Thứ Ba, 24/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 5/6/2012 21:10'(GMT+7)

7 giải pháp cho đầu tư và cơ chế tài chính phát triển Khoa học và Công nghệ

GS.TS Nguyễn Văn Hiệu: "Giải quyết vấn đề cơ chế, chính sách tài chính và chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao" (Ảnh: M.Hà)

GS.TS Nguyễn Văn Hiệu: "Giải quyết vấn đề cơ chế, chính sách tài chính và chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao" (Ảnh: M.Hà)

Ngày 5/6/2012, Hội thảo khoa học “Đầu tư và cơ chế tài chính phát triển Khoa học và Công nghệ” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Khoa học-Đầu tư phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Trong một ngày làm việc, Hội thảo xoay quanh việc chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong huy động đầu tư, những bất cập về cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ để có cơ sở đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển KH&CN phục vụ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Chủ trì Hội thảo có đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN. Đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hiện nay, đầu tư của nhà nước dành cho KH&CN chiếm 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Con số này được đánh giá là còn ít ỏi. Đến năm 2011, kinh phí đầu tư phát triển và nghiên cứu vào khoảng 17.000 – 18.000 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: “Giai đoạn 2001-2011, nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN bình quân mỗi năm tăng khoảng 20% và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, kinh phí này vẫn chỉ đủ đáp ứng 30-50% nhu cầu của các Bộ, ngành. Vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN vẫn dựa vào ngân sách nhà nước là chủ yếu, chưa có những chính sách, biện pháp hợp lý để huy động nguồn lực của toàn xã hội đầu tư phát triển KH&CN”. Ngành KH&CN do vậy còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong khi kinh phí đầu tư cho KH&CN chưa nhiều nhưng đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển từng nhiệm vụ, sản phẩm cần thiết, mũi nhọn đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nêu vấn đề, nhiều nhà khoa học cho rằng sự phức tạp, rối rắm của cơ chế tài chính hiện nay khiến họ buộc phải nói dối. Để hợp thức hóa các chứng từ cho một đề tài nghiên cứu, họ buộc phải bịa ra các chuyên đề, có những đề tài làm vài chục chuyên đề. Trong khi thực tế chỉ cần nhiều nhất từ 15 – 20 chuyên đề. Thủ tục thanh quyết toán tài chính cũng rất rườm rà.Thời gian làm thanh quyết toán tài chính có khi nhiều hơn thời gian làm khoa học khiến những người muốn dành thời gian làm khoa học thực sự cảm thấy nản chí.

Trăn trở về thực tế này, GS.TS Nguyễn Văn Hiệu nêu, làm khoa học mà như vậy, thì sẽ không có khoa học thực chất. GS cho rằng, hạn chế của KH&CN nước ta là nhân lực nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, kết hợp giữa những người đứng đầu các đề tài, các lĩnh vực. Có người làm khoa học nhưng thiếu quyết tâm xây dựng nền Khoa học – Công nghệ Việt Nam tiên tiến đuổi kịp các nước trong khu vực, chỉ lo nghĩ đề tài quyết toán kinh phí. Thẩm định đề tài KH còn chưa hiệu quả. Nhiều đề tài xuất sắc nằm trong ngăn kéo do không có kinh phí triển khai, nhiều đề tài qua loa, chiếu lệ thì lại được duyệt….Ông cho rằng, khuyết điểm trong quản lý vốn đầu tư là tình trạng lãng phí, đầu tư trùng lặp và chỉ lo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật mà chưa thực sự chú trọng đầu tư cho yếu tố con người. Nên nhiều nơi, hạ tầng tốt, máy móc nhiều, nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ để sử dụng cũng rơi vào lãng phí, hao tốn tiền của. Do vậy, giải pháp ông nêu ra là phải tập trung giải quyết vấn đề cơ chế, chính sách và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài Chính bày tỏ băn khoăn về đầu tư cho KH&CN hiện nay còn chưa hiệu quả, vướng mắc ở tất cả các khâu. Đại diện của Bộ này cho rằng, cần phải có mức lương cao hơn cho các nhà KH cũng như các Hội đồng thẩm định KH. Cần có cơ chế quản lý thật cụ thể, bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá năng lực nhà khoa học, sản phẩm khoa học. Bà cho rằng, cơ chế tài chính chính là những nhà khoa học, hoạt động khoa học nghĩ ra, đề xuất cho hiệu quả chứ không phải Bộ Tài chính nghĩ ra.

Một số đại biểu đến từ các doanh nghiệp đã cho thấy trong thực tiễn, doanh nghiệp nào chú trọng đầu tư KH&CN vào sản xuất kinh doanh đều thu được hiệu quả tích cực. Tập đoàn Viễn thông Quân đội hàng năm dành 1.000 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học và phát triển KH&CN. Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông dành 20% lợi nhuận sau thuế để đầu tư cho phát triển KH&CN, tương đương từ 20-30 tỷ đồng mỗi năm.

Sau một ngày làm việc, các đại biểu đều đồng ý với với 7 nhóm giải pháp lớn nhằm đổi mới hoạt động đầu tư và tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính. Đó là: Cần huy động và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho KH-CN, đảm bảo tiếp tục bố trí đủ nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động này. Ban hành các chính sách đột phá để tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân; Đổi mới cơ chế phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước phát triển khoa học công nghệ; Đẩy mạnh việc đổi mới có chế quản lý tài chính đối với đơn vị KH-CN công lập; Hoàn thiện hệ thống các quỹ phát triển KH-CN , đặc biệt là các quỹ KH-CN trong khu vực doanh nghiệp; Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác thanh kiểm tra giám sát việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước; Tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình việc sử dụng ngân sách nhà nước; Đổi mới căn bản toàn diện việc xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH-CN, tăng cường nguồn lực cho KH-CN, xây dựng và phát triển thị trường KH-CN…

Tổng kết Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các đại biểu, Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ KH-CN bổ sung những kiến nghị đề xuất vào nội dung Đề án “Phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế” phục vụ Kỳ họp thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI sắp tới.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất