Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 22/12/2008 16:19'(GMT+7)

Bắc Giang thực hiện đổi mới phương thức triển khai nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết của Đảng

 Qua học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng đã nâng cao nhận thức chính trị, quan điểm, kiến thức trên các lĩnh vực; nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Công tác nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng ở địa phương tuy có nhiều kết quả, nhưng cũng còn hạn chế. Việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết nặng thông tin một chiều, chưa thật sự sâu sắc, chưa dành thời gian thỏa đáng cho cán bộ, đảng viên thảo luận phát huy dân chủ và trách nhiệm trong học tập quán triệt Nghị quyết. Việc giới thiệu nội dung các Nghị quyết thường ỷ lại, phụ thuộc vào Báo cáo viên cấp trên. Số đồng chí Bí thư cấp ủy, nhất là ở cơ sở tham gia giới thiệu, truyền đạt, phổ biến Nghị quyết chưa nhiều. Việc xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết có việc còn chung chung, hình thức, rập khuôn sao chép cấp trên. Nắm bắt được từ thực tế chung trên đây từ Trung ương và các cấp ủy đều nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết của Đảng.

Để nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị đã có chủ trương đổi mới phương thức nghiên cứu, quán triệt thể hiện trong Thông báo kết luận số 169 của Bộ Chính trị về việc triển khai, nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 và Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, khóa X, Ban Tuyên giáo TW cũng đã có chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện sự đổi mới mạnh mẽ với tinh thần chung là: Khi giới thiệu Nghị quyết cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi, những vấn đề cơ bản, những vấn đề mới của từng nghị quyết. Các cấp ủy có trách nhiệm trực tiếp tổ chức triển khai nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết của Đảng cho cán bộ và đảng viên. Xây dựng và thảo luận chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng ở cấp mình, bảo đảm kết quả cao, thiết thực, tiết kiệm. Đồng chí Bí thư các cấp ủy không những chỉ đạo mà còn là báo cáo viên trực tiếp truyền đạt, giới thiệu các Nghị quyết của Đảng ở địa phương, đơn vị mình. Việc triển khai nghiên cứu các Nghị quyết của Trung ương phải gắn liền với điều kiện của địa phương, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị đang thực hiện. Khi xây dựng chương trình hành động phải tiến hành khảo sát cụ thể, đánh giá đúng tình hình, xác định giải pháp có tính đột phá trong tổ chức thực hiện chương trình. Dự thảo chương trình đưa ra thảo luận trong thường vụ cấp ủy, trong cấp ủy và ở hội nghị cán bộ chủ chốt. Trong khi tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt không chỉ giới thiệu nội dung cơ bản nghị quyết, giới thiệu chương trình hành động mà còn cần dành một lượng thời gian thỏa đáng để các đại biểu thảo luận nhận thức Nghị quyết, thảo luận chương trình hành động. Nêu câu hỏi, thắc mắc, nghe giải đáp và đề xuất những kiến nghị với cấp ủy, các ngành trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, có thể đề xuất cả với Trung ương.

Với nhận thức tầm quan trọng việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là khâu mở đầu quá trình đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã nghiêm túc thực hiện chủ trương đổi mới việc nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng theo tinh thần Thông báo kết luận 169 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Ban Bí thư, Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo TW. Với tinh thần đó, việc tổ chức triển khai nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 và Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã thật sự đổi mới hơn, chất lượng hơn, thiết thực hơn.

Thể hiện trước hết là việc tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết đều do các cấp ủy tự tổ chức. Hội nghị cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện và cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở đều tập trung vào một số việc lớn như: Quán triệt nội dung cơ bản của Nghị quyết chủ yếu là tập trung giới thiệu những vấn đề cơ bản, cốt lõi, mới của nghị quyết, có liên hệ sâu sắc đến tình hình địa phương, những vấn đề cần thực hiện, những việc cần làm nêu trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương. Phổ biến, thông qua chương trình hành động, các văn bản chỉ đạo của cấp ủy về tổ chức triển khai các Nghị quyết của Trung ương. Tổ chức thảo luận, giải đáp và kết luận. Hội nghị ở cấp tỉnh làm trong 2 ngày; Hội nghị ở cấp Huyện, Thành phố và các Đảng ủy trực thuộc làm từ 1,5 đến 2 ngày. Tại Hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh, do yêu cầu sau đó các cấp phải tự làm, nên những đồng chí, nhất là đồng chí Bí thư tập trung hơn, ghi chép đầy đủ hơn. Trong thảo luận đã có hàng trăm lượt ý kiến của các đại biểu nêu nhận thức của mình đối với các Nghị quyết Trung ương, đa số ý kiến đóng góp vào chương trình hành động của tỉnh ủy, nêu những ý tưởng, chủ trương của cấp mình trong việc cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng ở địa phương. Không khí trong học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết lần này cũng tự giác, chủ động nghiêm túc hơn, sôi nổi hơn…

Điểm mới rất đáng chú ý trong việc tổ chức quán triệt nghị quyết ở Bắc Giang vừa qua là báo cáo viên truyền đạt, giới thiệu Nghị quyết do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm và có phân công đồng chí Phó Bí thư và đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giới thiệu nội dung một số nghị quyết (trước đây Báo cáo viên mời ở Trung ương). Đối với cấp huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc tỉnh thì 11 trong 14 đơn vị đều tự làm, do đồng chí Bí thư trực tiếp và phân công một số trong Ban Thường vụ giới thiệu Nghị quyết. (Trước đây Báo cáo viên chủ yếu là mời ở tỉnh). Do là người trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt nghị quyết và trực tiếp làm báo cáo viên giới thiệu nội dung Nghị quyết, các đồng chí Bí thư cấp ủy và các đồng chí trong cấp ủy được phân công đã đọc, nghiên cứu kỹ Nghị quyết. Trên cơ sở văn kiện Nghị quyết của Đảng và các tài liệu hướng dẫn của Ban Tuyên giáo TW, tình hình của địa phương, đồng chí nào cũng chuẩn bị đề cương và nói theo đề cương. Trong khi giới thiệu Nghị quyết đã nêu bật được sự cần thiết, nội dung cơ bản và những vấn đề mới của từng Nghị quyết; gắn phân tích nghị quyết với những vấn đề cụ thể của địa phương đã diễn ra, đang diễn ra, sẽ diễn ra. Tuy một số đồng chí Bí thư cấp ủy, từ trước đến nay ít trực tiếp giới thiệu nghị quyết, qua lần này, với cách làm này cũng là dịp tốt thể hiện năng lực diễn đạt, thuyết trình của mình. Nhiều đồng chí đã nói tốt, hấp dẫn, thu hút người nghe, thuyết phục người nghe. Đồng chí Bí thư cấp ủy trực tiếp làm báo cáo viên giới thiệu Nghị quyết của Đảng ở cấp mình, thật sự là một sự đổi mới, đều được đánh giá tốt.

Việc xây dựng chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 và Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị đã được các cấp ủy chủ động làm sớm ngay sau khi Trung ương có nghị quyết.

Quy trình xây dựng chương trình hành động được chỉ đạo làm nghiêm túc, cụ thể, sâu sắc từ khi xây dựng dự thảo, tổ chức tọa đàm các ngành có liên quan, tổ chức thảo luận trong thường vụ cấp ủy, cấp ủy, tiếp thu ý kiến đóng góp ở hội nghị cán bộ chủ chốt, chỉnh sửa, bổ sung và ban hành. Mỗi chương trình hành động đều có tên gọi thực hiện một nghị quyết cụ thể. Trong đó xác định mục tiêu cần đạt được trong từng thời gian; nội dung công việc cần thực hiện; các điều kiện, nguồn lực đảm bảo cho việc thực hiện từng chương trình; giao cho cơ quan, người chịu trách nhiệm chủ trì chính trong triển khai thực hiện; giao cho cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia và trách nhiệm của từng cơ quan và cá nhân tham gia thực hiện chương trình; quy định về chế độ định kỳ đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình. Với tinh thần là chủ trương một nhưng giải pháp mười, cụ thể là về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về công tác thanh niên, tỉnh Bắc Giang đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp; thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về trí thức với 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp; thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn với 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp; thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/BCT của Bộ Chính trị về công tác văn học nghệ thuật với 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Căn cứ vào các chương trình hành động của Tỉnh ủy, các ngành, các địa phương, cơ sở trong tỉnh đã xây dựng được chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Trung ương của cấp mình. Nhìn chung việc xây dựng chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Đảng lần này đã được các cấp trong tỉnh quan tâm chú ý hơn, phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng ngành, từng đơn vị; tình trạng sao chép, rập khuôn máy móc đã cơ bản được khắc phục./.

Nguyễn Thái Hoà

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất