Thế giới đã trở thành một chốn nguy hiểm hơn và hiện chỉ có 10 quốc gia
được xem là hoàn toàn thoát khỏi các cuộc xung đột, theo các tác giả
đứng sau bảng tổng sắp Chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) vừa được công bố.
Cuộc xung đột tồi tệ nằm ở Trung Đông, tình trạng thiếu giải pháp cho
cuộc khủng hoảng người tỵ nạn và sự tăng lên của số người chết vì các vụ
khủng bố lớn là những yếu tố khiến thế giới trở nên ít yên bình hơn
trong năm 2016 so với năm 2015.
Hiện chỉ còn ít quốc gia trên thế giới được xem là thực sự hòa bình -
nói cách khác là không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào, trong nội
bộ hay với nước khác - so với năm 2014.
Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình (IEP), một tổ chức đã công bố
GPI trong 10 năm qua, chỉ có Botswana, Chile, Costa Rica, Nhật Bản,
Mauritius, Panama, Qatar, Thụy Sỹ, Uruguay và Việt Nam hoàn toàn thoát
khỏi các cuộc xung đột.
Đáng chú ý nhất là tác động từ tình hình Trung Đông tới chỉ số GPI
chung. "Nếu nhìn toản cảnh ra thế giới, ta sẽ thấy nó trở nên kém hòa
bình hơn trong vòng 12 tháng qua", ông Steve Killelea, sáng lập viên
IEP, cho biết.
“Nhưng nếu chúng ta loại bỏ Trung Đông khỏi GPI trong vòng thập kỷ vừa
qua - và cả năm ngoái - thế giới sẽ trở nên hòa bình hơn. Điều này cho
thấy tác động lớn của khu vực Trung Đông với thế giới".
GPI cho thấy 81 nước đã trở nên yên bình hơn trong năm ngoái. Tuy nhiên
tình hình lại tệ đi ở 79 nước. Không giống những năm trước đây, IEP đã
nhận thấy một xu thế rõ ràng, trong đó các nước yên bình hơn ngày càng
cải thiện tình hình, trong khi những nước ít yên bình thì rơi vào tình
trạng càng lúc càng tồi tệ. Điều này đã tạo ra tình trạng "bất bình đẳng
hòa bình" lớn hơn trên thế giới.
“Vấn đề chủ chốt đằng sau hiện tượng này là sự bất lực của chúng ta
trong việc giải quyết các cuộc xung đột đang phát triển," Killelea nói.
"Cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq đã kéo dài trong hơn một thập kỷ,
trước khi lan sang Syria vào năm 2011, rồi bò tới Libya cùng Yemen. Sự
thất bại rõ ràng là chìa khóa của vấn đề", ông nói./.
(Vietnam+)