Quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về khoa học và công nghệ được đã được cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bạc Liêu thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, từ đó hoạt động khoa học và công nghệ trong những năm qua đã có nhiều đổi mới, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí của KH&CN;qua đó huy động được các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bạc Liêu đã ban hành các văn bản quản lý, cơ chế, chính sách kịp thời, hiệu quả; tổ chức triển khai thực hiện một số đề án công tác quan trọng như: Về tổ chức bộ máy quản lý KH&CN ở các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố đã phát huy tác dụng trong thực tiễn của tỉnh và được áp dụng ở nhiều địa phương trong cả nước; về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; xã hội hoá đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ; các cơ chế, chính sách khuyến khích tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sáng tạo khoa học - công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá Bạc Liêu,…
Từ đó việc đẩy mạnh ứng dụng hoạt động khoa học và công nghệ được thực hiện khá tốt như: phát triển dịch vụ KH&CN; xây dựng và phát triển thị trường công nghệ; khuyến khích hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, phổ biến tri thức khoa học và công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn; tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thực hiện tốt kinh nghiệm của mình.Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phổ biến, ứng dụng thành tựu KH&CN, tăng cường nhân lực KH&CN và chuyển giao công nghệ về cơ sở, chú trọng địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn như: đầu tư công nghệ lọc nước, biogas, năng lượng mặt trời, thư viện điện tử,…
Đến nay, việc áp dụng các công trình nghiên cứu khoa học tại địa phương góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất và đời sống. Cụ thể: có 61 công trình khoa học, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng; 07 công trình khoa học, tạo sản phẩm mới, năng suất mới, chất lượng mới, nhất là cho xuất khẩu; 01 công trình khoa học, tạo ra ngành nghề mới tạo thêm việc làm; 03 công trình khoa học, phát triển một số xí nghiệp nhỏ ở nông thôn trên cơ sở công nghệ truyền thống được cải tiến; 04 công trình khoa học, khai thác hợp lý, có hiệu quả các vùng đất mặn, phèn, ven biển. Thành lập khu công nghệ cao chuyên ngành (khu công nghệ sinh học, mô hình nông nghiệp công nghệ,…), thành lập các Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ cấp huyện,… bước đầu phát huy có hiệu quả.
Nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là việc triển khai ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống dần nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã đề ra định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, các ngành, các cấp sát cánh với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng trọng tâm để hoạt động KH&CN có tác động và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động: hỗ trợ đổi mới công nghệ; tăng cường xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ; đẩy mạnh phong trào tăng năng suất, chất lượng, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí. Áp dụng quy định về việc hỗ trợ không thu hồi đối với các dự án sản xuất thử nghiệm. Phát huy vai trò KH&CN, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Hai là, phát triển và kiện toàn hệ thống các trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ kể cả cấp huyện; hoàn thiện kết cấu hạ tầng thông tin; tăng cường huy động các nguồn nhân lực KH&CN thông qua việc xây dựng các đề án thu hút nguồn nhân lực, chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, gửi cán bộ tham gia các chương trình đào tạo, nghiên cứu ở nước ngoài; vận dụng linh hoạt cơ chế “cần sử dụng, không cần sở hữu” để huy động được các nguồn nhân lực tham gia hoạt động KH&CN ở địa phương; tăng cường cán bộ hoạt động KH&CN cấp huyện; xây dựng vườn ươm doanh nghiệp KH&CN, công viên KH&CN.
Ba là, thực hiện các đề tài, dự án trọng điểm, không đầu tư dàn trải. Công tác định hướng và xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học phải bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về khoa học kỹ thuật, các đề tài nghiên cứu tập trung vào các giải pháp tạo tính bền vững trong trồng trọt, thuỷ sản, chăn nuôi đồng thời nâng cao chất lượng, sản lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị thường. Chọn lọc các sản phẩm mới phù hợp với Bạc Liêu cho giá trị kinh tế cao.
Bốn là, các đề tài khoa học xã hội và nhân văn tập trung xây dựng luận cứ khoa học cho các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lựa chọn các vấn đề ưu tiên để cụ thể hoá kịp thời các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; tổng kết thực tiễn và đề xuất các giải pháp về nâng cao năng lực, hiệu quả trong quản lý kinh tế - xã hội; nghiên cứu, giải quyết vấn đề phân hoá giàu - nghèo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, …
Năm là, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu KH&CN vào tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống; chú trọng lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học; chú trọng phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao; xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất bền vững.
Sáu là, phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại; ứng dụng tiến bộ KH&CN để sản xuất các giống cây, con năng suất cao, chất lượng tốt; tăng cường xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp sinh thái, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi; nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản; phát triển các mô hình lâm - ngư, du lịch sinh thái trên quan điểm bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế - xã hội.
Bảy là, tập trung nguồn lực xây dựng từ 5-7 dự án KH&CN mang tính đột phá từ nguồn lực địa phương, làm thay đổi lớn cách thức tổ chức canh tác, cơ cấu cây trồng vật nuôi, năng suất và chất lượng của các sản phẩm chủ lực, nâng cao mức sống của người dân. Đây là các mô hình mẫu về ứng dụng KH&CN vào cách tổ chức sản xuất - kinh doanh, là động lực để nền kinh tế Bạc Liêu phát triển./.
Trương Vũ Hùng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu