(TG) - Ngày 11/7/2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Hướng dẫn số 26-HD/BTGTU triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hướng dẫn nêu rõ, đợt sinh hoạt chính trị nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH), con đường đi lên CNXH ở Việt Nam và thực tiễn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hơn 90 năm qua, đặc biệt qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về việc kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành của Nhà nước.
Việc triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng cần được tiến hành thường xuyên, sâu rộng tới chi bộ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị…
Trong đó, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về CNXH; bản chất, mục tiêu, quy luật khách quan của con đường đi lên CNXH; vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH và đi lên CNXH bằng cách nào? Trong đó khẳng định bản chất, giá trị cốt lõi của CNXH trên nhiều bình diện. CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Hai là, khẳng định và làm rõ mô hình CNXH ở Việt Nam và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Mô hình tổng quát về CNXH ở Việt Nam có 8 đặc trưng, đó là: “Một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới”. Nêu rõ những nhiệm vụ cấp thiết phải thực hiện để đạt được những mục tiêu nói trên.
Ba là, làm rõ sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Suốt hơn 90 năm qua, Đảng đã xác lập, củng cố, ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh, uy tín của Đảng. Thực tế từ ngày có Đảng, Nhân dân ta đã có người lãnh đạo sáng suốt, nhờ vậy chúng ta giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Bốn là, làm rõ những thành tựu trên con đường xây dựng CNXH, đặc biệt hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn như: Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, liên tục; đời sống Nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Năm là, làm rõ những vấn đề đặt ra từ thực tiễn quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam và những chủ trương, giải pháp để từng bước xây dựng CNXH ở Việt Nam, tập trung vào những nội dung cốt lõi như: Về phát triển kinh tế - xã hội; về phát triển văn hóa, con người; về lĩnh vực quốc phòng, an ninh; về lĩnh vực đối ngoại; về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Sáu là, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái về CNXH, con đường đi lên CNXH, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đối tượng của đợt sinh hoạt chính trị là cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền và triển khai sâu rộng đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng này bằng các hình thức sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đưa việc tuyên truyền, giới thiệu tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ hằng tháng, sinh hoạt chuyên đề của từng chi bộ; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học về chủ đề và nội dung tác phẩm.../.
Thu Hương