Những câu chuyện về biển, đảo thân yêu
Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày tháng 4 lịch sử, ngay từ sáng sớm, sinh viên Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã háo hức tới phố đi bộ Nguyễn Huệ để tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật về đề tài “Biển, đảo quê hương” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2019) và 133 năm Ngày Quốc tế lao động (1-5-1886 - 1-5-2019).
Triển lãm gồm 223 tác phẩm xuất sắc về biển, đảo Việt Nam được chọn lựa từ cuộc thi ảnh nghệ thuật về đề tài “Biển, đảo quê hương” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức từ tháng 6 đến tháng 11-2018. Các bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc sinh động về thiên nhiên và cuộc sống, những nét sinh hoạt thường ngày, phong tục, tập quán, văn hóa của người dân ven biển Việt Nam, phản ánh chân thực cuộc sống sinh hoạt, học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự, an toàn và chủ quyền biển, đảo của các lực lượng vũ trang Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và các vùng biển trọng yếu của Tổ quốc.
Mai Việt Hân (K3, ngành Quản lý Nhà nước, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh) đặc biệt ấn tượng với bộ ảnh "Bảo vệ chủ quyền biển, đảo" của tác giả Trần Duy Tình (Bình Dương), “Một ngày với lính biển” của tác giả Đinh Công Tâm hay “Sức khỏe bình yên trên biển, đảo” của tác giả Nguyễn Á. “Đằng sau mỗi khuôn hình là hình ảnh người chiến sĩ hải quân với tình yêu quê hương đất nước, tinh thần trách nhiệm, không quản khó khăn gian khổ, ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc” - Hân chia sẻ cảm nhận.
Gillian Rose, du khách đến từ Vương quốc Anh lại bị cuốn hút bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, nên thơ của đảo tiền tiêu được lột tả rõ nét trong bộ ảnh “Lý Sơn - thiên đường giữa đại dương” của tác giả Nguyễn Minh Tân (Thành phố Hồ Chí Minh). Đảo Lý Sơn ẩn hiện trong khuôn hình như gợi nhớ những câu chuyện truyền miệng về biển, đảonhững người lính thuộc Hải đội Hoàng Sa anh dũng, bất khuất, hay nghi lễ Khao lề Thế lính, và cả những câu chuyện xúc động của những ngôi mộ gió linh thiêng... Vì thế, vợ chồng chị quyết định, điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến du lịch ở Việt Nam sẽ là đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Mỗi bức ảnh được trưng bày tại triển lãm mang tới một thông điệp tình yêu và trách nhiệm với biển, đảo quê hương. Đó là tiềm lực to lớn của ngành đóng tàu biển Việt Nam trong tương lai qua tác phẩm "Biển đợi" của tác giả Nguyễn Viết Rừng (Hải Phòng), với hình ảnh những người thợ sơn đang hoàn tất công đoạn cuối trong quy trình đóng tàu biển tải trọng lớn của Việt Nam. Hình ảnh gửi gắm thông điệp về ngành công nghiệp quan trọng ở một quốc gia có tới hơn 3.200 km đường bờ biển, cũng là sự mong mỏi, khát vọng về con tàu vươn ra biển lớn. Biển đang ở đó, chờ đợi những con tàu đem lại cuộc sống ấm no cho ngư dân, cho sự phát triển của đất nước. Khoảnh khắc đôi bạn già nằm trên lưới đánh cá ở bờ biển Phan Thiết trong tác phẩm “Hạnh phúc tuổi già” của tác giả Lê Thị Kim Liên (Thành phố Hồ Chí Minh) gợi cho người xem về một cuộc sống bình yên, giản dị của người dân vùng biển. Hay bộ ảnh “Nghề làm cá cơm khô truyền thống tại Bình Thuận” của tác giả Lê Minh Quát (Bình Thuận), ảnh “Trên cánh đồng muối Hòn Khói” của tác giả Nguyễn Tất Sơn (Hà Nội) phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân ven biển…
Đến với triển lãm, qua mỗi khuôn hình, công chúng Việt Nam và khách quốc tế như cảm nhận mình đang đắm mình trong không gian xanh của biển cả, của cây lá, vẻ đẹp chân chất, mặn mòi của những ngư dân đang ngày đêm bám biển làm giàu cho quê hương, sự kiên cường của chiến sĩ đang ngày đêm canh gác nơi biển, đảo Tổ quốc.
Triển lãm ảnh nghệ thuật về đề tài “Biển, đảo quê hương” gồm 223 tác phẩm xuất sắc nhất về biển, đảo Việt Nam, được chấm chọn kỹ lưỡng từ hơn 5.219 tác phẩm (gồm 4.896 ảnh đơn và 420 bộ ảnh) của 849 tác giả từ 60 tỉnh, thành phố trên cả nước gửi tham dự cuộc thi cùng tên do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động năm 2018.
|
Biển, đảo luôn trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam
Được tổ chức tại những địa danh có giá trị văn hóa, lịch sử trường tồn của đất nước, nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam như Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Quảng trường Ngọ Môn (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phố đi bộ Nguyễn Huệ (Thành phố Hồ Chí Minh), triển lãm ảnh nghệ thuật về đề tài “Biển, đảo quê hương” đã đến gần hơn với đông đảo công chúng, du khách trong và ngoài nước; khơi gợi nên những cảm xúc đặc biệt, thêm hiểu, thêm yêu, thêm gắn bó với biển, đảo Việt Nam.
Tác giả Vũ Văn Hiến, báo Hải quân chia sẻ, ban đầu việc chụp các bức ảnh về biển, đảo chủ yếu để làm tư liệu. Nhưng rồi, một điều gì đó thôi thúc khiến người cầm máy như anh rất muốn chia sẻ cảm xúc ấy với mọi người. Vì chắc chắn rằng, có rất nhiều người mong muốn thấy được vẻ đẹp của biển, đảo Việt Nam, thấy được những giá trị thiêng liêng về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tác giả Trần Duy Tình trăn trở: “Tôi cứ nghĩ việc mình chụp ảnh giống như một người chép sử cho ngày mai. Niềm tự hào về biển, đảo, về người lính biển, tôi muốn gửi đến các thế hệ tiếp nối, để con cái tôi sẽ tự hào, bảo vệ biển trời Tổ quốc giống như chính chúng tôi đã tự hào về cha ông mình lớp trước”.
Triển lãm ảnh nghệ thuật về đề tài “Biển, đảo quê hương” nhằm tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với biển, đảo quê hương của mỗi người dân Việt Nam, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về vị trí, vai trò, tiềm năng, vẻ đẹp của biển, đảo Việt Nam đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.
|
Với nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, việc tập trung khai thác thế mạnh của loại hình “ảnh bộ” - một trong những thể loại khó của nhiếp ảnh đã cho thấy các tác giả tâm huyết, đầu tư thời gian và công sức sáng tạo. Các tác phẩm được chọn triển lãm có chất lượng thẩm mỹ cao, đẹp về bố cục, đường nét, ánh sáng và giá trị khoảnh khắc. Với nhiều góc nhìn mới với sự hỗ trợ của thiết bị bay Flycam, các tác giả đã mô tả được vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của cảnh quan thiên nhiên, tạo cho người xem cảm xúc sâu sắc hơn về cảnh đẹp quê hương, về những nỗi lo toan nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh của cư dân miền biển hay sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ đang ngày đêm bám biển.
Ghi nhận sự nỗ lực của các tác giả đã phát huy được thế mạnh của nghệ thuật nhiếp ảnh, đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật về đề tài “Biển, đảo quê hương” được tổ chức trong thời gian ngắn, nhưng số lượng ảnh tham gia lớn, phong phú, có chất lượng…
Bởi biển, đảo gắn bó với người dân Việt Nam từ ngàn đời nay, là không gian sinh tồn, không gian phát triển, không gian linh thiêng của dân tộc ta. Biển có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Có thể khẳng định, biển, đảo quê hương luôn là một đề tài sáng tác sinh động, hấp dẫn không giới hạn đối với người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Quan trọng hơn, hình ảnh biển, đảo luôn ở trong trái tim của mỗi người con dân đất Việt. Thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh, biển, đảo Việt Nam đã gần hơn với công chúng trong nước và du khách quốc tế. Cảm xúc sáng tạo của mỗi nghệ sĩ qua các tác phẩm nhiếp ảnh đã giúp chúng ta có những cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của biển, đảo quê hương, về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là một trong những cách tuyên truyền về biển, đảo quê hương, về chủ quyền biển, đảo Việt Nam đầy sinh động, hấp dẫn và hiệu quả.
Hội tụ và tiếp nối những cảm xúc thiêng liêng, tự hào về biển, đảo quê hương, triển lãm ảnh nghệ thuật về đề tài “Biển, đảo quê hương” tiếp tục lan tỏa những thông điệp đầy ý nghĩa đối với công chúng yêu nghệ thuật trong cả nước, vẽ nên bức tranh biển, đảo quê hương trong mỗi trái tim người dân Việt Nam:
“Ơi biển Việt Nam ơi sóng Việt Nam
Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng
Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương
Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”.
Thu Hằng