Thứ Bảy, 23/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 10/5/2019 7:8'(GMT+7)

Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc thực hiện Nghị quyết 36 và Chỉ thị 37

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

NHÂN TỐ TRỰC TIẾP THÚC ĐẨY THỰC HIỆN 3 ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC CỦA TỈNH

Đồng chí Vi Ngọc Bích, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, xác định đổi mới tư duy, lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã sớm coi việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) và đào tạo nhân lực có tay nghề cao là nhân tố trực tiếp thúc đẩy thực hiện 3 đột phá chiến lược của tỉnh là đầu tư hạ tầng, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực.

Quảng Ninh dành bình quân 4% tổng chi thường xuyên ngân sách cho đầu tư, giai đoạn 2016-2018 là 1.398 tỷ đồng. Ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ, có hiệu quả CNTT trên các lĩnh vực, đặc biệt là về cải cách hành chính, du lịch, dịch vụ, thương mại điện tử, nông nghiệp, môi trường, giáo dục, y tế, giao thông môi trường...

Đến nay, tỉnh đã hoàn thiện hạ tầng nền tảng cho chính quyền điện tử như xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế; thiết lập được 239 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã. Quảng Ninh cũng đã xây dựng mô hình kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh, hình thành nền tảng các cơ sở dữ liệu cốt lõi để xây dựng, triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể Chính quyền số giai đoạn 2019-2025.

Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Quảng Ninh thuộc nhóm đầu cả nước về kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính và luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp. Những ứng dụng CNTT đã tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp, tiết kiệm; thay đổi nhận thức chuyển từ lề lối làm việc giấy tờ sang làm việc trên môi trường mạng; thay đổi căn bản ý thức, cách phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, số trung tâm hành chính cấp tỉnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 4 là 1.009 trung tâm, đạt 80,7%; ở cấp huyện là 3.599 trung tâm/14 địa phương (đạt 83,8%).

Quảng Ninh cũng là tỉnh thiết lập Cổng dịch vụ công thứ 2 được công bố, công khai kết quả giải quyết thủ  tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã trên Cổng thông tin của Chính phủ. 186/186 bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã được đầu tư trang thiết bị CNTT hiện đại, cơ bản bảo đảm khai thác sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin của chính quyền điện tử tỉnh. Hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh là hệ thống truy cập một cổng duy nhất cho tất cả các ứng dụng, một lần đăng nhập duy nhất cho tất cả các công việc, có khả năng tương tác qua web hoặc smartphone. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên triển khai cấp phát, đưa vào sử dụng chữ ký  số trong trao đổi văn bản điện tử cho các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp từ cấp tỉnh xuống đến cấp xã. 100% kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Đến nay, đã có trên 16.000 tài khoản cán bộ, công chức trên toàn tỉnh với gần 4 triệu lượt truy cập; với trên 4 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng, trên 1,4 triệu hồ sơ được giải quyết; hơn 1.277 dịch vụ công trực tuyến được công khai. Qua đó góp phần tiết kiệm khoảng 70 tỷ đồng/năm; giảm 40% thời gian và 1 lần đi lại/giao dịch; chi phí hành chính tiết kiệm gần 30 tỷ/năm. Tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện đạt trên 98% liên tục qua các năm từ 2015 đến nay.

Từ 2016, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực, chủ động triển khai xây dựng thành phố thông minh và chính quyền số, là tỉnh, thành phố đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã xây dựng và ban hành kiến trúc và mô hình tổng thể thành phố thông minh tập trung vào các lĩnh vực: trường học, bệnh viện, giao thông, an ninh, chính quyền thông minh… để lựa chọn một số nhiệm vụ, dự án có sản phẩm cuối cùng với quan điểm đối tượng thụ hưởng là nhân dân, du khách, bệnh nhân, học sinh… được sử dụng dịch vụ chất lượng cao. Tháng 4/2019, tỉnh đã vận hành thử Trung tâm điều hành Thành phố thông minh cấp tỉnh.

Nhằm phát triển công nghiệp CNTT và hình thành hệ sinh thái nội dung số, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Khu công nghiệp CNTT tập trung tại phường Tuần Châu, TP. Hạ Long.

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 32 cơ sở công lập, 7 cơ sở thuộc doanh nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%.

Việc quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu lao động đã đóng góp đáng kể vào tăng năng suất lao động. Trong đó, tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) năm 2018 đạt 5.110 USD, gấp 2,3 lần so với năm 2010.

TIẾP TỤC PHÁT HUY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG TƯ DUY VÀ HÀNH ĐỘNG

Tại buổi làm việc, nhiều kinh nghiệm, cách làm hay của Quảng Ninh đã được chia sẻ như huy động nguồn lực đầu tư; công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; sản phẩm cốt lõi của ngành công nghiệp CNTT; đảm bảo an toàn an ninh mạng; phân luồng học sinh, đào tạo lao động...

Bên cạnh đó, đại diện các sở, ban, ngành cũng nêu những điểm vướng mắc cần tháo gỡ. Theo đồng chí Nguyễn Trung Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông, cung cấp dịch vụ cấp độ 3,4 đến nay là hơn 80% nhưng sử dụng dịch vụ thì mới chỉ có 20%, đa phần người dân chưa quen với cấp độ 4. Tỉnh cũng đang quyết liệt xây dựng chính quyền số, ý chí lãnh đạo lớn, quyết tâm cao nhưng còn có điểm vướng về cơ chế, chính sách, Quảng Ninh còn thiếu và yếu về phần mềm và nội dung số, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang là bài toán thách thức…

 Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu  tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Cao Tường Huy đánh giá, đây là hai văn bản “đúng”, “trúng” với thực tiễn. Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực, đột phá trong tư duy và triển khai, hành động và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giữa nông thôn, miền núi và thành thị, trình độ dân trí không đồng đều nên việc hình thành công dân điện tử, tăng hiệu quả sử dụng còn là hành trình khó khăn. Mặc dù rất nhiều cố gắng nhưng nguồn nhân lực CNTT vẫn còn thiếu và yếu so với nhu cầu đặt ra. Ứng dụng CNTT giữa trung ương và địa phương vẫn còn những bất cập, chưa tích hợp được với nhau. Cơ  sở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu cũng đang là những vấn đề còn nhiều lúng túng.

 
 Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, khẳng định Quảng Ninh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chỉ thị số 37-CT/TW một cách đúng hướng, sáng tạo và cụ thể với nhiều biện pháp hiệu quả, bắt đầu từ việc ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch cụ thể và nhận được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Trong triển khai, nhiều nhiệm vụ khó khăn, chưa có trong tiền lệ, nhưng với tinh thần tiên phong, đột phá tư duy, đổi mới sáng taọ, dám nghĩ, dám làm, Quảng Ninh đã đi đầu với cách làm bài bản, khoa học, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký chia sẻ, cách làm của Quảng Ninh là luôn bám sát sự chỉ đạo, ủng hộ của Trung ương, tập trung vào các khâu đột phá, các điểm nghẽn trên cơ sở phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển; kỹ lưỡng trong chọn lựa cán bộ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xác định cụ thể đối tượng phục vụ hướng đến là người dân, doanh nghiệp và du khách… Thời gian qua, hạ tầng CNTT được tỉnh đầu tư, trong đó chú trọng dữ liệu nền tảng mở và khả năng kết nối, đào tạo công dân điện tử, huy động được nguồn lực đầu tư từ khối doanh nghiệp, mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người dân...  Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tham gia giảng dạy trong các trường học và làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng chí đề nghị Trung ương quan tâm, cơ chế chính sách thông thoáng hơn cho những tỉnh có tinh thần đi đầu như Quảng Ninh, ban hành thể chế thúc đẩy ứng dụng KHCN, hợp tác công - tư trong ứng dụng CNTT.

 Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện Nghị quyết 36 và Chỉ thị 37 thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, hiện thực hóa nhiều nội dung vào đời sống. Với tư duy đổi mới sáng tạo, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đã mang đến nhiều đột phá ấn tượng, dẫn đầu và trong nhóm đầu cả nước trên nhiều mặt như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh đã thay đổi ấn tượng từ vị trí thứ 20 năm 2012 đã được nâng lên và duy trì trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước và đứng đầu trong Vùng đồng bằng sông Hồng từ năm 2013 đến nay, đặc biệt hai năm 2017-2018 liên tiếp dẫn đầu cả nước. Đồng chí cũng bày tỏ ấn tượng với việc năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đạt giải thưởng ASOCIO dành cho chính quyền số xuất sắc do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu  Á - châu Đại Dương trao tặng. Đứng đầu cả nước trong xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2017 và năm 2018.

Đồng chí Nguyễn Thanh Long kỳ vọng Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đột phá trong tư duy, đổi mới sáng tạo, trở thành “kiểu mẫu” trong thực hiện các nội dung nêu trong 2 văn bản của Trung ương. Đồng chí lưu ý Quảng Ninh tiếp tục kiên trì đẩy nhanh xây dựng chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh; quan tâm phát triển CNTT thành một ngành kinh tế kỹ thuật như tinh thần nêu trong Nghị quyết; mở rộng, đi sâu nghiên cứu ứng dụng CNTT, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong quản lý dân cư, phát triển du lịch, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường... xây dựng thành công thành phố thông minh. Đồng thời, quan tâm, đưa ra những cách làm mới, hiệu quả, chất lượng trong đào tạo nghề, kiên trì thực hiện phân luồng học sinh...

Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao chất lượng buổi làm việc nghiêm túc, nhiều thông tin chất lượng. Đây sẽ là những cơ sở thực tiễn quý, kiểu mẫu để Đoàn làm việc chắt lọc, đưa vào trong báo cáo sơ kết trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất