Việt Nam cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về phát triển băng thông rộng - đó là quan điểm chung của phần lớn các đối tác quốc tế trong lĩnh vực ICT tham vấn cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong các bước đi để sớm trở thành một quốc gia mạnh về CNTT và Truyền thông.
Theo chia sẻ của khá nhiều đối tác quốc tế tại Hội nghị lấy ý kiến triển khai Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông, việc Việt Nam xây dựng một chiến lược phát triển băng thông rộng quốc gia là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, đặc biệt là ở thời điểm này. Phát triển băng thông rộng sẽ giúp Việt Nam thực hiện thành công Đề án.
Đánh giá của Ngân hàng thế giới World Bank cho hay, thời gian vừa qua, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh về nhiều lĩnh vực kinh tế trong đó có viễn thông. Ngoài các vùng đô thị, thành phố lớn, nông thôn Việt Nam cũng là một thị trường rất tiềm năng về phát triển băng rộng. Để khai thác được thị trường này, điều trước hết là phải mở rộng kết nối.
Không giấu diếm kỳ vọng về một chiến lược băng thông rộng quốc gia của Việt Nam, đại diện của Tập đoàn Huawei cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên một “phép màu bên sông Hồng” giống như Hàn Quốc hiện giờ. Vị đại diện của Tập đoàn này chia sẻ, nếu như vào thời điểm năm 1985, hầu như xuất phát điểm phát triển ngành viễn thông của Hàn Quốc là mốc số không tròn trĩnh. Nhưng giờ, băng thông rộng của Hàn Quốc đứng số một thế giới, thực sựlà một “phép màu bên sông Hàn”.
“Và nếu như Việt Nam quyết tâm đầu tư, triển khai, kết nối băng thông rộng sẽ là động lực chính để các bạn tạo ra được phép màu trong thời gian không xa. Hệ thống băng thông rộng quốc gia giúp phát triển chính phủ điện tử, phát triển y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông... Nên triển khai hệ thống băng thông rộng càng sớm, càng tốt. Và chúng tôi tin Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông” - đại diện của Huawei chia sẻ.
Một đại diện khác đến từ công ty kinh doanh vệ tinh cũng đồng quan điểm, việc Việt Nam thiết lập một mạng lưới băng thông rộng toàn quốc là hoàn toàn đúng đắn. Các bạn đã có vệ tinh Vinasat-1 và đang tích cực chuẩn bị cho việc có thêm vệ tinh Vinasat-2 vào năm 2012, điều này sẽ giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc phủ sóng băng rộng tới mọi vùng của đất nước mà không phải lo lắng về khoảng cách địa lý.
Đại diện đến từ công ty Amdocs cũng cho rằng, việc lựa chọn phát triển băng thông rộng là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng vấn đề ở chỗ, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam phải tạo ra được một “sân chơi” cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ cùng tham gia. Nhiều nhà cung cấp, sức cạnh tranh sẽ mạnh hơn, người dùng có điều kiện hưởng nhiều tiện ích hơn và đặc biệt, thị trường phát triển cũng rộng hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ không chỉ nghĩ tới việc kinh doanh ở khu vực thành phố, đô thị mà còn ở các vùng nông thôn.
Ghi nhận ý kiến tham vấn của các đối tác nước ngoài, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT nhấn mạnh, trong 10 năm qua, Chính phủ luôn dành sự quan tâm và đầu tư cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp công nghệ thông tin những năm gần đây luôn duy trì ở mức 20%/năm.
Hiện giờ, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp trong nước đã khẳng định được vị trí của mình tại thị trường nội địa và hướng ra nước ngoài như VNPT, Viettel, VTC... Mục tiêu được đặt ra với những doanh nghiệp lớn này là tới năm 2015 sẽ có doanh thu 10 tỷ USD. Điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Từ những yếu tố trên, Việt Nam có cơ sở để hiện thực hóa giấc mơ trở thành quốc gia mạnh về CNTT và truyền thông trong 10 năm tới.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, lĩnh vực ICT của Việt Nam cũng còn một số hạn chế trong trình độ nguồn nhân lực, như còn thiếu các kỹ năng mềm, yếu về ngoại ngữ. Phó Thủ tướng cho rằng, trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Việt Nam không yếu về năng lực mà yếu trong việc tận dụng cơ sở hạ tầng và dịch vụ băng thông rộng đã được đầu tư xây dựng, khả năng tận dụng lợi thế sẵn có chưa triệt để…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cũng cho hay, lợi thế của Đề án đó là có sự quyết tâm hành động cao của Chính phủ, Bộ ngành, Doanh nghiệp; Ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam đang phát triển nhanh, tạo đà cho việc thực hiện đề án đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT...
Tuy nhiên trong quá trình triển khai đề án sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc do nguồn lực qua đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu cả số lượng và chất lượng; Hạ tầng băng thông rộng còn hạn chế do bị phân tán và thiếu tập trung; Thể chế còn nhiều vướng mắc và cần phải từng bước tháo gỡ; Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu.
Sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có những chính sách, định hướng nhằm tập trung tháo gỡ cơ chế chính sách để không có gì cản trở doanh nghiệp phát triển; Tham mưu Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phát triển thành doanh nghiệp lớn; Đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng băng thông rộng; sản xuấtcông nghiệp CNTT phần cứng, phần mềm và nội dung số, đưa thông tin về cơ sở, các thiết bị nghe nhìn về cơ sở biên giới, hải đảo đến tận hộ gia đình./.
Hiền Mai - VnMedia