Thứ Ba, 19/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 6/9/2013 21:52'(GMT+7)

Bài học về tiền lương tại "xứ sở sô-cô-la"

Lãnh đạo Bpost G. Thi-ít chưa bị kế hoạch cắt giảm lương “quét” tới. (Ảnh: trends.knack.be)

Lãnh đạo Bpost G. Thi-ít chưa bị kế hoạch cắt giảm lương “quét” tới. (Ảnh: trends.knack.be)

AFP cho biết, quyết định mà chính quyền Brúc-xen đưa ra quy định mức lương của 5 vị lãnh đạo các tập đoàn nhà nước vừa được bổ nhiệm không được vượt quá lương của lãnh đạo hành chính cấp bộ, tức không được vượt quá mức lương trước thuế 290.000 ơ-rô (tương đương 383.500 USD)/năm. Tuy nhiên, cấp bộ chủ quản của tập đoàn nhà nước có quyền xét thưởng tối đa 10% mức lương cho lãnh đạo tập đoàn làm việc hiệu quả.

Điều này đồng nghĩa với việc, các vị tân lãnh đạo sẽ không thể có được mức lương “khủng” hằng năm 2,1 triệu ơ-rô hay 1,1 triệu ơ-rô như người tiền nhiệm tại Tập đoàn Viễn thông Belgacom và Bưu chính Bỉ Bpost. Tuy nhiên, đợt cắt giảm lương lần này chưa “quét” tới Bpost và Belgacom, vì lãnh đạo của Bpost tới tháng 1/2014 mới hết nhiệm kỳ trong khi nhiệm kỳ của Belgacom là vào tháng 3/2015.

P.V.Mát-xen-hâu-vơ (Frank Van Massenhove), lãnh đạo của Công ty đường sắt Bỉ NMBS bày tỏ trên mạng xã hội Twitter rằng ông bị “choáng” trước quy định mới. Trước đó, khi đề xuất cắt giảm lương được đưa ra thảo luận, G. Thi-ít (Johnny Thijs), lãnh đạo Bpost, tuyên bố không muốn thấy phần lương bổng mình đang nhận hiện nay bị giảm xuống đến 4 lần và nếu điều đó xảy ra, ông sẽ “ra đi”. Ông G.Thi-ít nói rằng mức lương cao là xứng đáng bởi “lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước phải là những người có đạo đức, thông minh và sẵn sàng đối mặt với các thử thách lớn” và cần thiết giữ mức lương cao để thu hút nhân tài phục vụ trong các lĩnh vực mũi nhọn có tầm quốc tế. Cựu Thủ tướng Bỉ G. Đê-ha-en (Jean-Luc Dehaene) cũng lên tiếng chỉ trích, cho rằng kế hoạch cắt giảm lương này không khả thi. Theo ông G.Đê-ha-en, đây là vấn đề xã hội và không thể giải quyết ở cấp quốc gia mà phải trên toàn châu Âu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước G.La-bin-lơ (Jean-Pascal Labille) khẳng định: “Quyết định trên góp phần tái lập hình thức công bằng về lương. Cần phải chấm dứt tình trạng lương quá cao ở một số nơi”. Thậm chí, Tổng thư ký Đảng Môi trường R.Ban-ca-en (Ronny Balcaen) còn bác bỏ hẳn lập luận của ông G.Thi-ít khi nói thẳng: “Ở Bỉ hiện nay việc lựa chọn người làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không phải dựa trên năng lực mà dựa vào phe phái chính trị”. Trước bối cảnh lo ngại rằng sẽ không thu hút được nhân tài như lời cảnh báo của ông G.Thi-ít, Chính phủ Bỉ cho rằng “tiền chắc chắn không phải là động lực duy nhất đối với các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước” bởi còn nhiều yếu tố khác.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên chính phủ của Thủ tướng E. Đ. Ru-pô (Elio Di Rupo) nhắm vào các đối tượng hưởng mức lương “khủng”. Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, Brúc-xen cũng thông qua một kế hoạch cải cách tiền lương “đánh” vào các thành viên Hoàng gia nước này. Theo đó, lần đầu tiên kể từ khi Vương quốc Bỉ tuyên bố độc lập năm 1830, các thành viên Hoàng gia phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước. Trong kế hoạch này, Thái tử sẽ chỉ nhận mức lương tổng cộng 180.000 ơ-rô/năm thay vì khoảng 923.000 ơ-rô/năm trước đây, do phải nộp thuế và Công chúa sẽ nhận mức lương 90.000 ơ-rô/năm. Một số khoản trợ cấp của các thành viên Hoàng gia sẽ bị cắt, các khoản chi cho người phục vụ và phí công tác sẽ được trích từ lương ban đầu và không phải đóng thuế nhưng sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí, chính quyền còn đang xem xét trong tương lai, chỉ người thừa kế ngai vàng mới được nhận trợ cấp từ chính phủ.

Ông E. Đ. Ru-pô trở thành Thủ tướng Bỉ vào năm 2011 giữa lúc nước này chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, trong khi khoảng cách thu nhập giữa khu vực miền Nam và miền Bắc ngày càng mở rộng. Chính sách cắt giảm tiền lương trong lĩnh vực công, sa thải nhân công cùng các biện pháp khắc khổ khác của chính phủ đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội của người dân và các cuộc biểu tình phản đối liên tiếp xảy ra. Trong bối cảnh người lao động phải chật vật với miếng cơm manh áo hằng ngày, thì chuyện các “sếp” hưởng mức lương “khủng”, gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần như trên xem ra là một nghịch lý. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi động thái mới của chính phủ lại nhận được sự đồng tình rộng rãi của dư luận, trong đó có Liên đoàn FGTB. Tổng thư ký Liên đoàn FGTB A. Đê-mê-len-nơ (Anne Demelenne) đã nhấn mạnh: “Lương cao của lãnh đạo không bảo đảm cho "sức khỏe" của doanh nghiệp. Không phải vì lãnh đạo có lương “khủng” thì doanh nghiệp hoạt động tốt và không sa thải nhân viên”.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn mang đậm gam màu xám, việc "xứ sở sô-cô-la" quy định mức lương trần đối với lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước cũng là một ví dụ đáng tham khảo đối với nhiều quốc gia khác. Ít nhất là với nước dưới cùng mái nhà EU như Pháp, khi dư luận nước này đang bất bình trước quyết định của Tổng thống P.Ô-lăng-đơ (François Hollande) đặt mức trần cho lương các lãnh đạo tập đoàn nhà nước là 450.000 ơ-rô/năm, cao gấp 26 lần lương căn bản./.

Hoàng Vũ (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất