Bạc Liêu có bờ biển trên 53km và ngư trường rộng lớn nên kinh tế biển
chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do vậy tỉnh đang
tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển, khai thác tiềm năng kinh
tế biển theo hướng nâng dần giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng đời
sống, tinh thần cho nhân dân.
Bạc Liêu hiện có hàng nghìn tàu đánh cá; trong đó, nhiều tàu có công
suất trên 90 CV đủ điều kiện đánh bắt xa bờ trên vùng lãnh hải rộng lớn,
khai thác hơn hàng nghìn tấn thủy hải sản mỗi năm. Tỉnh có 45 tổ, đội
sản xuất trên biển; 43 tổ hậu cần nghề cá.
Trong 9 tháng năm 2015 đã khai thác từ nuôi trồng và đánh bắt từ biển
được trên 228.836 tấn, đạt 79% kế hoạch năm 2015, tăng 4% so với cùng
kỳ; trong đó có trên 76.200 tấn tôm; xuất khẩu trên 32.000 tấn tôm đông
lạnh đạt với giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 310 triệu USD,
đạt 75% kế hoạch năm.
Với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu về biển, Bạc
Liêu đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để khai thác, biến tiềm năng kinh tế
biển thành lợi thế phát triển.
Cơ quan quản lý đang tập hợp những mô hình nuôi tôm, hướng dẫn người
nuôi tham khảo học tập áp dụng nhằm hạn chế tôm bị chết và tăng cường
kiểm tra giám sát chặt chẽ lượng tôm giống bán trôi nổi trên thị trường,
xử phạt buộc tiêu hủy nếu không có chứng nhận kiểm tra nguồn gốc và
kiểm tra dịch bệnh.
Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên giám sát kinh doanh của hơn
500 cơ sở sản xuất kinh doanh con giống, thuốc thú y thủy sản, ngăn chặn
kịp thời mọi biểu hiện gian lận trong việc kinh doanh, bảo vệ tốt cho
sản xuất.
Để phát triển kinh tế biển, tỉnh đã có 3 nghị quyết về kinh tế biển,
phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất từ kinh tế biển đạt trên 21.000
tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng gần 14%/năm. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh
đã đưa ra nhiều định hướng, giải pháp.
Trước hết là quy hoạch và đầu tư các dự án động lực cho vùng ven biển
Bạc Liêu. Tỉnh đang xây dựng khu kinh tế Gành Hào; quy hoạch các đường
giao thông trục ngang nối vùng biển Bạc Liêu với vùng biển phía Tây;
phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ đủ mạnh, đảm bảo đánh bắt có hiệu quả;
xây dựng cảng cá ở các cửa sông Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng.
Khi đi vào hoạt động, các dự án này sẽ tạo động lực phát triển kinh tế
vùng, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát
triển các cơ sở kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu vực.
Ngoài ra, các dự án này còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định
cho hơn 10.000 lao động trực tiếp và gián tiếp trong các ngành dịch vụ
hàng hải, du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã
hội gắn với giữ vững an ninh-quốc phòng trên địa bàn...
Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị định 67 CP/2014/NĐ-CP và tổ chức
thực hiện đề án tái cơ cấu lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy
sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng
và phát triển bền vững, tỉnh đang tiếp tục triển khai cấp sổ và hướng
dẫn thuyền trưởng ghi chép nhật ký khai thác, cấp giấy chứng nhận khai
thác thủy sản cho các tàu cá phục vụ chế biến xuất khẩu vào thị trường
châu Âu.
Đồng thời đánh dấu tàu cá hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi; không sử
dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản; không vi phạm
vùng biển các nước trong khu vực; hướng dẫn ngư dân thực hiện tốt việc
bảo quản sản phẩm khai thác để nâng cao giá trị sản phẩm...
Đặc biệt, tỉnh còn xây dựng hạ tầng điện, thủy lợi cho các vùng nuôi
thủy sản thuộc phía Nam quốc lộ I; xây dựng cảng cá Gành Hào; khu neo
đậu trú bão; cơ sở hạ tầng về sản xuất giống tôm, cá, hình thành các cụm
kinh tế, văn hóa-xã hội vùng biển; phát triển ngành nghề, dịch vụ, du
lịch gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao dân trí, chăm lo đời sống vật
chất và tinh thần của nhân dân; gắn phát triển kinh tế với củng cố thế
trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân…
Bạc Liêu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn
tín dụng để nâng cấp, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ; cung cấp kịp
thời các thông tin về ngư trường, nhóm loài thủy sản trên từng ngư
trường, thông tin về thời tiết để ngư dân chủ động trong hoạt động.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản,
với trên 33 nhà máy chế biến tổng công suất trên 100.000 tấn/năm đang
trong quá trình hiện đại hóa cơ sở chế biến, thực hiện chuỗi liên kết
với người nuôi, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ tốt cho chế biến
xuất khẩu.
Các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhằm nắm sát thị trường và có sự chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện tốt việc ''nói không với tạp
chất,', bảo đảm chất lượng hàng hóa sản xuất đáp ứng tốt yêu cầu về vệ
sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục đầu tư đổi mới dây chuyền chế biến, đa
dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thay dần việc xuất thô nguyên
liệu./.
Cao Thăng (TTXVN)