(TG)-Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - trò chuyện về những ký ức Tết cổ truyền của dân tộc.
Thưa Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, tết xưa quan niệm có “bánh chưng xanh, dưa hành, thịt mỡ, câu đối đỏ, tràng pháo”, Tết nay đã thay đổi nhiều, vậy thế nào là một cái Tết "đủ đầy"?
Câu đối: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” đã phản ánh ước vọng và đặc trưng ngày Tết truyền thống xưa. Đặc trưng ngày Tết người Việt ở đây là cả vật chất và tinh thần với những biểu tượng cụ thể của mỗi gia đình Việt Nam. Trải qua những năm tháng bao cấp và mở cửa cho đến nay, đặc trưng ngày Tết cũng đã biến đổi. Thời bao cấp, cả nước dồn lực cho các cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, bảo vệ biên giới Tổ quốc. Về ước vọng vật chất, người dân mong mua đủ khẩu phần lương thực, thực phẩm bán theo chế độ tem phiếu (mấy cân gạo nếp, một vài kg thịt, mấy lạng đỗ xanh, một yến gạo tẻ ngon, hộp mứt bí, gói chè Ba Đình, thuốc lá Tam Đảo hoặc Điện Biên, …). Ở nông thôn, người dân được phép mổ lợn, tự tăng gia. Phong trào “đụng lợn”, luộc bánh chưng chung khắp các làng quê càng làm cho không khí đón xuân thêm đầm ấm. Người dân vui với Tết tiết kiệm nhưng tràn ngập không khí đầm ấm trong gia đình, đầy vẻ cố kết cộng đồng trong thôn xóm.
Từ Đổi mới đến nay, truyền thống đón Tết không ngưng đọng trong câu đối đỏ ngày xưa, cũng không trói chặt trong các “định mức” tem phiếu như thời bao cấp mà Tết đã “bùng nổ” theo nhiều hình thức với từng đối tượng đón Tết khác nhau. Ngày nay, nhiều hình thức ăn Tết, chơi Tết xuất hiện như: “Tết di chuyển, du lịch”, “Tết sum họp qua mạng”, … Không gian Tết không chỉ dừng lại ở không gian gia đình ấm cúng mà còn lan tỏa xuyên lục địa, xuyên quốc gia, cùng con cháu ở nhiều nước chung niềm vui đón giao thừa Tết Việt.
Tết đã thay đổi nhiều nhưng giá trị của ngày Tết là niềm vui đón mừng năm mới gắn liền với những lời chúc “Quốc thái dân an”, “Hạnh phúc của mọi nhà”, “Con cháu thành đạt, chăm ngoan”, “Quê hương đất nước giàu mạnh”, … Năm mới mong mỏi đón chào niềm vui mới gắn với ước vọng của toàn dân, ngày Tết trở thành ngày họp mặt, sum vầy của cả gia đình, dòng họ, thôn xóm, … Đó là sự sum họp của các thành viên về mái ấm ngôi nhà có bố mẹ, ông bà. Đấy là tình cảm giao tiếp gặp mặt hào hứng đầu xuân của làng quê dưới mái đình trong ngày hội làng. Đó cũng là nơi gặp mặt của thế giới người sống với thế giới của tổ tiên, ông bà. Đặc trưng đón chào “Cái mới ấm áp sum vầy, đoàn tụ” luôn là giá trị vĩnh hằng.
Tết là dịp để con cháu đoàn tụ trong không khí đầm ấm gia đình, để hương khói tưởng nhớ Tổ tiên, nếu như quan niệm này thay đổi, liệu di sản văn hóa tinh thần có mất theo?
Trong Tết Truyền thống, đặc trưng của ngày Tết là ngày sum họp. Đó là sự sum họp giữa các thành viên trong gia đình với nhau, giữa ông bà, bố mẹ và con cháu đi xa trở về nhà. Đấy là sự sum họp, đề cao tính cộng đồng giữa các thành viên gia đình với làng xã. Và hơn nữa, đó là sự sum họp giữa “thế giới người sống” với “thế giới người đã khuất” mà đại diện là tổ tiên. Vì thế mới có tục “tảo mộ” (mời tổ tiên đã khuất về ăn Tết), có tục “hóa vàng” (tiễn tổ tiên về thế giới bên kia khi ăn Tết xong), …
Cái đặc trưng sum họp đã tạo nên một “cuộc di chuyển” khổng lồ, hàng triệu lao động từ khắp miền Tổ quốc, từ bên kia trời Âu Mỹ, Đông Bắc Á, … cũng lo bươn chải, vất vả vượt hàng nghìn, hàng vạn cây số về quê đón Tết. Như thế, cuộc sống cũng đặt ra những yêu cầu mới, sự sum họp gia đình trong một không gian vật lý cụ thể là mái ấm ngôi nhà, là sân đình lễ hội, là bàn thờ thiêng, … cũng có xu hướng biến đổi.
Xu hướng thứ nhất, một số bạn trẻ mới lập gia đình, đi làm ăn xa thấy Tết là thời điểm rất khó khăn cho đi lại, tốn kém nên họ đã chọn ngày giỗ chạp, ngày vui của gia đình để trở về đoàn tụ thay cho ngày Tết. Như vậy, các bạn trẻ cũng tiết kiệm được bao nhiêu kinh phí đi lại. Có người công nhận trong các doanh nghiệp nước ngoài chọn làm thêm ca trong ngày Tết với hệ số tiền lương cao. Như thế, đó cũng là một hướng ứng xử hài hòa với truyền thống. Các thành viên không về ăn Tết cùng bố mẹ nhưng nhờ công nghệ thông tin nên khoảng cách không gian bị xóa nhoà.
Toàn bộ việc ăn Tết, quang cảnh ngày Tết, sự đầm ấm gia đình, … đã được “nối mạng” thông qua các hình thức Facetime, Zalo, Messenger, Viber, Video Calls, … Ông bà càng cảm động khi nghe đứa bé bi bô chúc Tết từ khoảng trời Tây: “Cháu chúc ông bà mạnh khỏe, sống lâu”. Tấm lòng người già đầy hạnh phúc, cảm động. Sự trống vắng, nỗi nhớ mong đã được giảm đi rất nhiều. Một hình thức khác, con cái chỉ đoàn tụ với gia đình ngày 30, sáng Mùng Một, còn lại là đi chơi Tết phương xa theo hình thức Tết du lịch, Tết di động, …
Quỹ thời gian nghỉ Tết có ít, họ chỉ dành một phần để đón Tết quê hương, còn một phần để khám phá Tết thiên hạ, … Âu, đó cũng là một hình thức ứng xử của thời @. Với các hình thức đón Tết này, tuy sự sum vầy, tụ họp không được trọn vẹn nhưng vẫn đầm ấm. Niềm vui xa đã được nối gần, không gian vật lý đã nhường chỗ cho không gian ảo. Xu hướng Tết du lịch, khám phá Tết ở nơi xa sẽ ngày càng phát triển nhưng cũng không phá vỡ quan điểm truyền thống. Sẽ xuất hiện 2 xu hướng đón Tết. Xu hướng thứ nhất, là giảm thời gian đón Tết ở nhà, tăng thời gian khám phá. Xu hướng thứ hai, là đón cả nhà, con cháu đón mẹ cha, ông bà đều tham gia Tết khám phá, thậm chí đón giao thừa ở ngay nơi du lịch. Như vậy, thế giới tổ tiên cũng phải theo chân con cháu đến đón giao thừa ở nơi mới.
Ông thấy Tết nay có gì khác so với Tết xưa?
Tết Cổ truyền người Việt đã biến đổi rất nhiều nhưng giá trị về niềm vui đón chào năm mới với ước vọng hơn hẳn năm qua vẫn được duy trì. Một số phong tục đón Tết có thể chuyển hóa theo không gian, thời gian và tác động của quá trình toàn cầu hóa nhưng bản sắc riêng của Tết Việt vẫn tồn tại.
Hồn cốt của Tết là quan niệm đổi mới, đón chào cái mới, bản sắc của Tết phản ánh tính cộng đồng, sum họp gia đình, dòng họ, xóm làng, … (kể cả thế giới đang sống và thế giới thần linh). Phong tục tập quán riêng của những ngày Tết có nhiều đặc điểm mang sắc thái riêng của người Việt đã được phản ánh qua câu đối: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.
Bây giờ giải thiêng, nhiều người không còn tin vào chức năng của cây nêu, đo đó các gia đình bỏ tục trồng cây nêu ngày Tết. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm an toàn cho xã hội nên “tràng pháo” cũng không còn. Duy chỉ còn “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, bánh chưng xanh” vẫn còn tồn tại mãi xuyên qua nhiều thế kỷ đến hôm nay.
Cộng đồng cư dân người Việt ở đô thị, ở các phương trời xa cũng tái sáng tạo tục đón Giao thừa, du xuân, đón Tết. Tết ngày nay cũng có nhiều điểm khác xa với Tết ngày xưa. Như tôi vừa phân tích, từ Tết Cổ truyền đến Tết thời bao cấp và hiện nay đã có nhiều yếu tố biến đổi. Trong Tết Truyền thống, gia đình là một đơn vị sản xuất khép kín; do đó, gia đình phải chuẩn bị, gieo trồng, chăm sóc, chăn nuôi, gặt hái sao cho đủ sản vật phục vụ ngày Tết. Mỗi gia đình cũng có vài thửa ruộng trồng lúa nếp, lúa tẻ ngon để làm bánh chưng, nấu cơm ngày Tết. Họ cũng tự nấu rượu, làm bánh mứt Tết, nấu chè lam, rang hạt bí, … Mỗi gia đình cũng là một hộ chăn nuôi gà, lợn, làm cỗ Tết.
Còn hiện nay, kinh tế phát triển, hệ thống các dịch vụ mua sắm Tết (qua phiên chợ Tết, qua siêu thị, mua hàng online đem đến tận nhà, …) đã giải phóng sức lao động, lo toan ngày Tết vất vả của mọi người. Thời gian “làm Tết, ăn Tết” đã chuyển sang “chơi Tết” là chính. Nhu cầu đời sống vật chất ngày Tết được giải quyết, nhà nhà đều lo đến nhu cầu về đời sống tinh thần.
Mỗi gia đình đều lo sắm hoa Tết theo nhu cầu, địa vị xã hội và khả năng kinh tế. Đơn giản nhất cũng phải có cành đào hay cành mai, cây quất, nhưng nhà khá giả hơn thì phải chọn quất thế độc đáo, chọn hoa quả bày bàn thờ phải có chữ “Phúc, Lộc, Thọ”, … Tết ở mỗi gia đình đô thị với vẻ ấm áp, tính cộng đồng có vẻ giảm đi, mỗi người một phòng, một TV, một laptop xem chương trình riêng. Nhưng tính cộng đồng với không gian lớn ngày càng mở rộng. Thanh niên đến với các lễ hội âm nhạc, dạ hội đường phố lên tới hàng chục vạn người trong khi người già, trung niên lên viếng đền chùa, …
Tuy nhiên, việc sum họp mừng năm mới với nhiều hình thức khác nhau vẫn tồn tại. Ở mâm cúng tất niên, ở các lễ tục mừng tuổi chúc Tết ông bà, thầy giáo. Tết có xu hướng chuyển nhanh từ ăn Tết sang chơi Tết. Nhiều thú vui dân gian lúc còn, lúc mất nhưng dòng chảy của Tết vẫn chảy mãi.
Chúng ta sẽ làm gì để giữ gìn bản sắc Tết Việt trong xu thế hội nhập mà không bị “hòa tan”?
Trước hết, chúng ta cần nghiên cứu các xu hướng biến đổi của Tết. Đồng thời, chúng ta cũng cần đổi mới nhận thức. Tết là di sản văn hóa phi vật thể, luôn được cộng đồng tái sáng tạo. Do đó, cũng không cần quá lo về việc gìn giữ nhiều nét phong tục cổ xưa mới là Tết. Dù biến đổi đến đâu chăng nữa, thì ngày Tết là Tết đoàn viên, sum họp gia đình; Tết gặp gỡ giữa người thân, hàng xóm, quê hương; Tết gặp gỡ giữa con cháu với tổ tiên (qua tảo mộ, mâm cũng tất niên, qua lễ hóa vàng, …). Hồn của Tết chính là mong ước đón năm mới an khang thịnh vượng hơn năm cũ. Tuy nhiên, chúng ta muốn bảo tồn được di sản văn hóa Tết trong dòng chảy toàn cầu hóa thì cần có những chính sách đề cao giá trị Tết Việt, khuyến khích cộng đồng tự sáng tạo, tự tổ chức các hình thức đón Tết. Ở đây vai trò của cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất. Chỉ có cộng đồng mới bảo tồn, phát huy được di sản văn hóa Tết. Do đó, mọi chính sách đều hướng về cộng đồng, trao quyền cho cộng đồng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
TG