BS Tôn Thất Khoa, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Đề án 52 với nhiều hoạt động đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là phụ nữ vùng biển, ven biển không có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ y tế.
Đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân
Đề án 52 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009 và chính thức thực hiện tại Bà Rịa – Vũng Tàu từ năm 2010. Với nguồn ngân sách phân bổ cho Đề án hơn 24,4 tỷ đồng.
Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ miễn phí tại Trạm Y tế xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ. Ảnh: T.Linh
Trong thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với các đơn vị triển khai đồng bộ các hoạt động của Đề án tại 7/8 huyện, thành phố vùng biển, đảo và ven biển (trừ huyện Châu Đức). Để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Đề án, tỉnh đã thành lập 18 đội Y tế - KHHGĐ lưu động để đưa dịch vụ y tế đến tận địa bàn dân cư. Địa điểm cung cấp các dịch vụ của đội lưu động là tại trạm y tế các xã ven biển. Qua đó đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số khi sinh, phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn.
Việc triển khai thực hiện Đề án 52 với nhiều hoạt động đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là phụ nữ vùng biển, ven biển không có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ y tế. Từ khi triển khai Đề án đến nay, hơn 3.400 người dân được cung cấp dịch vụ chăm sóc bà mẹ trẻ em, KHHGĐ, hơn 64.000 bà mẹ mang thai được tư vấn về các nguy cơ cao; hơn 21.800 người được tư vấn về phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục...
Đến năm 2017, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 67,03%; Tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đạt 85%; Tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sơ sinh đạt 70,5%. Đây là những chuyển biến tích cực, bởi trước khi thực hiện Đề án, những tỷ lệ trên tương đối thấp ở vùng biển, đảo, ven biển, có những nội dung chưa từng được triển khai (tầm soát ung thư phụ khoa, sàng lọc sơ sinh…).
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện Đề án 52 vẫn còn một số khó khăn. Do đặc thù của người dân vùng biển thường xuyên di cư đánh bắt hải sản, dẫn đến sự biến động về dân số, gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư ở các xã vùng biển, đảo và ven biển. Ngoài ra, do lao động đặc thù nghề biển nên nhu cầu sinh con trai ngày càng cao, gây khó khăn cho việc thực hiện mô hình hai con, bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Nhận thức của chị em phụ nữ còn hạn chế trong việc thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, chưa biết cách ngăn ngừa những yếu tố gây ảnh hưởng đến sự mang thai và chất lượng bào thai…
Một khó khăn nữa là chế độ đãi ngộ đối với lực lượng cộng tác viên hiện nay rất thấp, không ổn định dẫn đến thường xuyên thay đổi nhân sự. Mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ mới tại cơ sở chưa có nhiều kinh nghiệm, còn hạn chế trong việc tuyên truyền, tư vấn các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân.
Để hoàn thành mục tiêu Đề án đề ra, trong thời gian tới, ông Tôn Thất Khoa cho biết: Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động, lồng ghép với chương trình quốc gia về DS-KHHGĐ. Trong đó, chú trọng đến việc duy trì mức sinh thấp hợp lý và tỷ số giới tính khi sinh như hiện nay (110 trẻ trai/100 trẻ gái) và quan trọng nhất là tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng dân số tại các xã đảo, ven biển của tỉnh; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, chuyển đổi hành vi trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân vùng biển.
Ngoài ra, Chi cục sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc sử dụng công nghệ cao để lựa chọn giới tính thai nhi cũng như xử lý triệt để các ấn phẩm liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc SKSS/ KHHGĐ nói riêng cho người dân vùng biển, đảo và ven biển.
Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2009-2020 đặt mục tiêu đến năm 2020: Quy mô dân số các vùng biển, đảo và ven biển của tỉnh không vượt quá 1,15 triệu người. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75%. Tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ SKSS/KHHGĐ đạt 95%. Tỷ lệ trẻ em tại các vùng biển, đảo và ven biển bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và do di truyền giảm bình quân hàng năm khoảng 5%.
Giadinh.net