Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Bùi Xuân Hòa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên chủ trì buổi làm việc.
Thái Nguyên là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 cả nước với hơn 30 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; có nhiều khu công nghiệp lớn như Yên Bình, Sông Công I, Sông Công II, Điềm Thụy, Nam Phổ Yên… thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh đến đầu tư cùng các chuyên gia, công nhân người nước ngoài đến sinh sống, làm việc. |
Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, đồng chí Lê Văn Tuấn cho biết, về kinh tế - xã hội, trước 2014, giá trị công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên chưa có tên trong 63 tỉnh thành, nhưng đến năm 2018 đã vươn lên đứng thứ 4, thu đạt hơn 15.000 tỷ đồng. Thái Nguyên còn được đánh giá cao trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Những kết quả đó có được, một phần cũng là kết quả của dấu ấn trong thực hiện Nghị quyết 36 và Chỉ thị 37.
Hiện nay, Thái Nguyên đang đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng 14 tỉnh thành khu vực miền núi phía Bắc. Đặc biệt, xếp thứ 3 về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở các lĩnh vực hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang ngày càng được mở rộng. Thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết 36 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành đoàn thể về ứng dụng, phát triển CNTT, góp phần quan trọng trong thực hiện đột phá chiến lược của tỉnh về cải cách hành chính; mang lại trong những hiệu quả lớn trong thu hút đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua, Thái Nguyên đã giảm bình quân 30% thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Từ 2014, hoạt động đầu tư nước ngoài FDI cho lĩnh vực CNTT và điện tử trên địa bàn tỉnh đạt gần 7 tỷ USD với 89 doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển CNTT, điện tử. Nhờ đó, đã thúc đẩy các ngành công nghiệp CNTT như điện tử, công nghiệp du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, tạo sức bật mới, diện mạo mới cho nền kinh tế của tỉnh.
Về đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, thời gian qua, tỉnh cũng đã chú trọng công tác phân luồng học sinh trong đào tạo nghề, mở rộng phối hợp doanh nghiệp trong đào tạo nghề, xây dựng nội dung chương trình hướng nghiệp gắn với sản xuất kinh doanh tại địa phương. Tỷ lệ học sinh đi học nghề trong 3 năm qua đã có nhiều bước phát triển. Các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm chú trọng thực hiện công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp. Toàn tỉnh có 60 tiến sĩ, 1028 thạc sĩ, 126 thợ bậc 2, 226 thợ bậc 3 trên tổng số 12 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp và 1 cơ sở tham gia giáo dục nghề nghiệp. Riêng Đại học Thái Nguyên có 2.224 thạc sĩ, 650 tiến sĩ, 164 giáo sư và phó giáo sư.
Tại buổi làm việc, các đại diện sở, ban, ngành cũng đã chỉ ra những vướng mắc, hạn chế của Thái Nguyên trong việc thực hiện ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Hạ tầng kỹ thuật CNTT ở các cơ quan nhà nước tuy đã và đang được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế, chưa đồng bộ. Hiệu quả sử dụng, ứng dụng CNTT ở cấp xã chưa cao, việc tham gia của người dân vào các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Nguồn nhân lực CNTT còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, đặc biệt thiếu các cán bộ có chuyên môn cao về an toàn thông tin, khai thác sử dụng thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT còn lúng túng, bất cập. Nhận thức của một số cấp ủy, cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ về đào tạo nghề. Chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao vẫn còn thiếu hụt về chất lượng và số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động khu vực và quốc tế. Việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nhân lực. Công tác tuyên truyền trong thực hiện các nội dung về đào tạo nhân lực tay nghề còn chưa đáp ứng với từng đối tượng, hiệu quả chưa cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Trịnh Việt Hùng nhận định, bài toán đặt ra vẫn là vấn đề con người. Để ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, để tạo nguồn nhân lực chất lượng rất cần đội ngũ nhân lực có năng lực đào tạo, có trình độ ứng dụng cao.
Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, Thường vụ Tỉnh ủy luôn xác định ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ “tối quan trọng” để Thái Nguyên tạo ra đột phá và bắt nhịp với tốc độ phát triển của đất nước. Nhiều ứng dụng đã được triển khai và đi vào cuộc sống, tạo ra những bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, cùng với đó, an ninh chính trị - xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, đồng chí Bùi Xuân Hòa cho rằng, những bước tiến đó chưa phải là đạt yêu cầu trong điều kiện Thái Nguyên là một tỉnh có nhiều lợi thế cho phát triển, do đó, thời gian tới, cần phải tăng tốc và có nhiều đột phá hơn.
Đồng chí băn khoăn, về mặt chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ của tỉnh còn rất yếu. Mặc dù nhiều doanh nghiệp FDI có mặt trên địa bàn tỉnh nhưng không có nhiều điều kiện để được chuyển giao công nghệ. Về đào tạo nghề, đồng chí cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo về khung thời gian, nội dung đào tạo có tính đến đầu ra, nhu cầu của đơn vị sử dụng. Trong việc tinh gọn bộ máy hành chính công còn có sự vênh nhau giữa nghị quyết và thể chế hóa của chính sách, pháp luật gây chậm trễ trong triển khai, do đó, cần có sự rà soát, điều chỉnh, sớm ban hành các quy định “song trùng” giữa quan điểm chỉ đạo và chính sách.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 36 và Chỉ thị 37.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Long, dấu ấn trong ứng dụng CNTT đáng chú ý là Thái Nguyên đã tiên phong, đồng bộ trong ứng dụng CNTT ở khối cơ quan Đảng và chính quyền, nhờ đó mà cải cách hành chính đạt nhiều kết quả. Tỉnh đã xác định “đúng” và “trúng” được công nghệ thông tin là một ngành kinh tế kỹ thuật, thu hút doanh nghiệp đầu tư tạo ra những bước phát triển đột phá.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh kỳ vọng Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng CNTT đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, mở rộng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, tiến tới nâng tỷ lệ cấp độ 4. Đồng chí lưu ý, cạnh tranh cấp tỉnh phụ thuộc nhiều vào chỉ số này, nếu vẫn chỉ loay hoay chủ yếu ở mức độ 1, 2 thì dễ nhanh chóng tụt hậu. Đi liền với đó phải trang bị được hạ tầng CNTT tốt, đẩy nhanh tiến độ và sớm xây dựng thành công chính quyền điện tử.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long đã chỉ ra, hiện nay nguồn nhân lực CNTT cũng đã bước đầu được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Với những điều kiện và thế mạnh hiện có, Thái Nguyên cần tiếp tục phát huy vai trò là một trung tâm đào tạo của vùng, có trách nhiệm đào tạo nhân lực CNTT cho các tỉnh khu vực Tây Bắc .
Về Chỉ thị 37, đồng chí Nguyễn Thanh Long cho rằng, xác định nội hàm của “tay nghề cao” như thế nào cho cụ thể, sát thực là vấn đề còn nhiều lúng túng nhưng về cơ bản, hướng tới đào tạo chú trọng kỹ năng, gắn với thực tiễn. Với lợi thế có tới 63 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với quy mô đào tạo gần 8000 người, có nhiều sáng kiến trong đào tạo, hơn 80% học viên sau đào tạo có việc làm… thể hiện sự năng động, cập nhật, tiến tới đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Thời gian tới, Thái Nguyên cần tiếp tục mạnh dạn đầu tư ngân sách cho đào tạo tay nghề cao. Với đường hướng phát triển rõ nét, với hạ tầng phát triển, Thái Nguyên nên có đánh giá tổng thể, xác định nhu cầu nguồn nhân lực trong dài hạn để có chương trình đảm bảo chất lượng.
Thời gian qua, Thái Nguyên cũng đã thực hiện phân luồng học sinh tốt, đồng chí Nguyễn Thanh Long kỳ vọng Thái Nguyên sẽ phát huy, đi đầu trong phân luồng học sinh đảm bảo tính liên thông nhất định. Nên có chính sách để học sinh học nghề có thể dễ dàng tiếp cận đại học, tăng cường liên kết, gắn kết đào tạo giữa khu vực đào tạo với doanh nghiệp; khuyến khích tự chủ càng nhanh càng tốt, nhất là với các trường dạy nghề. Đồng thời, cần huy động xã hội hóa các nguồn lực trong xã hội tham gia đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp nguyện vọng của người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, của xã hội, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch phát triển sản suất và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Đồng chí cũng ghi nhận những thông tin phản ánh từ thực tiễn địa phương, tiếp thu những kiến nghị, phản hồi. Đây cũng là những cơ sở thực tế để Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng báo cáo sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 36 và Chỉ thị 37 sau 5 năm triển khai, thực hiện.
Cao Nguyên