Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, tại vòng đàm phán lần này, đại diện
của Mexico, Mỹ và Canada sẽ thảo luận về các lĩnh vực dệt may, lao động,
dịch vụ và sở hữu trí tuệ, cùng với các vấn đề còn tồn đọng từ vòng đàm
phán trước đó.
Tương lai của hiệp định đang bị đe dọa khi các vòng tái đàm phán đi vào
bế tắc với một số tranh chấp khó hòa giải, chủ yếu là những đề xuất gây
tranh cãi từ phía Mỹ như tăng tỷ lệ nội địa khu vực với ngành ôtô từ mức
62,5% như hiện nay lên 85%, trong đó ít nhất là 50% tỷ lệ nội địa Mỹ,
chu kỳ 5 năm xem xét lại NAFTA và xóa bỏ chương 19 về giải quyết tranh
chấp.
Ngay trước vòng đàm phán, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray cho biết
nước này đang chuẩn bị một kế hoạch kinh tế vĩ mô nhằm ứng phó trong
trường hợp Mỹ rời khỏi NAFTA.
Quan chức này đồng thời khẳng định chính phủ Mexico đang tiếp tục triển
khai các biện pháp đa dạng hóa thị trường, rà soát các biện pháp thuế
quan và bảo vệ đầu tư trước một kịch bản xấu của NAFTA.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo nhấn mạnh Mexico kiên
quyết bảo vệ lợi ích quốc gia và sẽ đưa ra câu trả lời đối với các đề
xuất phi lý của Mỹ tại vòng đàm phán lần này.
Các cuộc tái đàm phán NAFTA đã được tiến hành theo đề nghị của Tổng
thống Mỹ Donald Trump với lý do hiệp định 23 năm tuổi này cướp đi hàng
triệu việc làm của người lao động Mỹ và cho phép Canada, Mexico hưởng
nhiều lợi thế trong khi gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.
Tổng thống Trump muốn có được thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm nay theo
đúng cam kết đề ra khi tranh cử. Mexico cũng muốn nhanh chóng kết thúc
đàm phán trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bên nào sẵn sàng đưa ra nhượng bộ cần
thiết để có thể thực sự tạo được đột phá và đẩy nhanh hơn tiến độ đàm
phán.
NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994.
Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ đạt trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016./.
Theo TTXVN