Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, kết quả này cho thấy sự phát triển mọi mặt của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, về cả số lượng, cơ cấu, mạng lưới, nhân lực. Đánh giá của Hiệp hội cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đó là, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam liên tục đạt cao, ổn định; người tiêu dùng (NTD) Việt Nam thuộc hàng trẻ nhất ở châu Á (hiện có 57% dân số có độ tuổi dưới 30, sau 15 năm, tỷ lệ này là 50%) và mức chi tiêu ngày càng tăng; tỷ lệ tiêu dùng trên thu nhập cao (70% thu nhập); chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài rộng mở; thị trường nội địa có những khởi sắc mới; phong trào Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đang tạo ra một làn sóng tiêu dùng hàng Việt…
Dự báo, đến năm 2012, tổng doanh thu bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 85 tỷ USD. Tuy nhiên, còn không ít thách thức đặt ra cho thị trường bán lẻ Việt Nam: tính chuyên nghiệp còn yếu, thể hiện ở phong cách tiểu thương vẫn còn dai dẳng, nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn non kém; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh còn chưa phổ biến (hơn 2/3 các DN bán lẻ chưa sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý); cơ sở hạ tầng cho phát triển ngành bán lẻ còn bất cập…
Về xu hướng phát triển của ngành bán lẻ trong thời gian tới, Hiệp hội Bán lẻ nhận định: bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…) sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện tại, bán lẻ hiện đại mới chiếm 18 - 20%, tuy đang tăng trưởng mạnh mẽ nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn ở mức khá thấp (Thái Lan là 34%, Malaysia là 60%, Singapore là 90%).
Các loại hình bán lẻ đa dạng, hiện đại đã xuất hiện và phát triển ở Việt Nam tuy còn ở mức độ sơ khai, trong khi đây là kênh tiêu dùng ngày càng quan trọng. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, Hiệp hội cho rằng, việc mua sắm tại các chợ hoặc cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn đến 2015, nhưng phương thức này sẽ phải thay đổi về chất mạnh mẽ; thị trường nông thôn đang rất rộng mở, bằng chứng là sự thành công của những chuyến đưa hàng về nông thôn thời gian qua của nhiều doanh nghiệp; mô hình “phố mua sắm” gồm các cửa hàng bán lẻ truyền thống (kết hợp mua sắm và du lịch) có thể là xu hướng trong thời gian tới.
Một xu hướng mới nữa là sẽ phát triển mạnh mẽ việc mua bán qua internet, truyền hình, điện thoại di động…; bán hàng qua catalogue, bán hàng đa cấp. Sẽ xuất hiện nhóm NTD ở nhà, thay vì đi mua sắm, NTD có thể ngồi tại nhà là có thể có mọi thứ mình cần. Trong thời gian tới, NTD sẽ đóng vai trò trung tâm, định hướng sự phát triển của ngành công nghiệp bán lẻ. Thị trường bán lẻ và vấn đề an toàn, môi trường, vì sức khỏe, sự thuận tiện và niềm vui sống của NTD cũng là một xu hướng quan trọng trong thời gian tới, khi mà ý thức bảo vệ môi trường của NTD ngày càng được nâng cao./.
DT