Thứ nhất là khả năng "Brexit cứng," ám chỉ việc nước Anh ra khỏi thị
trường chung châu Âu, đồng thời áp đặt những biện pháp kiểm soát chặt
chẽ hoạt động nhập cư từ EU.
Nếu điều này xảy ra, Anh và EU sẽ phải tiến hành đàm phán tiếp về việc
tiếp cận thị trường của hàng hóa và dịch vụ. Tiến trình đàm phán thương
mại sẽ phải kéo dài nhiều năm với không ít thách thức, khó khăn.
Thứ hai là khả năng "Brexit cứng hơn," ám chỉ việc hai bên không thể đạt
được thỏa thuận để định hình mối quan hệ song phương, và họ buộc phải
sử dụng luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để hạn chế tình
trạng áp thuế trên diện rộng.
Thứ ba là khả năng "Brexit cứng nhất" khi Anh và EU kết thúc tiến trình
đàm phán kéo dài hai năm mà không thể đạt được bất cứ thỏa thuận nào
định hình mối quan hệ cũng như về các điều khoản "ly hôn."
Phát biểu tại hội thảo do trường Đại học Oxford tổ chức hôm 17/3, các
học giả cho rằng tiến trình đàm phán giữa Anh và EU sẽ rất phức tạp với
sự can dự của nhiều bên và liên quan đến hàng loạt vấn đề khác nhau.
Không chỉ thảo luận về các điều khoản liên quan đến việc Anh ra khỏi EU,
hai bên còn phải định hình mối quan hệ song phương trong tương lai. Đây
được coi là ưu tiên hàng đầu mà các nhà đàm phán Anh và EU hướng tới
sau khi London kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon./.
Theo TTXVN