASEAN cũng thể hiện sự năng động hơn trong chính sách đối ngoại. Trong bối cảnh đó, cục diện chiến lược trong khu vực ngày càng trở nên mang tính cạnh tranh hơn và các mô hình liên kết cũng có nhiều thay đổi.

Nằm ở trung tâm kết nối hai đại dương Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và nơi giao thoa của hai đại chiến lược IPS và BRI, Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng trong cạnh tranh giữa các nước lớn. Là nơi cư ngụ của khoảng 630 triệu người, nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới với GDP xấp xỉ 3 nghìn tỷ USD, có bốn trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới với lực lượng lao động trẻ và có tay nghề cao, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, khu vực Đông Nam Á hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội hợp tác kinh tế cho các đối tác, nhất là các đối tác lớn(1). Điều này càng đúng hơn khi tăng trưởng kinh tế đã đưa khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đông Nam Á cũng là nơi các tuyến đường giao thông và liên lạc huyết mạch trên biển chạy qua. Các cường quốc ngày càng có nhiều lợi ích cạnh tranh tại khu vực này nhằm đạt được khả năng tiếp cận về kinh tế, an ninh và hậu cần đối với khu vực, đồng thời ngăn chặn các cường quốc đối thủ giành được lợi thế cạnh tranh.

Cạnh tranh nước lớn có nhiều tác động đối với khu vực, với nhiều cơ hội xen lẫn thách thức. Nhằm phục vụ nhu cầu tập hợp lực lượng trong cuộc tranh giành lợi ích và ảnh hưởng, các cơ chế do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt tạo ra nhiều cơ hội cho các nước nhỏ hơn thúc đẩy hợp tác trên các kênh song phương, đa phương và tiểu đa phương. Điều này giúp các nước Đông Nam Á có thêm điều kiện tiếp cận thị trường, đầu tư, công nghệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh thông qua khả năng đa dạng hóa các nguồn cung vũ khí, thiết bị quốc phòng, xây dựng năng lực và tập trận chung. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với Mỹ và Trung Quốc cũng ngày càng lớn.

Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc làm gia tăng sự bất định trong khu vực. Bất định xuất phát từ sự nổi lên của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - khu vực có vị trí địa - chiến lược mới quan trọng nhưng cấu trúc vẫn chưa định hình rõ. Các cường quốc cạnh tranh nhau có cách nhìn nhận khác nhau về lợi ích, giá trị và cách thức xử lý các mối quan hệ trong khu vực. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc đang theo đuổi những tầm nhìn khác nhau về cấu trúc khu vực dựa trên lợi thế riêng của mình. Bất định cũng gia tăng trong bối cảnh kinh tế khu vực gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, an ninh và địa - chính trị có nhiều biến động. Bên cạnh đó, những “điểm nóng” trong khu vực, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột.

Cùng với sự bất định, bầu không khí thiếu lòng tin cũng gia tăng trong khu vực. Mỹ và Trung Quốc ngày càng nghi ngại về những ý định lâu dài của nhau, trong khi các nước khác trong khu vực còn nhiều khác biệt về quan điểm chiến lược và theo đuổi những con đường khác nhau trong chính sách đối với các nước lớn. Cạnh tranh nước lớn cũng hạn chế sự lựa chọn chiến lược của các quốc gia nhỏ hơn và làm gia tăng áp lực “chọn bên” đối với họ.

Trong bối cảnh đó, sự phản ứng của các nước ASEAN xuất phát từ những yếu tố sau:

Một mặt, lịch sử đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và giành độc lập dân tộc khiến những quan ngại về sự can thiệp và thống trị của các cường quốc luôn thường trực trong các tính toán chiến lược của các nước Đông Nam Á; mặt khác, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế trong những năm qua chính là một trong những minh chứng rõ nét về tầm quan trọng của việc các nước lớn can dự và hợp tác tại khu vực. Sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc cũng khiến các nước thành viên ASEAN muốn duy trì cam kết của các nước lớn khác đối với an ninh, ổn định trong khu vực.

Do đó, nhìn chung các nước ASEAN đều triển khai chính sách linh hoạt, thực dụng, tránh việc “chọn bên”, vừa tranh thủ tận dụng cơ hội hợp tác kinh tế với Trung Quốc, vừa tranh thủ Mỹ về mặt an ninh, quốc phòng, đồng thời củng cố quan hệ với các nước khác, như Nhật Bản, Ấn Độ để hạn chế các thách thức từ quan hệ hợp tác và cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc. Khả năng một số nước có thể “nghiêng” về một phía càng tăng cao khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có những thời điểm gay gắt tới mức khiến dư luận từng nghĩ đến một cuộc “Chiến tranh lạnh phiên bản 2.0”.

Một trong những lý do mà các nước Đông Nam Á theo đuổi chính sách cân bằng trong quan hệ với các nước lớn là bởi họ là những nước nhỏ hơn, quan hệ kinh tế/an ninh hoặc cả hai lĩnh vực giữa các nước ASEAN với các nước lớn trong nhiều trường hợp chặt chẽ hơn quan hệ giữa các nước này với nhau. Giữ cân bằng trong quan hệ với các nước lớn được cho là sự lựa chọn tối ưu đối với những nước nhỏ hơn muốn thu hút được nhiều nguồn lực để bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế, duy trì sự tự chủ chiến lược, cũng như ngăn ngừa khả năng một cường quốc giành được vai trò bá chủ khu vực.

Trong nỗ lực cân bằng đó, ASEAN đã chứng tỏ là một tổ chức hữu hiệu để các quốc gia trong khu vực hạn chế tác động tiêu cực của cạnh tranh nước lớn trong khi vẫn tranh thủ được các tác động tích cực. Trên thực tế, sự ra đời của ASEAN có thể được xem là nhằm bảo vệ sự tự chủ của khu vực tránh sự can thiệp từ bên ngoài trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. Với mục tiêu như vậy, ASEAN chú trọng tránh bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh nước lớn thông qua những nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội kể từ khi thành lập. Tuyên bố Băng-cốc thành lập ASEAN nêu quyết tâm của các nước thành viên trong việc bảo đảm ổn định và an ninh, tránh sự can thiệp từ bên ngoài dưới bất kỳ hình thức biểu hiện nào nhằm giữ gìn bản sắc quốc gia phù hợp với lý tưởng và khát vọng của các dân tộc(2). Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do, trung lập (ZOPFAN) do ngoại trưởng các nước ASEAN ký kết vào năm 1971 thể hiện khát vọng duy trì một khu vực Đông Nam Á tự do và trung lập trước sự can thiệp từ bên ngoài. Tuyên bố cũng được xem là nỗ lực nhằm tránh cho khu vực Đông Nam Á không bị cuốn vào những tính toán địa - chính trị của các nước lớn trong Chiến tranh lạnh(3).

Sự trung lập của ASEAN hiểu theo nghĩa truyền thống là hành động ngoại giao không đứng về một bên nào trong quan hệ với các cường quốc đang cạnh tranh nhau, hàm chứa sự tự chủ và nỗ lực hạn chế sự can thiệp của bên ngoài vào các vấn đề khu vực(4). Đáng chú ý, việc trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn không phải là mới đối với các nước Đông Nam Á. Khu vực này  từng là chiến trường của đối đầu Đông - Tây khi Chiến tranh lạnh lên đến đỉnh cao. Tuy nhiên, trong thập niên thứ hai và bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, cạnh tranh nước lớn mang những biểu hiện mới, tình hình khu vực và nội bộ các nước Đông Nam Á cũng có nhiều thay đổi, tác động đến ASEAN cũng khác trước. Theo đó, vai trò trung tâm của ASEAN trở thành một trọng tâm mới trong cách tiếp cận của các nước Đông Nam Á về vấn đề trung lập và tự chủ.

Tổng thống Mỹ J. Biden tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 9 bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù vấn đề cạnh tranh nước lớn không phải là mới đối với các nước ASEAN, song các nước trong khu vực vẫn phải làm quen với tình hình mới khi sức mạnh tương đối của Trung Quốc tăng lên rất nhiều trong tương quan so sánh với Mỹ. Đại dịch COVID-19 không làm thay đổi mục tiêu trở thành siêu cường của Trung Quốc. Mặc dù có những khó khăn nhưng Trung Quốc đã thành công trong việc xử lý và kiểm soát đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế, tiếp tục hiện đại hóa quân đội và tăng cường xây dựng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Vì vậy, Trung Quốc tiếp tục có nhiều lợi thế để mở rộng ảnh hưởng tại khu vực thông qua hỗ trợ về y tế và ngoại giao vắc-xin. Cơ hội tiếp cận nền kinh tế Trung Quốc vẫn được xem là một phần quan trọng trong kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 của các nước ASEAN.

Vai trò trung tâm của ASEAN thể hiện cả từ khía cạnh bên trong và bên ngoài. Khía cạnh bên trong liên quan đến khả năng của ASEAN trong việc phục vụ lợi ích của các nước thành viên và thúc đẩy ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Vai trò trung tâm cũng thể hiện ở tầm quan trọng của Cộng đồng ASEAN (AC) trong chương trình nghị sự chính sách và tính toán chiến lược của các nước thành viên. Khía cạnh bên ngoài hàm chứa vai trò trung tâm của ASEAN trong việc tạo dựng các cơ chế hợp tác an ninh khu vực thông qua việc khởi xướng, kết nối và thu hút sự can dự của các nước lớn trong những nỗ lực giải quyết các vấn đề khu vực, phòng ngừa và quản lý xung đột ở khu vực. Nói cách khác, ASEAN đã áp dụng cách tiếp cận thúc đẩy sự can dự của các cường quốc thông qua mạng lưới các cơ chế đối thoại và hợp tác do ASEAN dẫn dắt, đồng thời tăng cường đoàn kết nội khối và sự tự cường, tự chủ của khu vực để tránh bị cuốn vào cạnh tranh nước lớn.

Với cách tiếp cận như vậy, ASEAN cung cấp một kênh phù hợp để các nước Đông Nam Á cùng ứng phó với những bất định và thiếu lòng tin trong môi trường khu vực dưới tác động của cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các nước lớn. Điều này càng có cơ sở hơn nếu nhìn vào lịch sử 55 năm hợp tác và liên kết, ASEAN ngày càng chứng tỏ khả năng phục vụ tốt lợi ích của các nước thành viên. Các nước ASEAN cũng đã tạo dựng được thói quen và khả năng duy trì cân bằng linh hoạt trong quan hệ giữa ASEAN với các cường quốc. Thực tiễn cho thấy, lực kéo của môi trường bên ngoài có thể trở thành lực đẩy khiến ASEAN thêm đoàn kết và có vai trò quan trọng hơn. Các nước ASEAN cũng nhận thức rõ vị trí của các nước nhỏ trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc. Tuy nhiên, những thách thức do cạnh tranh nước lớn đang và sẽ đặt ra cho ASEAN là không nhỏ, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải củng cố nhận thức về tầm quan trọng của ASEAN, cũng như đồng thuận trong việc tìm kiếm và thực thi các giải pháp nhằm ứng phó với những thách thức.

THÁCH THỨC ĐỐI VỚI ASEAN

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có xu hướng quyết liệt hơn, khả năng một số nước thành viên ASEAN đi theo hướng riêng theo trục quan hệ của mình với các nước lớn có xu hướng gia tăng, từ đó khiến việc giữ vững đoàn kết và nhất trí trong ASEAN trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý là khả năng kết hợp của các yếu tố đối nội và đối ngoại dưới tác động của cạnh tranh nước lớn. Một số nhà phân tích cho rằng, vấn đề nội bộ của từng nước ASEAN ngày càng tác động đến quan hệ giữa các nước thành viên, theo đó một số nước sẽ thiên về phát triển quan hệ với Mỹ và các đồng minh, những nước khác sẽ thiên về phát triển quan hệ với Trung Quốc.

Do khả năng chịu ảnh hưởng bởi sự chi phối của các vấn đề nội bộ, sự đoàn kết trong ASEAN có thể bị lung lay và trở nên suy giảm. Cựu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Kishore Mahbubani từng cảnh báo: “những cú sốc địa - chính trị thường đem lại các hậu quả bất ngờ, trong đó sự phân tuyến, chia rẽ về văn hóa - xã hội, chính trị - ngoại giao trong từng nước và giữa các nước vốn tiềm ẩn sẽ lại nổi lên mạnh mẽ mà ASEAN chưa có kế hoạch đối phó”(5). Sự phân tuyến có thể trở nên mạnh hơn giữa các nước lục địa và hải đảo, giữa các nước phát triển và chậm phát triển hơn, giữa các nước theo các mô hình chính trị, văn hóa - xã hội khác nhau ở Đông Nam Á.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu nội bộ của ASEAN thiếu thống nhất sẽ khiến Hiệp hội khó đạt được lập trường chung giữa các nước thành viên về các vấn an ninh khu vực liên quan đến nước lớn. Điều này đưa đến hệ quả là vai trò của ASEAN trong chiến lược của các nước lớn có khả năng suy giảm. Thực tế cho thấy, cả Mỹ và Trung Quốc đều tiếp tục triển khai các chiến lược lớn, bao gồm IPS và BRI; đồng thời, tăng cường hoạt động của các cơ chế nhằm khẳng định vị trí dẫn dắt của mình, như Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Hội nghị hợp tác Mê Công - Lan Thương (LMC), Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Công (LMI) và mới đây là Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mê Công - Mỹ (MUSP), Nhóm “Bộ tứ” (QUAD), Thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS). Vai trò trung tâm của ASEAN tuy được các nước lớn tuyên bố công nhận và ủng hộ, nhưng thực chất ASEAN có nguy cơ trở thành diễn đàn để các nước lớn tranh thủ, lôi kéo phục vụ mục tiêu tập hợp lực lượng, từ đó làm suy giảm vai trò trung tâm của ASEAN(6).

Thủ tướng Australia S. Morrison với ngoại trưởng các nước thành viên nhóm Đối thoại An ninh Bộ tứ (QUAD, gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) tại Melbourne (Australia), ngày 11/2/2022. (Nguồn: AFP)

Nói cách khác, vai trò của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt có khả năng bị suy giảm trước những cơ chế mới do các nước lớn chi phối. Cụ thể, BRI được cho là sẽ làm giảm vai trò của ASEAN trong đẩy mạnh kết nối khu vực từ thương mại, dịch vụ, đến kết cấu hạ tầng, trong khi giúp Trung Quốc thiết lập một hệ thống/mô hình quan hệ kiểu mới. Theo cựu Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, việc Trung Quốc chuyển từ phương châm “giấu mình chờ thời” sang chính sách đối ngoại quyết đoán, táo bạo hơn đã giúp “bác bỏ giả định từ lâu nay tưởng như vẫn đứng vững là ASEAN luôn thống nhất lập trường liên quan đến ứng xử với các nước lớn. Thay vào đó, yếu tố Trung Quốc đã khiến chương trình nghị sự của ASEAN ít nhiều bị đảo lộn, thông lệ của ASEAN phần nào bị thay đổi”(7).

Trong khi đó, IPS với trọng tâm phát triển các mối quan hệ theo mô hình mạng lưới của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác có thể làm giảm vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh đa phương khu vực. Nhiều quan ngại được đưa ra rằng, cơ chế đối thoại an ninh của nhóm QUAD(8) có thể vươn lên đóng vai trò chủ đạo trong cấu trúc an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ đó làm giảm vai trò của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) mà ASEAN đã nỗ lực duy trì trong 27 năm qua trên cơ sở đối thoại và hợp tác, quyết định dựa trên đồng thuận, không can thiệp, tiệm tiến, phù hợp với các bên tham gia(9).

Bên cạnh đó, khả năng thỏa hiệp nước lớn tuy không cao trong tương lai gần nhưng cũng không loại trừ và có thể làm giảm hơn nữa vai trò của ASEAN trong khu vực. Tình trạng căng thẳng, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo là sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn duy trì hợp tác trên một số lĩnh vực, cả song phương và đa phương, đồng thời tình trạng đan xen lợi ích vẫn tiếp tục, Mỹ khó có thể không công nhận vai trò nước lớn của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

Hai nước vẫn ở trong quá trình tìm kiếm xây dựng khuôn khổ quan hệ mới. Phát biểu sau khi kết thúc Đối thoại cấp cao Mỹ - Trung Quốc vào ngày 9/11/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh: “kể cả khi phải đối mặt với nhiều khác biệt lớn, mặt hợp tác vẫn rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực chủ chốt trong quan hệ giữa hai nước”(10). Chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman vào cuối tháng 7/2021 hay cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bốn tháng sau đó là những ví dụ cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn muốn duy trì các kênh ngoại giao, đối thoại và khuôn khổ quan hệ với Trung Quốc. Hai nước tuy cạnh tranh quyết liệt nhưng vẫn nỗ lực ổn định quan hệ, tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác, như biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân Iran, Afghanistan...

Do đó, cả về lý thuyết và thực tiễn, khả năng thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn không thể loại trừ và có thể tác động đến ASEAN. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho rằng, ngoài yếu tố cạnh tranh, các nước lớn vẫn có truyền thống “dàn xếp ngầm” để đi đến hiểu biết và tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau. Theo đó, dàn xếp giữa Mỹ và Trung Quốc về an ninh sẽ báo hiệu sự kết thúc của chính sách lôi kéo ASEAN mà hai nước đang theo đuổi(11).

Tóm lại, yếu tố cạnh tranh nước lớn đang và sẽ tạo ra thách thức đối với ASEAN trong việc giữ đoàn kết thống nhất trong từng nước và trong nội khối, cũng như duy trì vai trò trung tâm trong thúc đẩy hợp tác và định hình cấu trúc khu vực. Một phần vì trên thực tế, các cơ chế này chưa hiệu quả, đứng trước đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa. Cạnh tranh nước lớn tiếp tục tạo ra những thách thức đối với các nước ASEAN.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa, trái) dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 24 diễn ra bằng hình thức trực tuyến, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh THX/TTXVN)

CHẶNG ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC

Ở vào vị trí tâm điểm của cạnh tranh nước lớn, nếu sự gắn kết của ASEAN tiếp tục được giữ vững, các cơ chế do ASEAN làm nòng cốt sẽ tiếp tục được bảo đảm và vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác, cũng như cấu trúc khu vực sẽ được duy trì. ASEAN giữ được giá trị khi các nước thành viên vẫn tiếp tục theo đuổi, nuôi dưỡng sự trung lập và tự chủ.

Các nhà phân tích cho rằng, ASEAN cần nỗ lực củng cố vai trò tạo dựng “luật chơi”, cung cấp cơ chế để các nước lớn tham gia. Đối với các nước Đông Nam Á, việc các nước lớn tham gia các khuôn khổ do ASEAN làm nòng cốt và tuân thủ các luật lệ và chuẩn mực do ASEAN xây dựng vẫn được xem là “kịch bản” có lợi nhất. Trong 5 - 10 năm tới, khó có cơ chế đa phương khu vực nào có thể thay thế ASEAN trong vai trò nòng cốt thúc đẩy đối thoại và hợp tác ở khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN làm trung tâm với sự tham gia của tất cả các nước lớn. Lý do là ít khả năng có một nước lớn nào có đủ sự tin cậy và ủng hộ để đóng vai trò dẫn dắt. Các sáng kiến mới có tính cạnh tranh và loại trừ nhau. Trong khi đó, các nước vừa và nhỏ vẫn tiếp tục ủng hộ vai trò và vị thế của ASEAN trong việc tăng cường các biện pháp quản lý khủng hoảng, xây dựng lòng tin, hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. ASEAN với cách tiếp cận tiệm tiến, dung nạp và “phù hợp với tất cả các bên” vẫn có giá trị để phát huy.

Trong khi giữa các quốc gia trong khu vực vẫn tồn tại sự khác biệt quan điểm về luật lệ và trật tự dựa trên luật lệ, đã có 39 nước chấp nhận các chuẩn mực chung của ASEAN và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á, trong đó có hầu hết các nước chủ chốt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Số lượng các nước bày tỏ mong muốn tham gia TAC ngày càng nhiều, phản ánh sự công nhận của các quốc gia ngoài ASEAN về các chuẩn mực này và khẳng định vai trò tạo dựng “luật chơi” nhằm tăng cường lòng tin và hợp tác giữa các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này, cùng với sức sống dẻo dai qua lịch sử tồn tại và phát triển 55 năm của ASEAN là cơ sở quan trọng để tin tưởng rằng các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố đồng thuận, phát huy tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng để đưa ASEAN vượt qua những thách thức của cạnh tranh nước lớn, phát triển vững mạnh, góp phần vào an ninh, ổn định và phát triển của từng quốc gia thành viên cũng như của khu vực và thế giới./.

PGS. TS. Đặng Cẩm Tú
Học viện Ngoại giao

___________________

(1) Dian Septiari: ASEAN world’s fifth-largest economy: Report (Tạm dịch: ASEAN - Nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới: Báo cáo), The Jakarta Post, ngày 26/11/2019; Luz Wendy Noble: “ASEAN to become world’s fourth largest economy by 2030: Singapore PM Lee” (Tạm dịch: ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long), Singapore Business Review, ngày 30/8/2018.

(2) The ASEAN Declaration (Bangkok Declaration) (Tạm dịch: Tuyên bố ASEAN), Bangkok, ngày 8/8/1967.

(3) John D. Ciorciari: ASEAN and the Great Powers (Tạm dịch: ASEAN và các cường quốc), Contemporary Southeast Asia, Vol. 39, No. 3, tháng 8/2017, tr.253; Richard Stubbs: The ASEAN Alternative? Ideas, Institutions and the Challenges to Global Governance (Tạm dịch: Giải pháp thay thế ASEAN: Ý tưởng, thể chế và thách thức đối với quản trị toàn cầu), The Pacific Review, 21, No. 4, tháng 12/2008, tr.457; Nguyễn Vũ Tùng-Trần Đặng Tú Nhi: ASEAN: Chặng đường 50 năm của một tổ chức hợp tác khu vực thành công, Tạp chí Cộng sản, số 848, 2017.

(4) Amitav Acharya: The Myths of ASEAN Centrality (Tạm dịch: Những huyền thoại về vị trí trung tâm của ASEAN), Contemporary Southeast Asia, Vol. 39, No. 2, tháng 8/2017, tr.227; B. A. Hamzah: Introduction - ZOPFAN - Its Strategic Intent (Tạm dịch: Giới thiệu - ZOPFAN - Ý định chiến lược của nó), Southeast Asia and Regional Peace, edited by B. A. Hamzah, Kuala Lumpur: Institute of Strategic and International Studies, 1992, tr.3; Ralf Emmer: Unpacking ASEAN Neutrality: The Quest for Autonomy and Impartiality in Southeast Asia (Tạm dịch: Khai thác tính trung lập của ASEAN: Nhiệm vụ giành quyền tự chủ và không thiên vị ở Đông Nam Á), Contemporary Southeast Asia, Vol. 40, No. 3, tháng 12/2018, tr.349-370.

(5) Kishore Mahbubani and Jeffrey Sng: The ASEAN Miracle: A Catalyst for Peace (Tạm dịch: Phép màu ASEAN: Chất xúc tác cho hòa bình), NUS Press Singapore, 2017, tr.159.

(6) Ngọc Mai: Đông Nam Á trong chiến lược của các nước lớn, Báo Thanh niên điện tử, ngày 1/8/2011.

(7) Surin Pitsuwan: ASEAN After 50 years and Beyond: A Personal Perspective (Tạm dịch: ASEAN sau 50 và xa hơn nữa: Góc nhìn cá nhân), The ASEAN Journey: Reflections of ASEAN Leaders and Officials, Vol. 1, https://www.eria.org/asean50-vol.1-25.surin-pitsuwan.pdf.

(8) Bao gồm: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ.

(9) Hà Ngọc: ASEAN trước thách thức thay đổi địa chính trị, Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 20/10/2021.

(10) Remarks by Secretary of State Michael R. Pompeo with Secretary of Defense James Mattis, Chinese Politburo Member Yang Jiechi and Chinese State Councilor and Defense Minister General Wei Fenghe at a Press Availability (Tạm dịch: Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa tại một buổi họp báo), Ben Franklin Room, Washington, D.C., https://www.state.gov/secretary/remarks/2018/11/287279.htm, ngày 9/11/2018.

(11) Natalegawa, Marty: Does ASEAN Matter? A View from Within (Tạm dịch: ASEAN có quan trọng không? Một góc nhìn từ bên trong), ISEAS - Yusof Ishak Institute, 2018, tr.142.

(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất