Nghị định số 59/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định ba đối tượng phải đăng ký và đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen.
Đối tượng là cá nhân đăng ký và đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Có bằng cấp chuyên môn (từ đại học trở lên) về một trong các lĩnh vực như sinh học, công nghệ sinh học, dược học và khoa học nông nghiệp; là thành viên của tổ chức khoa học và công nghệ đang hoạt động theo quy định pháp luật của quốc gia nơi tổ chức được thành lập trong các lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, dược học, khoa học nông nghiệp và được tổ chức này bảo lãnh bằng văn bản.
Khi có nhu cầu tiếp cận nguồn gen, các đối tượng trên phải thực hiện các bước sau:
Đăng ký tiếp cận nguồn gen với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thỏa thuận và ký Hợp đồng với Bên cung cấp; đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận Hợp đồng; nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung; hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen.
Bị thu giấy phép nếu sử dụng nguồn gen gây hại
Nghị định quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen đối với nguồn gen của giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và giống cây lâm nghiệp.
Các trường hợp khác do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen.
Nghị định quy định rõ Giấy phép tiếp cận nguồn gen bị thu hồi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện một trong các trường hợp sau:
Tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin giả mạo để được cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen; hoạt động tiếp cận và sử dụng nguồn gen gây hại con người, môi trường, an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia của Việt Nam; tiến hành hoạt động tiếp cận và sử dụng nguồn gen ngoài phạm vi được cấp phép; các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật./.
(TTXVN)