Thứ Sáu, 20/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 15/9/2017 18:17'(GMT+7)

Báo cáo chuyên đề " “Một số thành tựu nghiên cứu lý luận về phát triển văn hóa ở Việt Nam hiện nay”

PGS.TS Phạm Duy Đức trình bày báo cáo chuyên đề

PGS.TS Phạm Duy Đức trình bày báo cáo chuyên đề

Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã được tiến hành đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đến an ninh quốc phòng và đối ngoại. Cùng với quá trình đổi mới về kinh tế, chính trị và các lĩnh vực khác, đổi mới về văn hóa đã tạo nên sức sống mới, diện mạo mới và thành tựu mới của văn hóa Việt Nam, tham gia tích cực vào quá trình tạo nên những “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” của đất nước.

Đổi mới văn hóa ở Việt Nam gắn liền với đường lối đổi mới của Đảng thể hiện tập trung ở Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII của Đảng (1991); Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) và các Văn kiện Đại hội, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị về văn hóa, văn nghệ của Đảng. Những thành tựu đổi mới tư duy lý luận của Đảng về văn hóa là điều kiện và động lực có ý nghĩa quyết định tới việc tổ chức thực hiện đổi mới các lĩnh vực hoạt động văn hóa trong thực tiễn, góp phần tạo nên sự phát triển của văn hóa Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua.

Những thành tựu đổi mới tư duy lý luận về văn hóa được thể hiện tập trung ở một số nội dung: Thứ nhất, là đổi mới nhận thức về các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của văn hóa. Thứ hai, là đổi mới nhận thức về vai trò và chức năng xã hội của văn hóa. Thứ ba, là đổi mới nhận thức về mô hình, đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam cần xây dựng. Thứ tư, là đổi mới tư duy về tính chất thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam. Thứ năm, là đổi mới tư duy về nguồn lực phát triển văn hóa. Thứ sáu, chú ý tính đặc thù của văn hóa. Thứ bảy, là đổi mới tư duy về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với kinh tế và chính trị. Thứ tám, là đổi mới tư duy về phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa cho phù hợp với thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thứ chín, là đổi mới tư duy về văn hóa đối ngoại.

Trên cơ sở đổi mới tư duy về lý luận văn hóa, công cuộc đổi mới văn hóa trên thực tiễn đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới chung của đất nước. Có thể khái quát những thành tựu bước đầu đạt được trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua như sau: Thứ nhất, nhận thức về vai trò của văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong xã hội được nâng lên. Thứ hai, giá trị di sản văn hóa dân tộc được coi trọng. Thứ ba, tính tích cực, chủ động trong sáng tạo, bảo quản, truyền bá và thưởng thức các giá trị văn hóa, nghệ thuật của nhân dân đã được nâng cao. Thứ tư, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ đã có bước phát triển đáng kể. Thứ năm, công tác nghiên cứu lý luận về văn hóa và phát triển đã được coi trọng. Thứ sáu, là giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa với khu vực và quốc tế được mở rộng, từng bước phát triển theo chiều sâu, mang tính ổn định bền vững, góp phần giới thiệu, quảng bá, tôn vinh văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Thứ bảy, quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa đã được nhiều thành tựu đánhg kể, góp phần tạo hành lang pháp lý cũng như tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các hoạt động văn hóa của cộng đồng. Thứ tám, đổi mới công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa. 

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất