(TG) - Nếu ai đã từng đến với những bản văn hóa nơi ven trời Tây Bắc Lai Châu mỗi khi xuân về, thì chắc hẳn không thể nào quên được những dư vị đặc trưng riêng biệt của đất và người nơi đây với những món ẩm thực truyền thống, những ly rượu thơm nồng, bài hát điệu múa… như muốn níu chân du khách.
Trên đường cùng với dân quân và cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Dào San tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới bên những vạt núi, thung khe. Tiếng những chú chim rừng ríu rít, luồn lách qua nhưng cây đào xù xì rêu mốc đang thi nhau bật những chồi non lộc biếc, những nụ đào chúm chím căng mọng đang chờ ngày bung lụa, phía xa xa là đồng bào các dân tộc trên địa bàn đang đi lấy măng, lấy nấm… Tất cả những điều ấy càng làm cho chúng tôi cảm nhận rõ hơn nét thanh bình, đầm ấm của tình quân dân nơi biên giới này. Chỉ tay về phía bản người Dao đang mờ ảo trong sương sớm, Đại tá Lê Công Thành, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chia sẻ: “Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa được các Đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, thông qua những việc làm cụ thể như: tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt mọi chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, Luật biên giới quốc gia, làm đường dân sinh, giúp dân xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh còn là đầu mối kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong tỉnh và cả nước hướng về đồng bào nghèo biên giới đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Phối hợp với chính quyền địa phương và các bản soạn thảo, lấy ý kiến và trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các quy ước, hương ước gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phong trào “Quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, “Tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản”. “Đặc biệt hàng năm các Đồn biên phòng còn chủ động tham mưu phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương duy trì hoạt động của các Đội văn nghệ ở các xã, bản; tổ chức các lễ hội dân gian tại các xã, bản theo phong tục tập quán của từng dân tộc như: Lễ hội Gầu tào xã Dào San, Lễ hội ăn trộm dân tộc Dao xã Sì Lở Lầu huyện Phong Thổ, Tết mùa mưa của dân tộc Hà Nhì huyện Mường Tè... qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trước nguy cơ mai một thất truyền và sự sâm nhập của các luồng văn hoá ngoại lai”.
Là tỉnh biên giới với 20 dân tộc cùng sinh sống, mỗi tộc người đều có những bản sắc văn hóa đặc trưng riêng biệt, từ ăn, mặc, ở, đến sinh hoạt văn hóa… Nhưng hàng năm vào mỗi dịp tết nguyên đán, thì khắp bản trên mường dưới lại cùng nhau quét dọn vệ sinh môi trường, chuẩn bị các loại rau, quả, thực phẩm… để đón một cái tết đầm ấm bên gia đình, người thân. “Vào dịp tết này bản người Mông chúng tôi trân trọng kính mới các anh, chị và đoàn công tác cùng lên thăm để thưởng thức những món ẩm thực truyền thống như: lợn mèo quay thảo quả, gà mèo vùi tro, thắng cố, mèn mén, măng luộc, canh bí nương, bánh dầy, sôi ba mầu... đặc biệt là rượu táo mèo hay rượu thóc Sin Súi Hồ được coi là "mỹ tửu” sẽ cho du khách có những dư vị khó quên mà đã đến rồi thì chắc chắn sẽ trở lại, để được hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên, nụ cười thân thiện, những bài khèn, điệu múa, những bài hát dân ca, dao duyên làm đắm say lòng người của những thành viên Đội văn nghệ bản. Vào những dịp tết thì cũng có những điều cấm kỵ nên tránh như: không được uống rượu say, không nói tục chửi bậy, không đánh cãi chửi nhau…”. Trưởng bản Sin Suối Hồ xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ), Lò Văn Chỉnh chia sẻ.
Phong trào xây dựng bản văn hóa nơi biên giới Lai Châu đã thiết thực góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các dòng họ, tộc người, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn; các hoạt động giao lưu văn nghệ được tổ chức thường xuyên, tình trạng sinh con thứ ba ngày càng giảm, các đám tang được tổ chức gọn nhẹ, không để lâu ngày trong nhà...
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong chăn nuôi phát triển kinh tế nơi biên giới, trong đó tiêu biểu phải kể đến gia đình ông Chu Mụ Chừ (Dân tộc Hà Nhì) bản Pa Thắng xã Thu Lũm (Mường Tè) không chỉ biết khai hoang, mở đất trồng lúa nước mỗi năm thu về trên 4 tấn thóc, cùng với đó là khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng xả, mà với vai trò là Trạm trưởng trạm y tế xã Thu Lũm ông còn đến từng nhà để cấp phát thuốc, khám chữa bệnh cho người dân, đồng thời tuyên truyền vận động người dân sử dụng các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch… nhờ đó gia đình ông vinh dự được các cấp các ngành tặng nhiếu Bằng khen, Giấy khen về những thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng gia đình văn hoá. “Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa đã thiết thực góp phần hình thành nếp sống văn mình, lành mạnh, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng. Nhờ đó, đến nay xã Thu Lũm chúng tôi có 6/9 bản đạt danh hiệu văn hóa, 76% số hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, 9/9 bản có đội văn nghệ và nhà văn hóa…”. Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm (Mường Tè) Chu Xé Lù chia sẻ.
Với sự quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, sự nỗ lực phấn đầu của từng người dân, từng dòng họ, tộc người nơi biên giới nên đến hết năm 2019 tỉnh Lai Châu có 68,3% số bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIII đã đề ra là 65% tính đến hết năm 2020. Trong đó, có gần 55% bản nơi biên giới đạt danh hiệu văn hóa. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nếp sống mới văn minh, lành mạnh, giàu bản sắc của các tộc người nơi biên giới Lai Châu không chỉ tỏa ngát hương thơm mỗi khi tết đến xuân về mà đó còn chính là “sức mạnh mềm, hàng rào thép” để xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Bài, ảnh: Nhật Minh