Thứ Năm, 24/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 10/9/2012 22:10'(GMT+7)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc kiểm điểm theo Nghị quyết TƯ 4

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. (Ảnh: VGP)

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. (Ảnh: VGP)

Thực hiện nghiêm kế hoạch của Trung ương

Báo cáo tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng cho biết, đợt tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong tập thể Ban Thường vụ và cá nhân từng đồng chí ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, với việc bám sát những vấn đề cấp bách đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Tỉnh ủy.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan Trung ương, các Ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành và các đảng ủy trực thuộc, các đồng chí nguyên là ủy viên Thường vụ, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đối với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cá nhân các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Kết quả, đến nay đã có 7 cơ quan Trung ương, 61 các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành, đảng ủy trực thuộc, 18 ý kiến cá nhân đóng góp ý kiến cho tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã xây dựng dự thảo báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình một cách khách quan, đầy đủ, đánh giá đúng sự thật và có tinh thần cầu thị cao.

Theo đồng chí Phạm Văn Vọng, dự thảo báo cáo kiểm điểm cơ bản đánh giá được những ưu điểm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, phân tích những nguyên nhân chủ quan của hạn chế, yếu kém. Xác định trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, khuyết điểm. Đồng thời đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém một cách có hiệu quả theo những nội dung chính của Nghị quyết Trung ương 4.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc tiếp thu, xây dựng báo cáo kiểm điểm và giải trình về công tác quản lý cán bộ, quản lý đất đai, còn để cán bộ bộ thuộc thẩm quyền quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật phải xử lý và việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc kiểm điểm trên phương châm phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự lớn mạnh của tập thể và từng cá nhân. Trong kiểm điểm phải chân thành, thẳng thắn, xây dựng, dựa trên nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, không chủ quan, quy chụp, xen lẫn động cơ cá nhân, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để đánh giá đúng tính chất, mức độ thiếu sót, khuyết điểm.

Quá trình tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm kết quả thực chất, không hình thức, chiếu lệ, xuê xoa, nể nang cũng như lợi dụng kiểm điểm để nói xấu, thổi phồng khuyết điểm, hạ uy tín với động cơ không trong sáng. Đồng thời phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Ban Thường vụ, từng cá nhân nghiêm túc tự kiểm điểm và cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp đúng đắn, xác đáng của các tổ chức cá nhân, tự giác, trung thực xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, tự thấy rõ khuyết điểm và tự sửa chữa, khách quan, chân thành, thẳng thắn...

Không kiểm điểm chung chung, đại khái

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, trên cơ sở dự thảo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, thay mặt Đoàn công tác của Trung ương, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Vĩnh Phúc là tỉnh có truyền thống sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, dám nghĩ dám làm với nhiều mô hình tốt về kinh tế. Qua 15 năm tách tỉnh, Vĩnh Phúc đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện về kinh tế-xã hội, cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng cao. Đây là nền tảng quan trọng để nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền cũng như là điều kiện để các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân tích cực tham gia sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4.

Quá trình tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cần cụ thể hoá các nội dung căn bản của Nghị quyết vào cuộc sống, tổ chức kiểm điểm thiết thực, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu đề ra, bám sát vào các nội dung, hướng dẫn của Trung ương, lắng nghe góp ý của các cán bộ lão thành để xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Nhất là phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.

Các ý kiến đóng góp cần khách quan, xây dựng, nói thẳng, nói thật, chân tình, tránh qua loa, hình thức, không tô hồng cũng không bôi đen. Qua đó nâng cao uy tín, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước Đảng, trước dân.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, trong quá trình kiểm điểm phải nêu địa chỉ, sự việc, con người cụ thể, không kiểm điểm chung chung, đại khái theo kiểu "anh được tôi được", “vừa lòng anh, vừa lòng tôi”. Kiểm điểm cần cần chỉ ra vấn đề cụ thể như việc giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai ở Vĩnh Phúc còn những bất cập, hạn chế gì, trách nhiệm ra sao. Sau kiểm điểm cần xử lý ngay những vấn đề nổi lên ở địa phương, không để tình trạng “kiểm điểm cứ kiểm điểm, khuyết điểm cứ xảy ra, tồn tại cứ để đó, phong trào cứ ì ạch”.

Tiến hành kiểm điểm từ tập thể đến cá nhân, từ đó phát huy trách nhiệm cá nhân với yêu cầu tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, chỉ ra khuyết điểm để sửa chữa để làm tốt hơn, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao sức chiến đấu trong Đảng, tạo ra các phong trào lớn ở địa phương. Qua đợt kiểm điểm phải toát lên được bản lĩnh, phẩm chất chính trị, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi đảng viên.

Trong và ngay sau khi kiểm điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cần sửa chữa ngay các vấn đề còn tồn tại ở địa phương, không để tồn tại kéo dài, làm gương cho cho nhân dân để tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng địa phương phát triển toàn diện, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no./.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất