Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 18/3/2013 17:1'(GMT+7)

Bản chất chính trị của quân đội nhân dân Việt Nam

Một buổi huấn luyện đội ngũ của tân binh (ảnh: Hưng Hải)

Một buổi huấn luyện đội ngũ của tân binh (ảnh: Hưng Hải)

1. Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, nhằm bảo vệ lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội bằng bạo lực vũ trang. Quân đội ta không có mục tiêu chiến đấu nào khác là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội để đem lại tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho nhân dân lao động. Đó cũng là mục tiêu chính trị cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân đội ta không chỉ mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân mà còn mang đầy đủ tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc.

Tiếp thu học thuyết Mác - Lê nin về xây dựng quân đội kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Quân đội nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân mà đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Từ quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta không tiếp thu các đội quân của chế độ phong kiến để lại mà xây dựng quân đội nhân dân từ không đến có, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Đó là những đội tự vệ công nông đầu tiên trong cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, những đội du kích hình thành từ các cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn… Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và căn dặn “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, “người trước, súng sau”... Ngày 22 tháng 12 năm 1964, kỷ niệm 20 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Người đã khen ngợi “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đó là luận điểm khái quát nhất về bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong gần 70 năm qua đã chứng minh, Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, luôn là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phải xây dựng toàn diện các yếu tố, trong đó đặc biệt coi trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngời trong mọi tình huống; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 

2. Gần đây, trong quá trình tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có một số ý kiến khác nhau về quy định ở Điều 70 (sửa đổi, bổ sung điều 45) trong Dự thảo Hiến pháp về nội dung: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, …”. Thậm chí, có ý kiến vì nhiều động cơ, mục đích không lành mạnh, đưa ra quan điểm “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam, đòi quân đội đứng ngoài chính trị, trung lập về chính trị. Những người đưa ra quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội thể hiện nhận thức “mơ hồ” về chính trị hoặc vì ý đồ cá nhân đã cố tình làm ngơ không hiểu bản chất giai cấp của quân đội nói chung, cũng như bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam có sự thống nhất giữa tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc.

Thuật ngữ “phi chính trị hóa” quân đội được các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa xã hội đưa ra vào những năm 80 của thế kỷ XX với nội dung cơ bản là: Quân đội là một tổ chức quân sự, là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước, được tổ chức ra để bảo vệ lợi ích quốc gia nói chung, chỉ tuân theo Hiến pháp. Theo đó, quân đội trung lập về chính trị (không có quân đội xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa), đứng ngoài những biến động chính trị - xã hội, đứng ngoài cuộc đấu tranh của các đảng phái chính trị giành quyền kiểm soát các cơ quan quyền lực nhà nước. Vì thế, quân đội không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái chính trị nào.

“Phi chính trị hóa” quân đội thực chất là âm mưu, thủ đoạn chính trị nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa xã hội. Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ra sức truyền bá quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội, nhằm lôi kéo quân đội xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; làm cho quân đội bị tha hóa, biến chất về chính trị và bị vô hiệu hóa; làm cho Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân mất chỗ dựa vững chắc để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Lịch sử đã để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc về vấn đề này. Vào những năm cuối thế kỷ XX, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của học thuyết Mác - Lênin, xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa”, bị vô hiệu hóa. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô.

Hiện nay, với kinh nghiệm tác động, can dự vào đời sống chính trị và làm sụp đổ các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới trước đây và một số nước Bắc Phi - Trung Đông vừa qua, các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” hòng xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng coi quân đội là một đối tượng cần tập trung chống phá, đòi “phi chính trị hóa”, vô hiệu hóa quân đội, làm mất sức chiến đấu bảo vệ Đảng Cộng sản, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng mọi biện pháp để thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa”, như: Tuyên truyền phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin về giai cấp và đấu tranh giai cấp; xuyên tạc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt Quân đội nhân dân Việt Nam”; đòi xóa bỏ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, cùng với hệ thống cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong quân đội; xuyên tạc bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội cụ Hồ”, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với quân đội…; với mục tiêu cao nhất là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội và cuối cùng là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

3. Lịch sử ra đời và phát triển của các quân đội trên thế giới cho thấy, quân đội là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp, mang bản chất giai cấp sâu sắc, không có quân đội phi giai cấp, siêu giai cấp, quân đội trung lập và càng không có quân đội chung chung. Quân đội mang bản chất của giai cấp tổ chức xây dựng, giáo dục, rèn luyện và sử dụng nó. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội là phục vụ cho mục tiêu, lý tưởng của giai cấp đã tổ chức ra nó. V.I.Lênin đã khẳng định: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị, đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản…” (V.I. Lênin, toàn tập, tập 12, NXB Tiến bộ, Matxcơva 1979, tr.136).

Thực tiễn trên thế giới cho thấy, quân đội của bất kỳ nước nào, trong quá trình xuất hiện và trưởng thành cũng luôn là một lực lượng chính trị quan trọng mà bất cứ nhà nước nào, giai cấp cầm quyền nào cũng phải nắm lấy để bảo vệ quyền lợi chính trị, quyền lợi kinh tế của mình. Hô hào quân đội các nước xã hội chủ nghĩa chỉ phục tùng Nhà nước, không phục tùng Đảng Cộng sản, về thực chất là tuyên truyền cho sự chuyển hóa lập trường chính trị của giai cấp công nhân sang lập trường chính trị của giai cấp tư sản, lôi kéo quân đội tham gia vào chính trị của giai cấp tư sản. Trên cơ sở đó, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội và trong xã hội, để khi có đủ điều kiện sẽ tiến hành lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa mà không cần đến chiến tranh.

4. Trước yêu cầu xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam vừa là nguyên tắc cơ bản, vừa là quy luật trong việc xây dựng quân đội cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng thực hiện sự lãnh đạo đối với quân đội bằng đường lối, chủ trương cho mọi hoạt động thể hiện ở cương lĩnh chính trị, nghị quyết, chỉ thị, đồng thời thông qua hệ thống tổ chức đảng mà hạt nhân là các cấp ủy, chế độ chỉ huy, chế độ công tác đảng, công tác chính trị và các tổ chức quần chúng trong quân đội.

Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, vấn đề cơ bản là phải xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đấu tranh chống mọi tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; miễn dịch trước sự tấn công, xâm nhập của những khuynh hướng, quan điểm, tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch; ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm hạ thấp và xóa bỏ vai trò lãnh của Đảng đối với quân đội.

Trong điều kiện hiện nay, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, trước hết phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy, gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam; tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu về mọi mặt, thực sự là hạt nhân đoàn kết, tổ chức lãnh đạo đơn vị chấp hành nghiêm đường lối của Đảng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, tăng cường đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư tưởng, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch làm cho quân đội ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo khuynh hướng “phi chính trị hóa”.

Nhiệm vụ cơ bản trong đấu tranh trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng chống âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội là bảo vệ và phát triển các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội kiểu mới, về bản chất cách mạng, mục tiêu lý tưởng chiến đấu của quân đội ta. Đồng thời, đấu tranh trực diện, vạch trần bản chất chính trị phản động, phản khoa học của âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội là vô căn cứ, phản khoa học cả về lý luận và thực tiễn; là nhân danh “dân chủ hóa” để “lừa bịp về chính trị”; thực chất là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội, hòng “chuyển hóa” lập trường chính trị, bản chất giai cấp công nhân của quân đội ta.

Để tiến hành đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư tưởng chống âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội có hiệu quả, cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chú trọng và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lý luận trong quân đội có đủ phẩm chất và năng lực, nhanh nhạy, sắc bén trong đấu tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng này tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư tưởng.

Ba là, tăng cường giáo dục, giác ngộ cán bộ, chiến sĩ về bản chất giai cấp công nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Giáo dục, giác ngộ bản chất giai cấp công nhân của quân đội ta cho cán bộ, chiến sĩ là một nội dung quan trọng nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp, củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ vào sự lãnh đạo của Đảng. Sự giác ngộ sâu sắc bản chất giai cấp công nhân của cán bộ, chiến sĩ có tác dụng trực tiếp ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan những quan điểm, tư tưởng “phi chính trị hóa” quân đội, “quân đội phi giai cấp”, “quân đội trung lập về chính trị”.  

Bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ quân đội hiện nay được thể hiện ở sự kiên định con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, kiên trì hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi  mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; có ý chí quyết tâm cao, nhạy bén, sắc sảo về chính trị, năng lực hoạt động thực tiễn và phương pháp tác phong công tác tốt, lối sống trung thực, giản dị, không bị cám dỗ bởi lối sống cá nhân chủ nghĩa, thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất tầm thường; không ngại khó, ngại khổ, ngại học, ngại rèn, nâng cao trình độ năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhiệm vụ của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là phải làm cho bản chất cách mạng của quân đội tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong tư tưởng, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, tăng cường giáo dục bản chất giai cấp công nhân của quân đội phải đi đôi với tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước, bồi dưỡng tình cảm đối với quê hương, đất nước, con người Việt Nam cho cán bộ chiến sĩ trong quân đội.

Bốn là, coi trọng xây dựng môi trường văn hóa ở các cơ quan, đơn vị quân đội trong sạch, lành mạnh, xây dựng đạo đức, lối sống, nhân cách người quân nhân xã hội chủ nghĩa.

Các cơ quan, đơn vị quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng “môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú”, tạo những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội, tạo thêm sức mạnh xây dựng ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đó là môi trường hết sức thuận lợi để nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội cụ Hồ”, từng bước hạn chế và khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta hiện nay./.                   

TS. Trương Minh Tuấn/VOV
      


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất