Theo Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang, trong quá trình triển khai
thi hành Luật Báo chí trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn,
vướng mắc như việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho
báo chí còn có những hạn chế nhất định.
Ngày 11/9, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí trên địa bàn. Hội nghị đã đánh giá những kết quả đạt được sau 15 năm thi hành Luật Báo chí trên địa bàn tỉnh; những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện Luật và một số kiến nghị, đề xuất để bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh các quy định trong Luật Báo chí cho phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động báo chí.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá sâu về một số nội dung đáng quan tâm hiện nay như chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; Hội Nhà báo; thẩm quyền yêu cầu cơ quan báo chí, nhà báo cung cấp tin dùng để đăng phát trên báo chí; vấn đề cải chính trên báo chí; liên kết trong hoạt động báo chí, kinh tế báo chí...
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang Lã Duy Khiêm đã nêu một số kiến nghị và đề xuất để nâng cao hiệu quả thực thi Luật Báo chí trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Luật Báo chí hiện hành (Luật được Quốc hội thông qua ngày 28/12/1989 và được sửa đổi, bổ sung ngày 12/6/1999) gồm 7 chương, 30 điều. Trong thời gian tới, nên bổ sung vào các quy định cụ thể của Luật những nội dung chủ yếu của các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ quy định, điều chỉnh về hoạt động của các cơ quan báo chí nước ngoài và phóng viên nước ngoài tại Việt Nam và về các trang thông tin điện tử, hoạt động liên kết giữa cơ quan báo chí với tổ chức khác để sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình, dịch vụ truyền hình trả tiền... Luật cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (đã được nêu tại điều 7 và cụ thể hóa bằng Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí) nhưng trên thực tế việc thực hiện Quy chế này còn nhiều khó khăn. Tại điều 5 Luật Báo chí có quy định về vấn đề đăng, phát tác phẩm, ý kiến công dân; song thực tế cho thấy quy định này không có tính khả thi vì báo chí không thể đăng hoặc phát sóng mọi tác phẩm, ý kiến của công dân...
Ngoài ra, theo đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang, Chính phủ cần sớm phê duyệt quy hoạch phát triển báo chí đến năm 2030 để làm cơ sở cho các địa phương tổ chức thực hiện. Cần bổ sung thành một số điều của Luật Báo chí để quy định, điều chỉnh các vấn đề đang được xã hội quan tâm hiện nay như quản lý trang thông tin điện tử, Blog cá nhân...
Sau 15 năm thi hành Luật Báo chí, cùng với báo chí cả nước, báo chí Bắc Giang đã không ngừng lớn mạnh, góp phần phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép là Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Giang và Tạp chí Sông Thương. Tại Bắc Giang có 3 cơ quan báo chí Trung ương đặt cơ quan thường trú là Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Tiền phong. Toàn tỉnh có trên 300 trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị; trên 30 bản tin của các sở, ngành, huyện, thành phố, 10 Đài truyền thanh huyện, thành phố, 216 Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang, trong quá trình triển khai thi hành Luật Báo chí trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí còn có những hạn chế nhất định. Công tác quản lý nhà nước về báo chí, tài chính cho hoạt động của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế./.
Theo TTXVN