VỀ CUỘC XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE HIỆN NAY
Cuộc
khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine hiện nay bắt nguồn từ sau khi kết
thúc Chiến tranh lạnh đến nay, gần hơn là năm 2014 khi Nga sáp nhập bán
đảo Crimea, tiếp theo là một số bất ổn ở khu vực Donbass, phía đông của
Ukraine - nơi có hai nước Cộng hòa tự xưng là Donetsk (DPR) và Luhansk
(LPR).
Gần đây nhất là từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình trở nên đặc
biệt căng thẳng vào thời điểm tháng 12/2021, Nga gửi đến Mỹ và Tổ chức
Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm, trong
đó nêu rõ các quan ngại về an ninh được coi như những “lằn ranh đỏ”, đó
là: 1) Ukraine không thể trở thành thành viên của NATO; 2) NATO không
tiếp tục mở rộng sang phía đông; 3) NATO quay trở lại điểm xuất phát năm
1997, nghĩa là trước khi mở rộng sang phía đông, kết nạp các nước Đông
Âu và ba nước Cộng hòa Baltic làm thành viên mới mà Nga cho là đe dọa
nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích chiến lược của Nga. Sau khoảng 1
tháng rưỡi, Mỹ và NATO gửi lại bản phản hồi tới Nga kèm theo các đề nghị
không được đáp ứng thỏa đáng. Theo Mỹ và NATO, tất cả quốc gia có chủ
quyền như Ukraine nếu có yêu cầu về an ninh, có thể làm đơn xin gia nhập
không chỉ NATO mà bất kỳ tổ chức nào khác phù hợp với lợi ích quốc gia
của Ukraine. Bản phản hồi cũng nhấn mạnh, việc Nga yêu cầu NATO quay trở
lại điểm xuất phát năm 1997 là không hợp lý. Điều này khiến Nga cho
rằng, những đề nghị chính đáng của mình không được Mỹ và NATO coi trọng.
Xoay
quanh việc Nga triển khai lực lượng quân sự lớn tới khu vực giáp biên
giới với Ukraine từ cuối tháng 11/2021, ngày 22/2/2022, Tổng thống Nga
Vladimir Putin đã công bố quyết định công nhận độc lập của hai nước DPR
và LPR, đồng thời điều quân đến đây để thực hiện “nhiệm vụ gìn giữ hòa
bình”. Trước nguy cơ an ninh ngày càng hiện hữu sau khi Ukraine dự kiến
ký kết một hiệp định quân sự chiến lược với Anh và Ba Lan, vào ngày
24/2/2022, Tổng thống Nga V. Putin tiếp tục tuyên bố mở “chiến dịch quân
sự đặc biệt” ở miền Đông Ukraine, nhằm đáp lại lời đề nghị hỗ trợ bảo
đảm an ninh của lãnh đạo hai nước DPR và LPR.
MỘT SỐ LÝ GIẢI
Nhìn tổng quát, cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay về cơ bản có thể được lý giải tiếp cận từ hai góc độ chính sau:
Thứ nhất,
từ góc độ chủ nghĩa hiện thực chính trị, khi tìm hiểu về quy luật vận
động và đấu tranh của nền chính trị quốc tế. Nằm trên lục địa Âu - Á,
Ukraine là “vùng đệm tự nhiên” giữa Đông và Tây. Cả Nga và phương Tây
đều cho rằng, bên kia là mối nguy cơ an ninh, đe dọa sự tồn tại của
mình.
Theo Nga, việc Ukraine xin gia nhập NATO sẽ làm mất cân bằng cán
cân quyền lực an ninh ở sườn phía tây của Nga, đe dọa đến không gian
sinh tồn của nước Nga, mất vùng đệm chiến lược, suy giảm ảnh hưởng địa -
chính trị từng có trong thời kỳ Liên Xô, do đó Nga phải hành động kịp
thời để ngăn chặn mối nguy cơ an ninh này để duy trì “vùng đệm an ninh”
sống còn, chống lại nỗ lực mở rộng ảnh hưởng về phía tây của NATO.
Trong
khi đó, Mỹ và phương Tây lý giải đó là việc họ cần làm để ngăn chặn Nga
nổi lên ở khu vực. Điều này sẽ đe dọa đến an ninh châu Âu (khu vực ảnh
hưởng truyền thống của Mỹ), đoàn kết nội khối NATO, vai trò lãnh đạo
toàn cầu và một trật tự quốc tế có lợi cho Mỹ.
Nghiên cứu tiêu biểu về
vấn đề Ukraine có thể kể đến cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Zbigniew
Brzezinski với cuốn sách “Bàn cờ lớn” (The Grand Chessboard) và học giả
người Mỹ về quan hệ quốc tế John Mearsheimer với nhiều tác phẩm, như
“Cân bằng khơi xa: Đại chiến lược ưu việt của Mỹ”(1), “Đừng cung cấp vũ khí cho Ukraine”(2)...,
bày tỏ rõ quan điểm rằng khi Liên Xô sụp đổ, không còn một cường quốc
chi phối khu vực nào khác tồn tại, Mỹ lẽ ra nên giảm dần sự hiện diện
quân sự tại đây, xây dựng quan hệ thân thiện hơn với Nga và giao trả
nhiệm vụ bảo vệ an ninh châu Âu cho người châu Âu. Thay vào đó, trên
thực tế Mỹ lại mở rộng NATO và “phớt lờ” các lợi ích của Nga, góp phần
châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine và nhiều xung đột
khác. Ở góc độ tiếp cận này, sẽ thấy rõ hai khung luận điểm chính, đó
là: 1) Chủ nghĩa bá quyền toàn cầu/khu vực - chính trị cường quyền; 2)
Sự trở lại rõ nét của tư duy địa - chính trị trong thế kỷ XXI, nhất là
tư duy về vùng đệm, sân sau, biên giới, phên giậu.
Thứ hai,
từ góc độ chủ nghĩa kiến tạo và chủ nghĩa tự do - gốc rễ là sự xung đột
không thể giải quyết giữa hai nền văn minh Anglo-Saxon và Slavo, là
phản ứng trước sự bành trướng địa - chính trị của những người Anglo -
Saxon dưới lớp vỏ lan rộng của toàn cầu hóa muốn thống trị toàn bộ châu
Âu. Người Slavo cho rằng, đây là sự trở lại không gian lịch sử và vị trí
của họ trên thế giới mà đại diện là Nga.
Bên cạnh đó, có thể kể đến yếu
tố chủ nghĩa dân tộc của Nga với lòng tự hào, tự tôn dân tộc rất cao.
Đối với Nga, tình trạng suy giảm của kinh tế - trật tự xã hội trong nước
và việc Nga phải từ bỏ ảnh hưởng tại nhiều khu vực trên toàn cầu chính
là hậu quả của việc Liên Xô sụp đổ. Quá khứ hào hùng của nước Nga đã tạo
nên tinh thần dân tộc cao độ. Mặc dù nước Nga chịu tổn thất nặng nề về
người và của trong Chiến tranh thế giới thứ hai song những đóng góp quan
trọng của Nga trong việc duy trì, bảo đảm hòa bình, an ninh thế giới
chính là sự khẳng định vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Xét về góc độ
lịch sử văn hóa, các nhà phân tích cho rằng xung đột quân sự Nga -
Ukraine phần nào xuất phát từ tinh thần chủ nghĩa dân tộc cao ở Nga.
Đồng thời, cuộc xung đột còn có thể được lý giải xuất phát từ sự bá
quyền tự do của Mỹ, khiến Mỹ cam kết, xuất khẩu, phổ biến các giá trị
dân chủ đến tận những nơi xa lạ, nghĩa là cần phải có lực lượng quân sự
chiếm đóng đi cùng và phải luôn can thiệp vào các dàn xếp chính trị của
các khu vực. Điều này thường gây ra sự chống đối của những người theo
chủ nghĩa dân tộc. Nga coi việc Mỹ can thiệp và áp đặt các giá trị dân
chủ, nhân quyền đối với Nga là nguy cơ gây mất ổn định chính trị nội bộ.
TÍNH TOÁN CỦA CÁC BÊN
Về phía Nga, Tổng
thống Nga V. Putin khẳng định với nước Nga và toàn thế giới rằng,
Ukraine không chỉ là một đất nước láng giềng mà còn là một phần không
thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tinh thần Nga. Nguyên
nhân trực tiếp dẫn đến cuộc xung đột hiện nay là do phương Tây và
Ukraine không nhìn thấy hết và đáp ứng các quan ngại của Nga về an ninh
quốc gia, không thấu hiểu lợi ích chiến lược của nhau và lập trường của
hai bên quá xa nhau về vấn đề Ukraine. Về sâu xa, tính toán và mục tiêu
của nước Nga thông qua chiến dịch quân sự tại Ukraine lần này có thể
thấy nổi lên mấy điểm chính sau:
Một là,
về mặt lịch sử văn hóa, các quốc gia hiện đại ngày nay, như Nga,
Ukraine và Belarus đều có nguồn gốc hình thành từ Nhà nước Kievan Rus.
Đây từng là một đại công quốc giàu có, thịnh vượng, hùng mạnh và lừng
lẫy trong suốt một quãng thời gian dài của lịch sử thế giới, tồn tại
trong khoảng 500 năm từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XIII. Trung tâm kinh tế
- chính trị của nhà nước này đều được đặt tại vùng đất Thánh - Kiev
(thủ đô hiện tại của Ukraine). Bên cạnh nước Nga Sa hoàng, Ukraine được
gọi là “Tiểu Nga”, còn Belarus mang tên “Bạch Nga”. Ba quốc gia hiện đại
Nga - Ukraine - Belarus hiện nay, trên thực tế là một khối khăng khít
khó có thể tách rời trong suốt chiều dài lịch sử, ba “nhánh cây đâm
chồi” từ một gốc Kievan Rus.
Hai là,
về mặt chính trị - an ninh - quân sự, chính quyền của Tổng thống Nga V.
Putin cho rằng, hơn 30 năm qua kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga đã bị
Mỹ và các nước phương Tây đối xử không công bằng dưới nhiều hình thức,
từ việc luôn mang tư tưởng thù địch với Nga, không đặt Nga ở một vị trí
quan trọng trong cấu trúc an ninh mới của toàn châu Âu sau Chiến tranh
lạnh, đến các vòng mở rộng NATO đe dọa không gian an ninh, phát triển
của Nga, kích động các cuộc “cách mạng màu”, cấm vận Nga về kinh tế,
công nghệ, tài chính…, đặc biệt là xóa bỏ nhận thức của châu Âu về công
lao của Liên Xô giải phóng các dân tộc khỏi nạn diệt chủng phát-xít
trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nga cho rằng, việc Ukraine triển
khai chính sách đối ngoại thân phương Tây và gia nhập NATO sẽ khiến
không gian sinh tồn của Nga ngày càng bị thu hẹp, thậm chí đe dọa sự tồn
tại của Nga với tư cách là một cường quốc.
Quyết định triển khai “chiến
dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine có thể khiến uy tín của Tổng thống
Nga V. Putin giảm sút trên trường quốc tế và đối diện với các lệnh trừng
phạt nặng nề chưa từng có từ Mỹ và các nước phương Tây, tuy nhiên dường
như Nga đã chuẩn bị sẵn tâm lý và các phương án ứng phó, vẫn quyết tâm
thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” - điều góp phần mang lại yếu tố
thuận lợi cho sự phát triển lâu dài của Nga, trong đó bảo đảm chắc chắn
về một Ukraine trung lập, không thực hiện chính sách đối ngoại thân
phương Tây. Mục tiêu sâu xa hơn của quyết định đó là đưa Ukraine trở lại
phạm vi ảnh hưởng nhằm tạo sức mạnh đối trọng với NATO, tái thiết lập
vùng đệm an ninh giữa Nga và phương Tây, như chiến lược trước đây Liên
Xô từng theo đuổi, thiết kế lại bản đồ an ninh châu Âu và đưa Nga trở
lại “bàn cờ” dành cho những siêu cường. Đồng thời, Nga muốn điều chỉnh
lại những hệ quả an ninh sau cột mốc năm 1991 - thời điểm xảy ra sự kiện
mà Tổng thống Nga V. Putin từng gọi là “bi kịch địa - chính trị lớn
nhất thế kỷ XX”: Sự tan rã của Liên Xô.
Về phía Mỹ và phương Tây, kể
từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, NATO luôn xem Nga là mối đe dọa an
ninh số một; còn Mỹ coi Nga và Trung Quốc là những “đối thủ cạnh tranh
chiến lược” hàng đầu. Mỹ và phương Tây luôn muốn dập tắt những hy vọng
của Nga trong việc phục hồi vị thế cường quốc toàn cầu của Liên Xô như
trước đây thông qua quá trình “Đông tiến” của NATO. Mối quan hệ giữa Nga
với Mỹ và phương Tây đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm giữa đối
đầu và hòa hoãn, tuy khác nhau về mức độ nhưng bản chất vẫn là cạnh
tranh chiến lược và đối kháng lợi ích, sự mở rộng ảnh hưởng của bên này,
trong cách tiếp cận của bên còn lại, sẽ thu hẹp lợi ích của bên kia. Về
tổng thể, Mỹ có mục tiêu chiến lược không đổi là duy trì vai trò lãnh
đạo toàn cầu và một trật tự quốc tế có lợi cho Mỹ, kiềm chế và không để
Nga nổi lên thách thức vị thế của Mỹ.
Cụ
thể, trong cuộc khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine, trước khi xung đột
nổ ra, Mỹ và phương Tây được cho là đều có tính toán trong việc thực
hiện cuộc chiến tranh thông tin, đẩy thêm căng thẳng giữa Nga với
Ukraine để dễ dàng hiện thực hóa kế hoạch “phương Tây hóa Ukraine”, lôi
kéo các nước có xu hướng thân Nga dựa hẳn vào Mỹ và phương Tây… Khi
chiến sự bùng nổ, Mỹ và phương Tây không trực tiếp tham chiến nhưng tăng
cường trợ giúp Ukraine các trang thiết bị vũ khí hiện đại, áp đặt các
biện pháp cấm vận kinh tế ngặt nghèo đối với Nga… Trong tính toán của Mỹ
và phương Tây, căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang còn giúp Mỹ và
phương Tây có thể đạt được các mục tiêu lớn tiếp theo. Cụ thể, trong
trường hợp Nga “sa lầy” vào cuộc chiến, đây sẽ là cơ hội để Mỹ và phương
Tây tranh thủ tái thiết cục diện an ninh châu Âu và tạo dựng các cơ chế
kinh tế không có sự tham gia của Nga theo hướng có lợi cho Mỹ và phương
Tây; đồng thời, làm suy giảm sức mạnh tổng hợp quốc gia của Nga trên
trường quốc tế. Đối với Mỹ, bất kể cuộc xung đột vũ trang nào cũng là cơ
hội giúp Mỹ thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán vũ
khí cho các bên tham chiến và liên quan. Có một số ý kiến cho rằng,
dường như Mỹ và phương Tây chưa thực sự muốn Ukraine gia nhập NATO, bởi
vì khi Ukraine trở thành thành viên của NATO, Mỹ và NATO sẽ phải thực
hiện nghĩa vụ hỗ trợ Ukraine - một đồng minh vốn không đem lại quá nhiều
lợi ích thiết thân cho Mỹ và NATO. Chính vì vậy, NATO vẫn để ngỏ khả
năng tổ chức này có thể kết nạp Ukraine vào thời điểm thích hợp. Tuy
nhiên, đó dường như là một mũi tên trúng hai mục đích của Mỹ và phương
Tây: thổi bùng thêm căng thẳng trong quan hệ Nga - Ukraine và làm suy
giảm uy tín quốc tế cũng như sức mạnh tổng hợp quốc gia của Nga.
Trong
trường hợp trước áp lực mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế gây thiệt hại sâu
sắc, toàn diện đối với Nga, Nga chủ động giảm căng thẳng, Mỹ có thể tạo
dựng được uy tín trong vai trò hòa giải xung đột và Nga phải nhượng bộ
Mỹ trong giải quyết các vấn đề quốc tế khác, nhất là vấn đề liên quan
đến “chảo lửa” Trung Đông. Israel là đồng minh lâu năm của Mỹ và một
thực tế là giới tài phiệt cũng như những chính trị gia gốc Do Thái - ở
một góc độ nào đó - có vai trò hết sức quan trọng trên chính trường Mỹ.
Hỗ trợ đồng minh Israel trong cuộc xung đột ở Trung Đông chính là một
trong những cơ hội mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như Đảng Dân chủ cầm
quyền muốn tận dụng để tranh thủ lá phiếu của cử tri gốc Do Thái trong
cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa nhiệm kỳ sắp tới. Bên cạnh đó, nếu như
trước đây, nội bộ NATO và châu Âu có nhiều khác biệt trong ứng xử với
Nga, thậm chí đã xuất hiện những rạn nứt nhất định xoay quanh quan điểm
về Nga khi mà lợi ích giữa Nga và nhiều quốc gia trong NATO ràng buộc
lẫn nhau (khoảng 40% nhập khẩu năng lượng của EU phụ thuộc vào Nga là
một nhân tố không dễ bỏ qua), thì cuộc xung đột Nga - Ukraine vô hình
trung đẩy Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau với lập trường thống nhất về
vấn đề Ukraine, cùng áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Về phía Trung Quốc, vào
thời điểm căng thẳng ở Ukraine và châu Âu lên cao, ngày 11/2/2022,
chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden công bố Chiến lược “Ấn Độ Dương -
Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng” với 5 ưu tiên; đồng thời, công
bố chương trình hành động - đây được xem là điểm mới so với trước -
nghĩa là Mỹ không chỉ có ý chí chính trị mà còn dành các nguồn lực về
kinh tế, ngoại giao, quốc phòng thích đáng để hỗ trợ cho chiến lược Ấn
Độ Dương - Thái Bình Dương mới. Điều đó cho thấy, dù có những mối quan
tâm ở châu Âu, nhưng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới là ưu
tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden. Cuộc xung đột Nga - Ukraine
nổ ra đã đẩy căng thẳng quan hệ Mỹ - Nga lên cao, điều này phần nào
giúp giảm nhiệt cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc trong giai đoạn
ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, Trung Quốc hiểu rõ rằng, Trung Quốc mới là
đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của Mỹ mà Mỹ đã nêu đích danh
trong nhiều tuyên bố và văn bản chính thức. Đối với Ukraine, Trung Quốc
không có bất kỳ trách nhiệm trực tiếp, ràng buộc nào và thể hiện quan
điểm trung lập. Bản chất trong quan hệ Trung Quốc - Nga và một số liên
hệ với tình hình nội tại Trung Quốc từ vấn đề Ukraine có thể thấy chính
sách của Trung Quốc nổi lên một số điểm chính sau:
Thứ nhất,
việc ủng hộ các phong trào ly khai ở một quốc gia có chủ quyền - nhất
là thông qua can thiệp quân sự - như Nga đang thực hiện đối với Ukraine,
khiến Trung Quốc cảm thấy quan ngại, bởi điều này có thể đặt ra một
tiền lệ tiêu cực gây ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc.
Thứ hai,
mặc dù được đặc trưng bởi trạng thái hợp tác cao chưa từng có tiền lệ,
song Trung Quốc và Nga là những quốc gia riêng biệt với những lợi ích
riêng biệt. Đối với Trung Quốc, vốn là mục tiêu gây áp lực chính của Mỹ
và phương Tây trong những năm gần đây, việc Nga bất ngờ mở “chiến dịch
quân sự đặc biệt” ở Ukraine sẽ khiến phương Tây chuyển sự chú ý sang
châu Âu, tạo điều kiện giúp Trung Quốc có thêm không gian và thời gian
để tăng cường ảnh hưởng và sức mạnh tổng hợp quốc gia, cũng như hoạch
định, triển khai, thúc đẩy các kế hoạch hành động cụ thể tại khu vực.
Thứ ba, lập trường 5 điểm của Trung Quốc đối với xung đột Nga - Ukraine(3)
hiện nay có thể xuất phát từ những nguyên nhân: 1) Trung Quốc muốn bảo
đảm một cường quốc quân sự khác, mà cụ thể là Nga, ủng hộ mình cả về
ngoại giao và kinh tế, trước bối cảnh an ninh khu vực châu Á đang diễn
ra cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này đang tạo ra cho
Trung Quốc những hạn chế nhất định trong việc gia tăng ảnh hưởng tại khu
vực truyền thống cũng như triển khai các đại chiến lược; 2) Trung Quốc
có thể vừa duy trì quan hệ, gắn kết ngày càng chặt chẽ, thậm chí nâng
tầm quan hệ với Nga(4) thông qua các gói cứu trợ kinh tế,
thỏa thuận thương mại song phương, vừa có thể “giữ” EU trong “quỹ đạo
kinh tế” của mình và giảm thiểu rủi ro từ các lệnh trừng phạt của phương
Tây, đồng thời, có thể duy trì, bảo vệ mối quan hệ thương mại đối với
Ukraine - một đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, với hơn 15
tỷ USD dòng chảy thương mại song phương vào năm 2020. Ukraine cũng là
“cửa ngõ” quan trọng vào châu Âu, là đối tác chính thức trong sáng kiến
Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc - một nỗ lực địa - chính trị
quan trọng hàng đầu mà Trung Quốc đang hướng tới(5).
Các
chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ
tiếp tục duy trì lập trường hiện nay đối với “chiến dịch quân sự đặc
biệt” của Nga tại Ukraine và theo dõi sát các diễn biến xoay quanh vấn
đề này để tìm kiếm các cơ hội trong bối cảnh phức tạp hiện nay
Có
thể thấy, dường như cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện chưa có dấu hiệu
giảm nhiệt, trở thành yếu tố gia tăng sự phức tạp, rối ren và khó đoán
định. Việc giảm căng thẳng tại Ukraine hiện nay là một nỗ lực rất cần
thiết đòi hỏi sự quyết tâm chung của các bên liên quan và của cả cộng
đồng quốc tế, nhằm hướng tới thúc đẩy xây dựng lòng tin cũng như xây
dựng một cấu trúc an ninh mới phù hợp, mang lại lợi ích chung, hài hòa
cho các nước một cách cân bằng, hữu hiệu và bền vững./.
TS. Phan Thị Thu Dung
Bộ Công an
__________________
(1)
Xem: John J. Mearsheimer and Stephen M. Walt: “The Case for Offshore
Balancing: A Superior U.S. Grand Strategy” (Tạm dịch: “Cân bằng khơi xa:
Đại chiến lược ưu việt của Mỹ”, Foreign Affairs, https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2016-06-13/case-offshore-balancing, ngày 13/6/2016.
(2) Xem: John J. Mearsheimer: “Don’t Arm Ukraine” (Tạm dịch: “Đừng cung cấp vũ khí cho Ukraine”), The New York Times, https://www.nytimes.com/2015/02/09/opinion/dont-arm-ukraine.html, ngày 8/2/2015.
(3)
Ngày 25/2/2022, cùng với Ấn Độ và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất
(UAE), phái đoàn Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu
trắng đối với dự thảo nghị quyết cáo buộc Nga “tấn công Ukraine”. Ngày
26/2/2022, Trung Quốc chia sẻ lập trường 5 điểm về vấn đề Ukraine, trong
đó có một số nội dung đáng chú ý, như: “Trong tình hình NATO liên tục 5
lần mở rộng về phía Đông, yêu cầu chính đáng về mặt an ninh của nước
Nga lẽ ra phải được coi trọng và giải quyết ổn thỏa” và “Hành động mà
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng nên hạ nhiệt tình hình căng thẳng
chứ không nên làm cho tình hình leo thang, như thông qua vũ lực và áp
đặt lệnh trừng phạt”.
(4)
Quan hệ Nga - Trung Quốc đã được cải thiện đều đặn trong hơn ba thập
niên, với sự thống nhất chặt chẽ hơn về nhiều vấn đề, bao gồm hệ tư
tưởng, an ninh, không gian mạng và quản trị toàn cầu. Quan hệ Nga -
Trung Quốc đang có những dịch chuyển trong thời gian gần đây; hai bên đã
có những thỏa thuận và tăng cường hợp tác với nhau về cung ứng năng
lượng, nguyên liệu thô, hàng hóa, cùng chia sẻ áp lực và mối nguy cơ từ
phía Mỹ và phương Tây áp đặt lên. Đáng chú ý, Trung Quốc đã dỡ bỏ toàn
bộ lệnh cấm nhập khẩu đối với lúa mì từ Nga trong bối cảnh căng thẳng
Nga - Ukraine leo thang, cho thấy mối quan hệ giữa Nga - Trung Quốc đang
được thắt chặt khi Mỹ và các đồng minh áp đặt những lệnh trừng phạt
mới.
(5)
Đầu năm 2022, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chào tới
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cho biết: “Kể từ khi thiết lập
quan hệ ngoại giao cách đây 30 năm, quan hệ Trung Quốc - Ukraine luôn
duy trì đà phát triển ổn định và phù hợp”.