Thứ Năm, 10/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 25/1/2015 22:27'(GMT+7)

Mô hình tuyên vận: hướng mạnh về cơ sở

Mô hình tuyên vận góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mô hình tuyên vận góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đề án thực hiện “Thí điểm mô hình ban tuyên vận xã, phường, thị trấn và tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” được Tỉnh ủy Lào Cai quyết định thực hiện từ năm 2012. Đây là mô hình chưa có tiền lệ trong thực hiện công tác tư tưởng của Đảng tại cơ sở trong cả nước. Từ 36 xã, phường năm 2012, đến hết năm 2014 toàn tỉnh đã có 161/164 xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện thí điểm mô hình. Sau 3 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, mô hình tuyên vận đã và đang đặt ra những vấn đề mang tính lý luận, thực tiễn và nhận thức trong thực hiện công tác tư tưởng của Đảng, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở.

Những kết quả nổi bật mang tính đột phá trong công tác tuyên truyền, vận động

Cấp ủy các cấp của tỉnh đã chỉ đạo và thành lập các bộ phận tham mưu, giúp việc trong thực hiện Đề án, phân công các đồng chí trong ban thường vụ cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, thành phố phụ trách chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện ở từng xã, phường, thị trấn. Trong 3 năm thực hiện mô hình, ngoài việc ban hành trên 700 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện, nhất là các cơ quan tham mưu đã tổ chức hàng ngàn cuộc kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá về quy trình, phương pháp, nội dung, hiệu quả thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, trọng tâm hướng vào thực hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức trên 450 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham mưu, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở, nhất là cán bộ phó trưởng ban tuyên vận, tổ trưởng tổ tuyên vận; biên soạn và phát hành 3.500 cuốn sổ tay công tác tuyên vận và hàng trăm tài liệu tuyên truyền, vận động dùng cho cán bộ làm công tác tuyên vận cơ sở. Toàn tỉnh đã tổ chức được trên 15 nghìn hội nghị tuyên vận cấp xã hàng tháng nhằm triển khai, phân công, đánh giá công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở. Đặc biệt, là cấp trực tiếp thực hiện tuyên truyền, vận động người dân theo mô hình tuyên vận, trong 03 năm thực hiện Đề án, Tổ tuyên vận các thôn, bản, tổ dân phố đã tham mưu tổ chức gần 350 nghìn cuộc họp tổ tuyên vận với thành viên ban công tác mặt trận, các đầu mối chi hội đoàn thể tại thôn để triển khai nhiệm vụ công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức được gần 20 nghìn cuộc kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, vận động tại nhóm hộ, hộ gia đình. Việc đầu tư nguồn lực thực hiện mô hình được tinh Lào Cai quan tâm đặc biệt so với trước đây với tổng kinh phí đầu tư trên 17 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Công tác tổ chức, sắp xếp đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện theo hướng tinh gọn, khoa học, giảm chồng chéo. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 161 ban tuyên vận với 1.133 thành viên thuộc 161/164 xã, phường, thị trấn. Tổ tuyên vận được thành lập theo thôn, tổ dân phố, theo đó đến nay toàn tỉnh đã thành lập 2.041 tổ tuyên vận với 6.263 thành viên. Như vậy, đây là mô hình tổ chức không làm tăng biên chế, mà thực chất là thay đổi cách thức tổ chức ở cấp cơ sở, chuyển từ khối dân vận và ban tuyên giáo cơ sở trước đây thành ban tuyên vận và tổ tuyên vận hiện nay.

Phương thức, nội dung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động được đổi mới căn bản theo hướng khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại cơ sở. Ban tuyên vận thực hiện chức năng cơ bản là tham mưu cho thường trực cấp ủy cùng cấp triển khai toàn bộ công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong địa bàn cũng như kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác này tại cơ sở bảo đảm tránh chồng lấn hoặc bỏ sót nhiệm vụ; giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vẫn đề nảy sinh trong thực tế, trong đó chủ yếu thông qua hội nghị tuyên vận hàng tháng. Tham mưu chỉ đạo, quản lý và trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức, lực lượng như: tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền qua hoạt động văn hóa văn nghệ, biên tập và phát tin bài trên loa truyền thanh xã, phường, thị trấn.... Tổ tuyên vận thực hiện chức năng tham mưu cho chi bộ thôn, tổ dân phố và trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở thôn, tổ dân phố thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương, quyết định của địa phương. Cách thức tuyên truyền, vận động chủ yếu là tuyên truyền miệng, thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi (họp thôn, họp các đoàn thể, trên loa truyền thanh, tại gia đình, đồng ruộng, nương rẫy...). Đồng thời lựa chọn nội dung tuyên truyền qua hoạt động văn hóa văn nghệ, hình ảnh trực quan phù hợp với điều kiện thực tế… theo phương châm “đến từng ngõ, rõ từng nhà”. Như vậy, về phương thức hoạt động của mô hình tuyên vận chính là tập trung gắn kết chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hướng đến mục tiêu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi. Từng bước khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân; chủ trương đường lối, chính sách của Đảng thường chỉ dừng lại ở cán bộ xã mà ít đến với dân...

Sau 03 năm thực hiện mô hình tuyên vận, mặc dù còn không ít khó khăn tác động từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện mô hình. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn và hạn chế nhất định, thực tế chứng minh mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt.  

Công tác tuyên vận đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương. Thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động của ban tuyên vận, tổ tuyên vận đã làm chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác tại cơ sở. Tại 36 xã, phường thực hiện mô hình tuyên vận từ năm 2012, số hộ giàu đến năm 2014 là 3.799 so với 1.951 hộ năm 2011, số hộ gia đình đạt văn hóa tăng từ 14.430 hộ năm 2011 lên 45.045 hộ năm 2014 (tăng 45%). Tại 40 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình tuyên vận từ năm 2013, tổng số km đường giao thông nông thôn mở mới trung bình từ năm 2013 đến 2014 đạt trên 565.000km (tăng gấp hơn 07 lần so với năm 2012), số hộ giàu mới từ năm 2013 đến 2014 tăng trung bình gấp 24% so với năm 2012, số gia đình đạt danh hiệu văn hóa tăng 44,7% so với năm 2012. Tại 85 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình tuyên vận từ năm 2014, tổng số km đường giao thông nông thôn thực hiện mở mới đạt hơn 300 km (tăng 23% so với năm 2013), số hộ giàu mới tăng 24% so với năm 2013, số hộ chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng 22% so với năm 2013, số tiền do người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới tăng 74% so với năm 2013 (đạt hơn 3 tỷ đồng), số gia đình đạt danh hiệu văn hóa tăng hơn 50% so với năm 2013.

Dân chủ ở cơ sở được tăng cường, thực chất hơn. Các hội nghị tuyên vận đều thực hiện khá tốt thông tin hai chiều, tổ chức đối thoại; mặt khác ban tuyên vận tham mưu để lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở đối thoại trực tiếp với dân theo quy chế nhiều hơn, qua đó kịp thời giải đáp, tháo gỡ những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được ghi nhận qua hội nghị tuyên vận. Các hoạt động này làm cho dân chủ ở cơ sở được tăng cường và thực chất hơn. Từ đó nâng cao nhận thức, tăng cường sự đồng thuận, nhân dân hăng hái thực hiện, tạo ra sự chuyển biến từ cơ sở. Đây là kết quả quan trọng nhất của mô hình tuyên vận.

Đội ngũ cán bộ trưởng thành nhanh. Qua việc thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên vận cũng như thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo phương châm “cầm tay chỉ việc” góp phần quan trọng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cũng như khả năng phân tích, lập luận, kỹ năng điều hành, diễn đạt, khái quát tình hình, liên hệ với thực tế địa phương để thuyết phục người nghe. Do thường xuyên được cập nhật các thông tin, kiến thức, trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ tuyên vận và giao nhiệm vụ cụ thể nên tinh thần, trách nhiệm, trình độ, năng lực, hiệu quả công tác của cán bộ tuyên vận ở thôn cũng được nâng lên rõ rệt.

Sự phối hợp hành động giữa các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, dưới sự chủ trì của đảng ủy cơ sở chặt chẽ hơn, thống nhất cao hơn, vai trò của MTTQ, các đoàn thể ở cơ sở được phát huy, thông qua việc phối hợp hoạt động của ban tuyên vận.

Cán bộ gần dân, sát cơ sở hơn; sự đầu tầu, gương mẫu tăng lên, nhất là cán bộ thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn. Thông qua kết quả hoạt động của cán bộ, đảng viên tiếp tục củng cố niềm tin của người dân đối với đảng, nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện các chủ trương chính sách pháp luật của đảng và nhà nước, làm cho các phong trào thi yêu nước ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Một số vấn đề đặt ra trong thực hiện mô hình tuyên vận tại Lào Cai

Thứ nhất, thực tế 03 năm thực hiện thí điểm Đề án ban tuyên vận xã, phường, thị trấn, tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố cho thấy cần có quyết tâm chính trị cao, đồng thuận trong thực hiện Đề án của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, từ đó phối hợp hành động, tháo gỡ khó khăn nhịp nhàng, linh hoạt trong thực hiện các nội dung của Đề án. Vì, đây là mô hình thí điểm, một số nội dung chưa có trong các quy định của Nhà nước.

Thứ hai, việc lựa chọn cán bộ tuyên vận nói chung và phó ban tuyên vận nói riêng là vấn đề quan trọng, phải được quan tâm đúng mức, đồng thời có sự bố trí sắp xếp lại cán bộ, công chức cấp cơ sở để bố trí cán bộ có đủ tiêu chuẩn theo Đề án, đặc biệt là phó ban tuyên vận; đồng thời không bố trí kiêm nhiều công tác khác để bảo đảm đáp ứng yêu cầu tham mưu, tổ chức các hoạt động của ban tuyên vận.

Thứ ba, số lượng thành viên tổ tuyên vận theo Đề án gồm 03 thành viên, qua hoạt động thực tế một số thôn đề nghị bao gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn và người đứng đầu các chi hội đoàn thể ở thôn, đây là vấn đề tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Đề án.

Thứ tư, thực tế đã chứng minh hiệu quả của công tác tuyên truyền vận động thông qua mô hình tuyên vận, do vậy, trong thời gian tới rất cần tiếp tục đầu tư kinh phí, phương tiện làm việc cho ban tuyên vận, tổ tuyên vận theo Đề án. Điều chỉnh nội dung đầu tư kinh phí theo hướng quan tâm nhiều hơn công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ tuyên vận, bảo đảm điều kiện làm việc của cán bộ ban tuyên vận, tổ tuyên vận; biên soạn và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp.

Mô hình tuyên vận là kết quả của quá trình nhận thức, vận dụng linh hoạt, sáng tạo giữa lý luận và đòi hỏi thực tiễn vào giải quyết những bất cập, hạn chế từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của Lào Cai. Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, mô hình tuyên vận đã và đang tiếp tục đặt ra những vấn đề mới mang tính lý luận và cả thực tiễn. Việc thống nhất trong nhận thức và kịp thời tháo gỡ những vấn đề này có ý nghĩa quan trọng quyết định đến tính bền vững cũng như khả năng nhân rộng của mô hình nhằm góp phần đổi mới công tác tư tưởng của Đảng tại cơ sở./.

Phùng Nam Trung

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất