Các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử đã bị lực lượng an ninh thẳng tay trấn áp, gây nên tình trạng bạo lực và hỗn loạn tại thủ đô Tehran. Các biện pháp mạnh của chính quyền Iran đã phát huy tác dụng. Phe đối lập ủng hộ ứng cử viên thất cử Mir Hossein Mousavi hiện không còn dám tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn, mà chỉ có thể tiến hành một vài cuộc biểu tình nhỏ lẻ, để rồi nhanh chóng bị dập tắt.
"Cách mạng sắc màu" xì hơi
"Trò chơi quyền lực" ở Iran đã chứng minh tài năng của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei trong việc kiểm soát tình hình chính trị, khi ông đập tan nỗ lực tập hợp giới tăng lữ của cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, khiến quả bóng "cách mạng sắc màu" ở Iran nhanh chóng bị xì hơi, dù các cuộc biểu tình phản đối vẫn diễn ra lẻ tẻ. Bước ngoặt xuất hiện vào ngày 18/6, khi phần lớn trong số 86 thành viên Hội đồng Chuyên gia (cơ quan có quyền phế truất vị trí lãnh tụ tinh thần tối cao của Đại giáo chủ Khamenei) đã công khai lên tiếng ủng hộ ông Khamenei. Trong một tuyên bố, khoảng 50 thành viên Hội đồng Chuyên gia nêu rõ "kẻ thù của Iran" đang âm mưu gây "bất ổn và hỗn loạn" thông qua "những kẻ bị thuê mướn". Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Rafsanjani đã bị thua "ngay trên sân nhà", khi đa số thành viên hội đồng bày tỏ tin tưởng dưới "sự lãnh đạo khôn khéo của Đại Giáo chủ Khamenei", mọi âm mưu của kẻ thù sẽ bị thất bại. Sự hậu thuẫn của Hội đồng chuyên gia đối với Đại giáo chủ Khamenei được khẳng định lại một lần nữa vào ngày 20/6, khi đã số thành viên hội đồng "ủng hộ mạnh mẽ" bài thuyết giáo ngày 19/6 của ông Khamenei, trong đó bác bỏ việc xem xét lại kết quả bầu cử.
Theo mạng tin Asia Times, thực tế cho thấy một điều rõ ràng là ở thời điểm hiện nay, chưa điều gì ở Iran có thể thách thức quyền lực vô biên của Đại Giáo chủ Khamenei. Ông Khamenei có thể làm cho các cuộc biểu tình của tầng lớp trung lưu ủng hộ cựu Thủ tướng Mousavi tiếp tục bị "xì hơi", vì ông có quyền chế ngự tình hình theo ý muốn của mình. Điều đó có nghĩa là cho dù các cuộc biểu tình có thể kéo dài thêm một thời gian, song chúng không thể xói mòn quyền lực của chế độ hiện hành ở Iran. Những người tự phong là các chuyên gia về Iran đã không nhận ra thực tế rằng Mousavi chỉ là quả bóng mà một bộ phận tầng lớp trung lưu của Iran thổi lên nhằm thể hiện tâm trạng phẫn nộ không chỉ đối với Ahmadinejad, mà còn đối với chính quyền theo "chủ nghĩa Khomeini". Trên thực tế, Mousavi chẳng có thành tích gì nổi trội hơn Ahmadinejad.
Thỏa hiệp - Phương án tối ưu cho phe đối lập
Trong khi đó, mạng tin "Time" nhận định, cuộc khủng hoảng chính trị ở Iran sẽ kết thúc ngay lập tức nếu phe đối lập trực tiếp đối đầu với lực lượng an ninh. Dù dũng cảm và quyết tâm đến đâu, khả năng những người biểu tình lật đổ chế độ Ahmadinejad vẫn hết sức xa vời. Chính quyền Iran chỉ cần mạnh tay trấn áp biểu tình, 17 người ủng hộ phe đối lập đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Số người tham gia biểu tình trên các tuyến đường phố ở Tehran đã giảm từ hơn 1 triệu người sau ngày bầu cử xuống 1.000 người vào ngày 22/6, và đến ngày 24/6 chỉ còn hơn 100 người. Những biện pháp mạnh tay của chính quyền đã đẩy phe đối lập Iran vào thế kẹt. Họ đứng trước thách thức cần phải duy trì động lực cho phong trào biểu tình, nhưng cũng nhận thấy không thể chiến thắng trên đường phố và sự đối đầu có thể dẫn tới đổ máu hàng loạt, "bóp chết" triển vọng về một sự thay đổi trong tương lai gần.
Lực lượng an ninh Iran sẵn sàng dẹp biểu tình tại Tòa nhà Quốc hội ở Tehran ngày 24/6
|
Phong trào biểu tình sẽ thoái trào nếu phe đối lập không thể đưa ra chiến thuật duy trì sự ủng hộ của hàng nghìn người, và khéo tận dụng đội ngũ khá đông đảo của mình trong giới lãnh đạo tăng lữ. Một số chuyên gia phân tích cho rằng phe đối lập có thể huy động một cuộc tổng đình công - một hình thức phản kháng tiêu cực không đối đầu trực diện trước họng súng của những người trung thành với Tổng thống Ahmadinejad.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu chiến thuật này có hiệu quả hay không tại một nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào các thành phần quốc doanh và có tỉ lệ thất nghiệp cao. Do rủi ro kinh tế đối với những người tham gia đình công, nên những lời kêu gọi tổng bãi công như vậy thường chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết.
Theo Farideh Farhi, một chuyên gia nghiên cứu về Iran, Tổng thống Ahmadinejad và lãnh tụ Khamenei vẫn mạnh nhờ sự ủng hộ từ hai nguồn lực của nhà nước: tài chính và quân sự. Bà Farhi cho rằng phe đối lập Iran có thể yêu cầu chính quyền nhân nhượng ở chừng mực nào đó. Một thỏa hiệp như vậy sẽ được quyết định thông qua cuộc chiến tại các hành lang quyền lực, bởi trong hàng ngũ phe đối lập có cả một số nhân vật chóp bu trong ban lãnh đạo Iran.
Cuộc đấu tranh giữa truyền thống và hiện đại
Nhà phân tích chính trị Shahir Shahidsaless của tạp chí "Farsi" cho rằng bạo động ở Iran thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai phe trong xã hội. Một phe tìm kiếm tự do hóa xã hội triệt để, phe còn lại chủ trương trung thành tuyệt đối với các nguyên tắc tôn giáo.
Không chờ Hội đồng Giám hộ điều tra, trong bài thuyết giáo tại Đại học Tehran ngày 19/6, lãnh tụ tinh thần Ali Khamenei đã bác bỏ cáo buộc gian lận bầu cử, khẳng định "không thể có chuyện gian lận tới 11 triệu phiếu bầu". Theo Shahidsaless, để củng cố quyền lực, Đại giáo chủ Khamenei đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng: tự đặt mình vào vị trí của Đại giáo chủ Khomeini - người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran. Khamenei đã coi những người biểu tình và ông Mousavi giống như Tổ chức Thánh chiến Khalq (MKO), với kịch bản tương tự cuộc nổi dậy năm 1981. Khamenei không hề nhận ra rằng ông không chỉ đối phó với một tổ chức chính trị cực đoan. Kết quả đầy tranh cãi của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua cho thấy ông Mousavi có 14 triệu cử tri ủng hộ. Đây là phong trào quần chúng tạo ra sự thay đổi ở Iran. Trong số 14 triệu người đó, có nhiều trí thức nổi tiếng, văn nghệ sĩ, giáo sư, sinh viên và thị dân trẻ có học thức. Việc dùng vũ lực giải tán các cuộc biểu tình đồng nghĩa với việc đàn áp một tầng lớp đông đảo trong xã hội, khiến họ oán giận chế độ.
Ở bên kia chiến tuyến, phe ủng hộ Mousavi cũng tính toán sai lầm khi coi những sự kiện hiện nay là việc "quần chúng chống lại độc tài", bởi người ta không thể gán những sự kiện vừa qua ở Iran là "dân chúng chống lại chính quyền" như truyền thông phương Tây mô tả, vì chính quyền cũng nhận được sự ủng hộ khá đông đảo của dân chúng. Một thực tế mà giới truyền thông phương Tây không nhận ra là cuộc khủng hoảng ở Iran hiện nay không phải là một cuộc nổi dậy của dân chúng chống lại một chế độ hà khắc. Đúng hơn, đó là cuộc đấu tranh giữa hai phe phái trong xã hội. Một phe tìm kiếm tự do hóa xã hội mạnh mẽ, phe còn lại chủ trương trung thành tuyệt đối với các nguyên tắc tôn giáo. Đây chính là cuộc đấu tranh giữa truyền thống và hiện đại. Cuộc chiến giữa truyền thống và hiện đại cũng đã từng diễn ra đầy khốc liệt trước khi Quốc vương Iran Mohammad Reza Shah Pahlavi bị lật đổ năm 1979. Đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến cách mạng ở Iran và sẽ còn tái diễn trong tương lai.
Dù chuyện gì xảy ra trên đường phố Tehran trong những ngày tới, phe đối lập vốn có chân trong trong chế độ và cũng như trong xã hội dân sự, sẽ vẫn tiếp tục một chiến dịch lâu dài chống sự cầm quyền của Tổng thống Ahmadinejad. Kết quả cuối cùng có thể là một sự thỏa hiệp nào đó giữa những phe phái trong cùng một chế độ. Song vấn đề đặt ra là phe nào sẽ nhượng bộ nhiều hơn?
Lan Hà