Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 29/1/2015 9:56'(GMT+7)

Bản quyền báo chí và đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số

Lễ trao giải thưởng báo chí về Khoa học Công nghệ năm 2014 (Ảnh minh họa: TTXVN)

Lễ trao giải thưởng báo chí về Khoa học Công nghệ năm 2014 (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà báo, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Các đại biểu dự hội thảo đã trao đổi, thảo luận những vấn đề xung quanh nghề báo, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo; vấn đề “đạo” báo, vi phạm bản quyền báo chí trên báo điện tử; giải pháp khắc phục tình trạng sao chép trên báo chí hiện nay…

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ, hiện nay bất kỳ một tin "nóng" nào vừa xuất bản trên một tờ báo hay trang mạng, thì ngay lập tức đã xuất hiện trên hầu hết các trang mạng tại Việt Nam với nhiều hình thức sao chép như dẫn đường link về trang điện tử của mình để nguyên bài và ghi rõ nguồn hoặc thay đổi tít, từ cho thật "câu khách" để thu hút người đọc truy cập nhiều vào trang thông tin.

Thậm chí, có nhà báo đã lấy lại nội dung của bài đã được đăng để viết lại thành bài viết của mình và mặc nhiên “có quyền” đổi bút danh khác.

Hậu quả của việc làm này là người làm báo chân chính bằng sức lao động và trí óc lại không được công nhận giá trị lao động và xã hội đang thừa nhận sự hiện diện của những kẻ đánh cắp thông tin, vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí.

Chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan hiện nay, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Le Media JSC cho rằng do quan niệm nhận thức chưa thật sự xem báo chí là loại hàng hóa cao cấp có giá trị, là xương máu, trí tuệ của con người nên có nhiều cơ quan báo chí thích “khai thác” nội dung của báo bạn.

Chính sách quản lý báo chí còn nhiều kẽ hở đang dung túng cho sự sao chép các sản phẩm báo chí không cần trả tiền.

Bên cạnh đó, việc giáo dục về bản quyền và tôn trọng bản quyền vẫn chưa được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông như luân lý đạo đức trong môn giáo dục công dân.

Hiện, hình thức chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm hầu như không có hoặc nếu có thì mức phạt chưa đủ sức răn đe hành vi vi phạm…

Theo nhiều đại biểu, nguyên nhân của tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay là do đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, có cơ quan chủ quản tờ báo đã nhượng bộ, dễ dãi trong khâu biên tập nhằm tăng lượng truy cập và tăng thu nhập.

Để đạt được lợi nhuận trong kinh tế báo chí, quy trình sản xuất tin, bài ở các báo đã bỏ qua nguyên tắc cơ bản là báo chí phải điều tra, nếu chưa rõ, chưa đúng thì chưa viết.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí, trong đó đề cao nhận thức và đạo đức của nhà báo trong môi trường truyền thông số; cần xây dựng các tờ báo điện tử có kỹ thuật hiện đại, đúng đắn, chân thực, có tính văn hóa nghiệp vụ cao, thực sự là vũ khí chính trị tư tưởng quan trọng, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, cần tăng cường chế tài trong việc thực hiện bản quyền tác phẩm báo chí; bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về vấn đề bản quyền, có hình thức chế tài xử phạt nghiêm minh… nhằm đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, hạn chế sự chồng chéo thông tin hiện nay./.

Gia Thuận (TTXVN/Vietnam+)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất