Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 14/7/2019 10:47'(GMT+7)

Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã nghe lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục báo cáo tình hình hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Về rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương để có hướng dẫn cụ thể về công tác rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, năm 2017, khi tiếp nhận các trường từ khối giáo dục và đào tạo chuyển sang, hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng bao gồm 1.989 cơ sở. Đến cuối năm 2018, con số này giảm xuống 1.954 cơ sở và đến thời điểm hiện tại, số các trường trung cấp, cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã giảm xuống chỉ còn 1.930 cơ sở.

Như vậy việc rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu theo tinh thần của Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc sắp xếp các trường trung cấp, cao đẳng vẫn mang tính cơ học, vội vàng, thiếu sự nghiên cứu về cơ sở khoa học. Công tác triển khai tự chủ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tự chủ về tài chính, trong khi đó nhận thức về tự chủ của các trường còn hạn chế, hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về tự chủ.

Về đào tạo chất lượng cao, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nội dung được nêu tại Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11. Thực hiện Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/05/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã quy hoạch và triển khai đầu tư 45 trường cao đẳng thành trường chất lượng cao đến năm 2020, đồng thời lựa chọn trong số 45 trường này để chuyển giao các chương trình tiên tiến từ Úc, Đức và triển khai đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 tiếp tục được đẩy mạnh, phối hợp với địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tổ chức nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với du lịch; xây dựng và tổ chức thí điểm các mô hình đào tạo thích ứng theo yêu cầu vị trí làm việc trong doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.

Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang trong giai đoạn được quy hoạch mạng lưới. Trong khi đó, công tác đảm bảo chất lượng vẫn chưa được các trường coi là yêu tố thiết yếu để nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định sứ mệnh của nhà trường cũng như tạo dựng thương hiệu.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Hưng đánh giá cao kết quả đạt được của giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Hưng cũng cho rằng việc xây dựng chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp nói chung và về công tác quy hoạch mạng lưới, tự chủ, đào tạo chất lượng cao của cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần được nghiên cứu về cơ sở khoa học và thực tiễn để chính sách pháp luật được thực hiện hiệu quả.

Như việc tiến hành sắp xếp mạng lưới cần tính đến các yếu tố cơ cấu tổ chức, đội ngũ nhân viên cán bộ quản lý, cơ sở vật chất nhà trường. Tổng cục nên đề xuất một số đề tài khoa học cấp nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc xây dựng chính sách giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ sở để tăng cường hiệu quả trong công tác tham mưu với Trung ương về phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Tại buổi làm việc, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tiếp thu, ghi nhận những ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương về một số nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp trong đó có công tác quy hoạch mạng lưới, tự chủ, đào tạo chất lượng cao. Trong thời gian tới, Tổng cục mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để có những đề xuất, kiến nghị kịp thời với Trung ương về phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp./.

Mai Hoa

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất