Sự kiện Thế vận hội mùa Đông tại Sochi
(Nga) đang diễn ra song những gì mà dư luận quan tâm không phải là các
hoạt động mà lại là chi phí mà Nga bỏ ra để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa
Đông và những sự cố về mặt hậu cần.
Trải qua những kỳ Olympic, các quốc gia
đều biết rằng chi phí để tổ chức một sự kiện lớn mang tầm cỡ quốc tế như
vậy sẽ rất khổng lồ và không có gì đảm bảo về lợi ích mà nó có thể thu
lại. Vậy vì lý do gì mà các quốc gia vẫn nỗ lực giành lấy cơ hội tổ chức
các kỳ Olympic hay World Cup?
Lợi ích kinh tế chẳng đáng là bao
Năm 2004, Thủ đô Athens (Hy Lạp) đã làm
chủ nhà Thế vận hội Mùa hè. Với ngân sách được phân bổ ban đầu là 6 tỷ
USD nhưng khi kết thúc, chi phí phải bỏ ra cho sự kiện này đã lên tới
hơn 15 tỷ USD. Vậy những lợi ích nó thu lại từ sự kiện này là gì? Đáng
buồn là Hy Lạp đã không thu lại được gì và mất luôn toàn bộ 15 tỷ USD
đó. Thậm chí, đây còn được cho là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng
hoảng nợ công và khởi đầu cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008.
|
Thế vận hội Athens được cho là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp (Ảnh: Internet) |
Tiếp đó là Thế vận hội Bắc Kinh (Trung
Quốc). Tại thời điểm này, Olympic Bắc Kinh là sự kiện “đắt giá” nhất
trong lịch sử với chi phí đội giá lên tới 45 tỷ USD so với khoản đầu tư
dự tính là 16 tỷ USD.
Còn tại Thế vận hội mùa Hè ở London năm
2012, tổng chi phí cho toàn bộ sự kiện cuối cùng đã lên tới 10 tỷ USD,
gấp hơn 2 lần so với chi phí dự tính ban đầu là 4 tỷ USD.
Các sự kiện thể thao lớn giờ đã được xem
là hành trình phải vượt qua của các nước trong khối BRICS - nhóm các
nền kinh tế đang lên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tới
cuối năm nay, mỗi nước đều đã tổ chức ít nhất 1 sự kiện hoặc Olympic,
World Cup hoặc Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung kể từ năm 2008.
Những người cổ súy tổ chức sự kiện
thường hứa hẹn rằng quốc gia đăng cai sẽ hưởng lợi từ sự tăng lên của
đầu tư và du lịch. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia đều nhận ít hoặc
chẳng có chút lợi ích kinh tế nào từ việc tổ chức các sự kiện thể thao
lớn.
Các quốc gia đều trông chờ vào doanh thu
từ khách du lịch. Song trên thực tế, số tiền thu được từ hoạt động du
lịch lại thấp hơn rất nhiều so với những gì phải bỏ ra.
Thậm chí, vào tháng 8/2008, ngay trong
thời gian chính diễn ra thế vận hội Bắc Kinh, số lượng khách đặt phòng
tại khách sạn lại thấp hơn tới 39% so với năm trước đó.
Còn tại Hy Lạp, số lượng khách đến sân vận động Olympic được xây mới thậm chí còn ít hơn đến thăm quan đền Parthenon.
Tham vọng trong việc nâng cao vị thế quốc gia
|
Olympic Sochi thể hiện tham vọng giành lại vị thế quốc gia của nước Nga (Ảnh: Internet) |
Thế vận hội tổ chức tại Bắc Kinh (Trung
Quốc) năm 2008 đã tận dụng cơ hội này để thể hiện tài tổ chức sự kiện
với số lượng người tham gia khồng lồ cũng như khả năng chi tiêu mạnh tay
của mình với thể giới.
Brazil, do nóng lòng muốn nâng cao vị
thế trên trường quốc tế và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, đã nhận lấy
gánh nặng khổng lồ của việc tổ chức World Cup trong năm nay. Và chỉ sau 2
năm, nước này lại tổ chức Thế vận hội Mùa hè ở Rio de Janeiro vào năm
2016.
London (Anh) cũng nhân dịp tổ chức Thế
vận hội Mùa hè 2012 đã tái đầu tư vốn để xây dựng và phát triển những
khu vực nghèo hơn của thành phố.
Và thế vận hội Olympic được tổ chức vào
Nhật Bản năm 2020 cũng sẽ mang lại hy vọng cho quốc gia này trong việc
thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đây là những lý do tại sao Nga lại đầu
tư mạnh tay như vậy vào Thế vận hội Sochi. Thông qua việc tổ chức sự
kiện mang tầm cỡ quốc tế này, chính phủ Nga muốn tái định vị và lấy lại
danh tiếng của nước Nga trên thế giới.
Và cho dù sự kiện này gặp rất nhiều lời
chỉ trích và xảy ra nhiều sự cố, các nhà tổ chức cho rằng những sự cố đó
sẽ nhanh chóng bị quên lãng, trong khi sự cải thiện cơ sở hạ tầng, sự
chú ý của quốc tế tới khu vực và một khu nghỉ dưỡng mùa đông cao cấp mới
được xây dựng phục vụ cho Thế vận hội sẽ là các di sản mang lợi ích tới
cho nước Nga suốt nhiều thập kỷ nữa.
Số tiền chi cho Olympic Sochi là 51 tỷ
USD làm choáng váng nhiều người và là tâm điểm chỉ trích của các nước
phương Tây. Nhưng nếu đem so sánh với GDP của nước Nga ở mức 2.000 tỷ
USD và trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, nhiều người sẽ nhận thấy số
tiền đó không đến mức có thể làm nước Nga vỡ nợ hay đi vào suy thoái
như những gì diễn ra với Hy Lạp.
Thời điểm này thật khó để đưa ra một
phán xét chắc chắn Tổng thống Putin thất bại hay thành công với Olympic
Sochi 2014. Song có thể điều mà người Nga mong muốn lại là niềm tự hào
về bề dày văn hóa, lịch sử của nước Nga trong lễ khai mạc, thành công
của đội tuyển Olympic Nga và những hình ảnh tuyệt đẹp của nước Nga, khu
vực Bắc Kavkaz và Sochi được truyền đi trên khắp thế giới./.
Theo VOVnwes