Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 11/5/2009 15:46'(GMT+7)

Ba nạn nhân da cam dự Toà án lương tâm nhân dân quốc tế

Tại cuộc họp báo diễn ra sáng 11.5 tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội VAVA khẳng định: Ba nạn nhân thay mặt cho 3 triệu nạn nhân của Việt Nam dự Toà án lương tâm nhân dân quốc tế lần này với tư cách là nhân chứng và người bị hại.

Ba nạn nhân cùng với các chuyên gia trong đoàn sẽ cung cấp cho Toà những bằng chứng cụ thể về chất hoá học quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong thời gian 1961-1971 đã gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường thiên nhiên và sức khoẻ con người Việt Nam. Thông qua đó Toà án lương tâm nhân dân quốc tế tiến hành các thủ tục tố tụng, làm rõ những vấn đề pháp lý để phía Hoa Kỳ có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam.

Đoàn đại biểu Việt Nam dự Toà án lương tâm nhân dân quốc tế gồm 14 người do Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) dẫn đầu. Ngoài 3 nạn nhân đại diện cho hơn 3 triệu nạn nhân Việt Nam còn có 3 chuyên gia về môi trường, sức khoẻ, hoá học là GS.Ts Võ Quý, Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng và PGS Ts Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VAVA. Hai luật sư của Hội VAVA cùng đi là luật sư Lưu Văn Đạt và luật sư Lê Đức Tiết.

18 giờ ngày 11.5, có 5 đại biểu của đoàn Việt Nam sẽ bắt đầu lên đường sang Pari, số đại biểu còn lại trong đó có 3 nạn nhân sẽ lên đường vào ngày 13.5.

Ngoài đoàn Việt Nam, các đoàn đại biểu nạn nhân đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, cũng tham dự Toà án này.

Toà án lương tâm nhân dân quốc tế là sáng kiến của Hội Luật gia dân chủ quốc tế và do Hội Luật gia Pháp đăng cai tổ chức. Thành phần quan toà tham gia Toà án đến từ nhiều nước trên thế giới trong đó có 2 người đến từ Hoa Kỳ... Nguyên đơn là nhân dân Việt Nam, các nạn nhân Việt Nam và nhân dân có lương tri trên thế giới.

Hiện tại vẫn chưa biết rõ về thông tin phía bị đơn là chính quyền và các công ty hoá chất Hoa Kỳ có tham dự phiên toà này hay không. Tuy nhiên, nếu phía Hoa Kỳ không có mặt Tòa án vẫn có thể xử vắng mặt theo luật định. Các phán quyết của phiên tòa chính là ý kiến của công luận, của lương tri thế giới và có thể tạo ra sức ép đối với phía bị đơn để công lý được thực thi.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất