Chủ Nhật, 24/11/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Sáu, 16/8/2019 14:12'(GMT+7)

Bác Hồ trong ký ức những ‘Dũng sĩ tý hon’

Ông Hồ Quảng Thu khoe tấm ảnh được Bác tặng bông hoa "đẹp nhất trong đời". Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Hồ Quảng Thu khoe tấm ảnh được Bác tặng bông hoa "đẹp nhất trong đời". Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đó là lời tâm sự xúc động của hai Dũng sĩ diệt Mỹ (Bác gọi thân mật là những Dũng sĩ tí hon) Hồ Quảng Thu và Hồ Thị Thu về những lần được gặp Bác, được tặng hoa, được ăn bữa cơm Tết, được Bác trao cái ôm ấm áp yêu thương.

BÔNG HỒNG ĐẸP NHẤT TRONG ĐỜI

Ông Hồ Quảng Thu sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 13 tuổi (năm 1965) cậu thiếu niên Hồ Quảng Thu làm giao liên rồi đi du kích. Sự thông minh, quả cảm của người du kích thiếu niên đó đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Hồ Quảng Thu 9 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Ông Thu nhớ lại: Thủa thiếu niên, tôi được các chú, các anh trong làng kể rất nhiều về Bác và trong tâm trí của tôi Bác như một vị thánh. Nghe kể nhiều nhưng chưa được gặp, nên tôi càng háo hức và nung nấu ước mong một lần được gặp Bác.

Tháng 10/1968, khi nhận được tin sẽ cùng các bạn trong đoàn Dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam ra Bắc học tập, tôi vui sướng lên đường. Ròng rã 2 tháng vượt rừng Trường Sơn, đối diện với bom đạn, những trận ốm sốt rét rừng tưởng chừng như ngã quỵ, nhưng hình ảnh Bác là động lực để tôi vượt qua những giây phút khó khăn, cố gắng để ra được miền Bắc.

Hôm đó là 20/12/1968, kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, các chú ở Ban Thống nhất Trung ương nói: “Các cháu mặc quần áo chỉnh tề vào rồi có xe đến đón”. Chúng tôi lên xe, nhưng không biết đi đâu, cho đến khi nhìn thấy Bác. Tôi vẫn nhớ như in lúc đó Bác mặc chiếc áo khaki bạc, chân đi dép cao su, quàng khăn trên cổ, đội chiếc mũ công nhân.

Lần đầu nhìn thấy Bác, quá đỗi giản dị, thân thương, đám trẻ chúng tôi cứ vậy khóc ràn rụa… Khi bác Phạm Văn Đồng giới thiệu đoàn, Bác Hồ vui vẻ đưa tay vẫy: Đoàn dũng sĩ tí hon lên đây với Bác! Chỉ chờ có vậy, tất cả chúng tôi vây quanh Bác như đàn chim non về với mẹ.

“Bác ôm hôn từng cháu, rồi rút bông hoa hồng trong lẵng tặng các dũng sĩ tí hon. Khi được Bác tặng bông hoa, tôi quá cảm động, nước mắt ràn rụa, chỉ biết ôm chầm lấy Bác mà thôi”, ông Hồ Quảng Thu xúc động kể lại.

Bác nói: “Các cháu đánh Mỹ giỏi nhưng các cháu chưa được học hành. Giờ Bác đưa các cháu vào quân đội đào tạo để sau này xây dựng đất nước”. Rồi Bác căn dặn: "Các cháu về điều trị bệnh, ăn no, học giỏi. Tết Bác gọi lên!". Đúng như lời Bác hẹn, dịp Tết (năm 1969) Bác cho gọi đoàn Dũng sĩ miền Nam lên, nhưng lúc đó tôi đang điều trị bệnh sốt rét, không thể đi được, đó là điều đến giờ tôi vẫn còn nuối tiếc.

“Từ miền Nam khói lửa chiến trường ra Bắc, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được gặp Bác. Điều đó đã thành sự thật. Bông hồng Bác tặng tôi đã giữ rất lâu. Đó là đóa hoa đẹp nhất tôi có được trong cuộc đời này".

Sau khi tốt nghiệp Đại học quân sự, Hồ Quảng Thu về công tác tại Trung đoàn Thông tin Quân khu 5. Năm 1985 ông chuyển ngành sang Điện lực miền Trung. Dù làm gì, ở đâu, những lời dặn dò của Bác luôn được ông khắc ghi trong lòng.

Câu nói của Bác: “Giờ Bác đưa các cháu vào quân đội đào tạo để sau này xây dựng đất nước” là động lực để Hồ Quảng Thu trưởng thành, sống và cống hiến cho đất nước. Rồi sau này làm trưởng phòng quản lý kho một công ty, ông khẳng định đã "vượt chính mình", giữ đạo đức trong sáng như lời Bác dạy.

Lời căn dặn của Bác đến bây giờ vẫn được ông lấy làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Ông thường nhắc nhở gia đình, con cái là phải sống có trách nhiệm, biết cống hiến cho xã hội, biết yêu thương, chia sẻ với mọi người.

Bà Hồ Thị Thu hạnh phúc kể: Là thành viên niên nữ duy nhất trong đoàn Dũng sĩ tý hon, nên tôi luôn được ưu tiên đứng ở cạnh Bác. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Bà Hồ Thị Thu hạnh phúc kể: Là thành viên niên nữ duy nhất trong đoàn Dũng sĩ tý hon, nên tôi luôn được ưu tiên đứng ở cạnh Bác. Ảnh: VGP/Lưu Hương

KHÔNG SỢ GIAN KHỔ, HY SINH MÀ CHỈ SỢ ĐUI MẮT, KHÔNG ĐƯỢC NHÌN THẤY BÁC 

Sinh ra trong thời chiến tranh, hằng ngày thấy cảnh trên trời máy bay gầm rú, dưới đất súng nổ, cô gái nhỏ Hồ Thị Thu (sinh năm 1954) ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã sớm giác ngộ cách mạng.

Bà Thu tâm sự: Ban đầu tôi tham gia công tác liên lạc, sau đó trở thành chiến sĩ trong đội du kích bí mật. Do lập được nhiều chiến công xuất sắc, tôi được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ khi đang còn độ tuổi thiếu niên.

Cho đến bây giờ bà Thu vẫn không quên những cảm xúc của mình về lần đầu tiên được nghe hai tiếng Bác Hồ: Hôm ấy ở làng tôi, địch bắt được một chiến sĩ. Trước khi bị địch bắn, người chiến sĩ đó hô to: Hồ Chủ tịch muôn năm, Bác Hồ muôn năm! Về nhà tôi hỏi mẹ, Bác Hồ là ai mà đến chết người chiến sĩ ấy vẫn gọi tên và chú ấy không hề run sợ trước họng súng? Và mẹ đã kể cho tôi nghe về vị cha già dân tộc: Đó là một người sống vì dân vì nước, rất yêu thương trẻ nhỏ… Lúc ấy, trong tâm trí tôi Bác đẹp như một ông tiên.

Giữa năm 1968, tôi được đưa ra Bắc học văn hóa và là một trong những thành viên của đoàn Dũng sĩ diệt Mỹ ở miền Nam ra Bắc học tập đợt đầu tiên.

Được ra Bắc, tôi vui mừng khôn xiết. Lúc ấy, tôi có hỏi các anh chị trong Nam đã được gặp Bác chưa, thì ai cũng bảo, Bác bận trăm công nghìn việc, dễ gì được gặp Bác. Nghe thấy vậy tôi rất buồn, nghĩ rằng mình sẽ không được gặp Bác vì so với công lao của các anh chị, các cô chú thì công sức của tôi chẳng là bao… Nào ngờ, chỉ mấy hôm sau đã có xe đến đón đoàn "Dũng sĩ tí hon" gặp Bác.

Bà Thu bồi hồi nhớ lại: Lúc xe đi qua một cánh cổng màu nâu to, từ xa, tôi đã thấy Bác Hồ và Bác Tôn ngồi sẵn. Lúc đó tôi mừng và hồi hộp lắm. Vừa xuống xe, tôi và các bạn cứ chạy, chạy và chạy đến ôm chầm lấy Bác, rồi khóc vì hạnh phúc.

Bác hỏi thăm từng người. Đến lượt tôi, Bác hỏi cháu học lớp mấy rồi. Khi tôi vòng tay lại thưa, cháu chưa biết chữ, Bác rơm rớm nước mắt. Bác vỗ về tôi và nói: “Cháu chưa được học thì ra đây cháu sẽ được học, chưa biết chữ ra đây thì biết chữ”.

Bác lại hỏi: Đồng bào, nhân dân quê cháu sống và chiến đấu như thế nào? Tôi liền thưa với Bác: Đồng bào quê cháu sống không sợ gian khổ, chiến đấu không sợ hy sinh, mà chỉ sợ đui hai con mắt, đến ngày thống nhất không được nhìn thấy Bác! Lúc ấy Bác đã khóc.

Bữa cơm đó, tôi và Ngô Nết được Bác cho ngồi bên cạnh. Bác gắp thức ăn bỏ vào chén cho từng người, động viên chúng tôi cố gắng ăn uống, rèn luyện sức khỏe, cử chỉ ân cần, nhân hậu như ông tiên trong truyện cổ tích. Sau đó, Bác tặng cho mỗi cháu 3 cuốn sách “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” và dặn rằng nhớ viết thư cho Bác, báo tình hình học tập cho Bác. Từ không biết chữ, tôi đã cố gắng học lấy con chữ để viết thư cho Bác.

Lần thứ hai bà Thu được gặp Bác là vào ngày 20/12/1968. “Tôi hết sức kinh ngạc, là dù chỉ gặp chúng tôi một lần và bận biết bao công việc, mà Bác vẫn nhớ đúng tên từng đứa, hỏi han, chuyện trò khớp với những thông tin mà chúng tôi đã kể với Bác trong lần gặp trước”.

Lần gặp thứ ba cũng là lần chúng tôi được ăn Tết cổ truyền với Bác và đoàn Cuba. Khi tiếp đoàn Cuba, Bác trực tiếp giới thiệu họ tên, hoàn cảnh và thành tích chiến đấu của mỗi chúng tôi. “Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp Bác, vì đến tháng 9 năm ấy Bác đi xa mãi mãi".

Năm 1970, Dũng sĩ diệt Mỹ Hồ Thị Thu được cử đi dự Trại hè Thiếu nhi quốc tế tại Liên Xô. Về nước, bà tiếp tục học tập, công tác trong quân đội và sau ngày đất nước thống nhất được chuyển về làm việc tại Đà Nẵng.

Nhắc lại những kỷ niệm với Bác, bà khẳng định, đó là khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời. Dù 50 năm đã trôi qua, nhưng những lời Bác căn dặn vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí.

“Lúc còn công tác ở đơn vị tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoà nhã với đồng nghiệp, ai có khuyết điểm cũng từ từ, nhẹ nhàng góp ý. Sau khi nghỉ hưu, tôi về địa phương tham gia sinh hoạt ở hội phụ nữ, chữ thập đỏ, cựu chiến binh… tôi làm hết trách nhiệm, luôn giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Làm được những điều đó, phần nhiều do tôi được gặp Bác, học từ Bác”, bà Hồ Thị Thu xúc động chia sẻ.

Lưu Hương/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất