Đồng hành vượt khó
PV: Nhìn lại năm 2014, đồng chí có thể điểm một vài dấu ấn nổi bật trong hoạt động báo chí?
Năm 2014, bên cạnh một số thuận lợi cơ bản, đất nước ta tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách, ta đã vượt qua với nhiều khởi sắc về kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo nước ta đã đồng hành vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Báo chí đã tập trung tuyên truyền những nỗ lực, kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Có thể thấy rõ những chuyển biến trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, trong lĩnh vực đầu tư công, trong lĩnh vực ngân hàng; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng – kinh tế xã hội. Mức tăng trưởng GDP của nước ta năm 2014 đạt trên 5,8-6% là con số đáng ghi nhận.
Kinh tế tuy đạt mức tăng trưởng khá nhưng thiếu sự bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển đổi chưa mạnh, sức cạnh tranh còn thấp, nợ công còn cao, nợ xấu ngân hàng còn đáng lo. Bên cạnh đó, tình hình Biển Đông phức tạp hơn, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá, gây rối cũng ở mức cao hơn. Thực tiễn đó đã tác động nhiều mặt, sâu sắc đến công tác báo chí và hoạt động báo chí.
Báo chí cũng chỉ ra những hạn chế, non yếu cần các giải pháp đồng bộ để khắc phục như giảm nợ công, nợ xấu của ngân hàng, đầu tư công đúng trọng tâm, trọng điểm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, chiếm lĩnh tốt hơn thị trường trong nước và mở rộng ở ngoài nước; cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục về thuế, hải quan, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.
Báo chí cũng đã làm tốt việc định hướng thông tin, dư luận xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Báo chí đã đấu tranh với một sự kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt và sắc bén trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chưa bao giờ chúng ta huy động được một lực lượng đông đảo báo chí trong nước và quốc tế ra vùng biển của ta ở Hoàng Sa để tác nghiệp như vừa rồi. Khoảng gần 40 cơ quan báo chí, trên 100 nhà báo trong nước; gần 20 cơ quan báo chí nước ngoài với khoảng 35 nhà báo nước ngoài của báo chí Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản trong đó có rất nhiều hãng thông tấn lớn như CNN, Reuter, AP, Kyodo, Fuji TV, … Chúng ta tạo điều kiện cho các phóng viên báo chí nước ngoài được “mục sở thị” việc làm ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp quy tắc ứng xử tối thiểu trong quan hệ láng giềng của phía Trung Quốc, từ đó tạo ra tiếng nói đồng thuận trong nước và nước ngoài, phản đối Trung Quốc, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Trước việc ở một số địa phương có một số kẻ quá khích, biểu tình, xuống đường kích động công nhân đập phá, cướp tài sản của nhà máy, báo chí đã kịp thời phê phán, đồng thời trấn an các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, rằng đó là trường hợp cá biệt, còn Chính phủ Việt Nam luôn luôn ủng hộ, khuyến khích, bảo vệ các nhà đầu tư. Việt Nam ứng xử đàng hoàng, đã nói là làm, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, một số nước khác. Người lao động nước ngoài ở một số khu công nghiệp muốn về nước, chúng ta tuyên truyền, giải thích mong họ ở lại Việt Nam tiếp tục và an tâm làm ăn, nhưng nếu họ vẫn muốn về thì chúng ta cũng tạo điều kiện thuận lợi kể cả phương tiện, thủ tục để họ về nước an toàn. Sau sự việc đáng tiếc như vậy, điều đáng mừng là chỉ trong ngắn hạn, môi trường đầu tư và lượng khách nước ngoài đến Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Làm được điều đó, có vai trò không nhỏ của báo chí.
Năm 2014, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 khóa XI đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Chúng ta đã và đang sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác báo chí, đánh giá báo chí đã có những ghi nhận đáng mừng, cho rằng báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương, đơn vị.
Năm qua, báo chí cũng tự đổi mới, có nhiều chuyển động, tiến bộ. Một số cơ quan báo chí đã phát triển mô hình cơ quan tích hợp nhiều phương tiện, nhiều loại hình. Đội ngũ người làm báo từng bước được quy hoạch, đào tạo, được bồi dưỡng, bố trí hợp lý trong cơ quan báo chí. Chúng ta đã vươn lên trong quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet. Khá nhiều văn bản, pháp luật nhà nước về quản lý báo chí đã có những bổ sung, điều chỉnh, đồng thời tăng cường biện pháp xử lý, xử phạt sai phạm. Quy hoạch báo chí đang được tiến hành với tầm nhìn bài bản, dài hơi. Đề án Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung cũng đang được khẩn trương xây dựng.
Bên cạnh đó, hoạt động xã hội của cơ quan báo chí cũng được tăng cường, đó là phong trào ủng hộ nạn nhân chất độc da cam dioxin, ủng hộ người nghèo, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn… góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội. Báo chí đã tham gia tuyên truyền đồng thời phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gây quỹ nhân đạo, từ thiện.
Khắc phục những hạn chế, yếu kém để phát triển
PV: Qua hoạt động báo chí năm 2014 cũng như mấy năm gần đây, bên cạnh những ưu điểm, thành tích đã đạt được, báo chí nước ta cũng đã bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém cần nhìn rõ để khắc phục. Cụ thể là gì, thưa đồng chí?
Trước hết, không ít cơ quan báo chí vi phạm tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ. Có những tờ báo xa rời đối tượng độc giả của mình, biến tờ báo thành “quầy hàng xén”, “quầy tạp hóa”, cái gì cũng nói, cũng bàn, dẫn đến lạm bàn, không có điểm nhấn. Báo chí như vậy là thiếu tính chuyên nghiệp.
Một số nhà báo thông tin tùy tiện, sai sự thật, thậm chí dựng chuyện sai trái, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, nhân phẩm, quyền riêng tư cá nhân. Số lượng những người vi phạm dạng này dường như đang tăng lên, nhất là các nhà báo trẻ mới ra trường chưa được kèm cặp, rèn luyện, chưa được giám sát chặt chẽ, dễ mắc sai phạm.
Một điểm đáng lưu ý là thông tin giật gân, câu khách, ta hay gọi là “lá cải” ngày càng lây lan ra thành “ruộng cải”, “vườn cải”. Có những tờ, những trang báo mạng chỉ chuyên chuyện “cướp, giết, hiếp”, những chuyện vô luân, vô đạo; tai nạn, tệ nạn, yếu kém, tội phạm… đưa lên rất nhiều, thậm chí đẩy lên trang nhất, săm soi vào giới showbiz, đời tư nghệ sĩ, mổ xẻ sơ hở của người ta, giật tít toàn “hót”, “đắng lòng”, “kinh hoàng” để giật gân, câu view, câu khách. Đây là một xu hướng không lành mạnh phải nhìn nhận rõ và khắc phục.
Chưa kể những bài sai về nhận thức chính trị, định hướng chính trị, có những cơ quan báo chí để cho xu hướng “thương mại hóa” này len lỏi, dẫn đến sai phạm kéo dài, lặp đi lặp lại…
PV: Theo đồng chí, nguyên nhân của tình trạng “lá cải hóa” báo chí chủ yếu do đâu? Để thay đổi thì phải tác động từ “khâu” nào?
Trước những sai lầm, yếu kém của cơ quan báo chí, có khá nhiều đồng chí lãnh đạo, người dân, cán bộ, đảng viên thường trách cứ, thậm chí quy trách nhiệm cho cơ quan chỉ đạo, quản lý như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam. Điều này không sai, Ban, Bộ, Hội đã nhiều lần đứng ra nhận khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, quản lý của mình. Nhưng nói cho đến cùng, trong hoạt động báo chí, thành tựu hay yếu kém cũng phải bắt đầu từ cơ quan chủ quản báo chí mà ra. Đó là nơi đứng ra xin cấp giấy phép hoạt động báo chí. Cơ quan chủ quản phải chỉ đạo cơ quan báo chí của mình, chứ không thể phó mặc cho Ban, Bộ, Hội; ở cấp tỉnh thì phó mặc cho Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông… Đã là cơ quan chủ quản thì phải chỉ đạo, quản lý thường xuyên, liên tục sâu sát nội dung thông tin, con người, tổ chức bộ máy cho đến cơ chế tài chính…, phải có những chế tài phù hợp với luật pháp để xử lý cơ quan báo chí của mình mắc sai phạm. Nhưng vai trò của cơ quan chủ quản lâu nay đang rất mờ nhạt. Điều này, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X và Kết luận 41, Kết luận 68 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí đã chỉ rõ.
Tiếp đến, trách nhiệm quan trọng thuộc về đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí. Cụ thể là tổng biên tập, phó tổng biên tập, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các cơ quan báo chí, các đài phát thanh - truyền hình. Đây là nơi sản xuất ra các sản phẩm báo chí, rất cần tăng cường lực lượng lãnh đạo “vừa hồng vừa chuyên”, vừa có năng lực chuyên môn nghề nghiệp vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Báo chí.
Bên dưới các ban biên tập lớn là các ban biên tập bộ phận, trưởng, phó phòng ban chuyên môn – một lực lượng hết sức quan trọng. Nếu lực lượng này thẩm định tin bài tốt, có trách nhiệm, cẩn trọng, sắc sảo thì tránh được yếu kém, sai phạm, làm cho bộ máy bên trên “khỏe” hơn, lo những việc chiến lược, những vấn đề quan trọng khác.
Tầng nấc nữa là các biên tập viên, phóng viên. Đây thực sự là những cá thể sáng tạo cần phải quan tâm giáo dục họ về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp.
PV: Công chúng thì sao, thưa đồng chí? Làm thế nào để tạo ra “công chúng khó tính”, “công chúng thông minh”, “công chúng văn hóa cao”?
Trong xã hội có những công chúng như thế, chiếm tỷ lệ khá cao. Báo chí coi đó là đối tượng vừa tiếp nhận thông tin vừa là chủ thể lan tỏa những giá trị chân, thiện, mỹ. Đương nhiên, trong một xã hội rộng lớn, chúng ta có nhiều nhóm đối tượng công chúng theo ngành nghề, trình độ, sở thích, giới tính, độ tuổi… Cũng có một bộ phận công chúng thị hiếu bình thường thậm chí tầm thường, nhưng không nhiều. Nếu báo chí chỉ chăm chú phục vụ đối tượng “cá biệt” này thì không thể có một nền báo chí cách mạng, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, thậm chí sa vào yếu kém. Cho nên, trong hoạt động báo chí, rất cần bản lĩnh văn hóa, tầm nhìn văn hóa, ứng xử văn hóa, để từ đó xử lý mọi mối quan hệ, xử lý tin bài, xử lý các hoạt động báo chí với một góc nhìn văn hóa, góc nhìn bền vững.
PV: Đồng chí có đề cập một số bạn nhà báo trẻ mới vào nghề đã sai phạm. Từng là người cầm bút trước khi làm quản lý, đồng chí nhìn nhận mình thời trước đây với các bạn trẻ bây giờ có gì giống và khác nhau?
Theo tôi thì không nên lấy chuyện thế hệ đi trước để áp đặt thế hệ đi sau. Không thể bắt buộc thế hệ đi trước đã làm thế này thì thế hệ đi sau cũng phải làm như thế. Tất nhiên, nhiều điều tốt đẹp luôn là hằng số nhưng khi thời gian khác nhau, bối cảnh khác nhau, điều kiện xã hội khác nhau thì tâm trạng, tâm lý, ứng xử sẽ khác nhau.
Thời cha anh chúng tôi, đến cả thế hệ chúng tôi ra trường làm phóng viên, không có chuyện chọn việc gì và ở đâu. Thời chiến tranh, thông tin bổ ích, hấp dẫn nhất nằm ở tuyến đầu, người phóng viên phải lao lên trận tuyến phía trước thì mới có được thông tin nóng hổi. Ngay trong hòa bình, làm báo mà cứ ru rú trong cơ quan, công sở thì lấy đâu ra tin bài hay. Chúng tôi lên rừng, xuống biển, trong giông bão, trong hoạn nạn, nhiều phóng viên còn hỏng cả máy, bị uy hiếp đến tính mạng… nhưng anh em không nề hà gì. Cuộc sống thời ấy rất thiếu thốn, đói ăn, thiếu mặc nhưng nhu cầu về vật chất không câu thúc như bây giờ. Tất nhiên, bây giờ khác rồi, không thể nói phải ăn như trước đây, mặc như trước đây, nói thế đâu chấp nhận được. Người làm báo bây giờ có thể ăn ngon, mặc đẹp, có xe sang để đi, nhưng đời sống của anh phải bằng lao động chính đáng của anh, sáng tạo trong nghề nghiệp của anh để sống được bằng nghề. Năm vừa qua, nhiều cơ quan báo chí bằng nguồn quảng cáo, tài trợ, hỗ trợ… đã có một cơ ngơi, vốn liếng bề thế. Có cơ quan báo chí thu quảng cáo, tài trợ mỗi năm khoảng 4.300 tỷ. Một số cơ quan báo chí khác cũng thu 1-2 nghìn tỷ, con số hàng trăm tỷ cũng tương đối nhiều. Tất nhiên, bên cạnh đó, có một bộ phận khó khăn. Có cơ quan báo chí phải giảm kỳ xuất bản, giảm số lượng in ấn, phát hành; một số lượng rất ít cơ quan báo chí xin ngừng phát hành để củng cố lại cơ quan báo chí. Như vậy là hợp quy luật. Nếu cơ quan báo chí không nuôi nổi anh em thì nên giải thể, không nên tồn tại lay lắt, hay tồn tại bằng cách chụp giật, chạy theo lối giật gân, câu khách, câu view một cách rẻ tiền, bất chấp đạo đức và pháp luật, lương tâm nghề nghiệp.
Có điều, thời trẻ của chúng tôi, phóng viên được giáo dục và giám sát đạo đức nghề nghiệp thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn, từ cơ quan báo chí của mình đến cơ quan chủ quản. Số lượng phóng viên lúc đó cũng ít, ai đi đâu, làm gì, cơ quan cũng theo dõi, giám sát được. Hiện nay, có cơ quan báo chí hàng 3-4 nghìn người, chuyện kiểm tra, giám sát khó khăn hơn. Quản lý lỏng lẻo, giám sát lỏng lẻo, nên anh em đi xuống cơ sở nhiều khi gây phiền nhiễu, đưa tin sai sự thật, đưa thông tin với dụng ý xấu, đưa thông tin vụ lợi, thậm chí vu cáo, tống tiền. Điều này không còn là cá biệt.
Thời nào cũng thế, những hành động như vậy dứt khoát phải uốn nắn sớm, xử lý kiên quyết, thậm chí đào thải, mời ra khỏi cơ quan báo chí nếu sai phạm nghiêm trọng, lặp đi, lặp lại, không thể để con sâu bỏ rầu nồi canh. Để có đội ngũ nhà báo có đạo đức trong sáng, gương mẫu phải sàng lọc ngay từ trong cơ quan báo chí và uốn nắn ngay từ khi còn học ở nhà trường. Làm báo là làm chính trị, người làm báo, không chỉ là cá nhân mà còn đại diện cho cơ quan báo chí, đằng sau đó là tổ chức của Đảng, Nhà nước, đoàn thể hay một hội, một đơn vị nào đó… Không thể coi mình là “quyền lực thứ tư”, có quyền làm cái này cái kia, lạm dụng quyền tự do ngôn luận để vi phạm đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự của người khác... Ngoài pháp luật quy định cho mỗi công dân, mỗi nhà báo cần phải tuân thủ Luật Báo chí và các quy ước đạo đức người làm báo, trách nhiệm nghề nghiệp, nghĩa vụ công dân…
PV: Hiện nay, trên mạng xã hội có một số diễn đàn dành cho những người làm báo với lượng thành viên tương đối lớn. Các nhóm cộng đồng này cũng thực hiện chức năng tự giám sát với chính bản thân mình và chịu sự giám sát của các đồng nghiệp. Đồng chí có thích thú với xu hướng này không?
Tôi vẫn vào những trang đó xem và lấy thông tin, điều gì tốt, tích cực thì đồng tình. Những trang có tôn chỉ, mục đích tốt, hoạt động tốt, bình luận, đánh giá chính xác có trách nhiệm thì hoan nghênh. Nhưng hoạt động của trang mạng, những diễn đàn cũng phải dựa trên cơ sở quy định pháp luật để tuân thủ, nhất là Luật Báo chí; tránh xu hướng đề ra những luật lệ riêng hay hình thành những nhóm độc lập đứng trên hoặc đứng ngoài luật pháp. Kết hợp giữa tự giác, tự quản của nhóm người, phóng viên, biên tập viên, đồng thời không thể thoát ly khỏi sự lãnh đạo, quản lý của cơ quan báo chí để nâng cao chất lượng, hiệu quả, đi đúng định hướng trong hoạt động báo chí.
PV: Năm 2014, cơ quan quản lý báo chí cũng đã có nhiều động thái quyết liệt hơn trong xử lý các trang mạng và các sai phạm trên báo chí. Dư luận rất hoan nghênh, nhưng cũng có ý kiến cho rằng như thế là “mạnh tay”, “quản không được thì cấm”, đồng chí nghĩ sao?
Tôi cho những xử lý đó là cần thiết, không phải là mạnh tay. Trước đây chúng ta chưa làm hoặc làm ít, làm chưa triệt để thì bây giờ chúng ta cần phải làm để tạo dựng môi trường văn hóa báo chí lành mạnh, không để cho xu hướng tiêu cực, quá trớn như vậy phát triển, lây lan.
Nguyên tắc của hoạt động báo chí, truyền thông là vi phạm thì phải chấp nhận các chế tài xử lý. Ngay các trang tin dù chưa phải cơ quan báo chí, nhưng khi đã hoạt động cung cấp thông tin cho xã hội thì các đối tượng này vẫn nằm trong khuôn khổ của những chế tài, quy định của pháp luật.
Báo chí phải tràn đầy chất văn hóa
PV: Trước những biểu hiện phản văn hóa của báo chí, gần đây cụm từ “văn hóa báo chí” hay “văn hóa trong báo chí” được đề cập nhiều. Vậy thưa đồng chí, nên hiểu thế nào về nội hàm của những cụm từ này?
Hoạt động báo chí là hoạt động sáng tạo hướng đến con người, vì con người, cho con người; mục đích, nhiệm vụ là xây dựng nhân cách con người, tâm hồn con người, trí tuệ, bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam. Cho nên báo chí luôn luôn phải tràn đầy chất văn hóa, trong từng câu chữ, trong mỗi bức ảnh, mỗi tiêu đề, bố cục một trang báo, tờ báo, thời lượng, nội dung chương trình…
Vừa rồi, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã ra Nghị quyết 33 khẳng định quan điểm mới, đúng đắn, có tầm nhìn xa, hết sức quan trọng là: Văn hóa luôn luôn phải được đặt ngang hàng với chính trị - xã hội – kinh tế. Trong kinh tế phải có văn hóa, trong chính trị cũng phải có văn hóa, trong văn hóa cũng phải có kinh tế - chính trị. Như vậy, văn hóa có quan hệ rất bền chặt, hữu cơ, tác động qua lại với các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.
Văn hóa trong báo chí tức là không được biến sản phẩm báo chí thành một loại hàng hóa tầm thường, thuần túy. Sản phẩm báo chí được làm ra để phục vụ đời sống con người, do đó có thuộc tính hàng hóa, nhưng phải khẳng định ngay đó là dạng hàng hóa đặc biệt, đặc thù. Báo chí là kết tinh của văn hóa vậy nên một tác phẩm báo chí dù lớn, nhỏ, dù đăng tải trên loại hình hay phương tiện nào cũng phải phản ánh chân thực cuộc sống, đề cao chân, thiện, mỹ; đấu tranh, đẩy lùi, loại bỏ cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, phản văn hóa; góp phần xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện, bền vững. Cho nên, báo chí phải có tính nhân văn, khoa học, cách mạng, thì mới phát triển đúng định hướng và vững chắc.
PV: Chỉ ra, phê phán, góp ý về những khiếm khuyết, yếu kém, những bức xúc xã hội nhất là những phản biện xã hội của báo chí được công chúng đặc biệt quan tâm. Có một số người cho rằng, gần đây, báo chí có vẻ né tránh, chùn bước trong mặt trận đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, vì thế thể loại điều tra thưa vắng dần. Vậy “hành lang an toàn” nào cho báo chí để vừa phát huy được vai trò đấu tranh chống tiêu cực, vừa bảo vệ, nhân rộng, cổ vũ cái tốt đẹp, vừa không sa đà vào giật gân, câu khách?
Khi nói đến điều tra, nhiều người cứ nghĩ điều tra là tìm ra cái xấu xa, tiêu cực. Nhưng thể loại điều tra còn cho phép người làm báo nắm sâu, phản ánh sâu cái tốt đẹp, cái nổi bật của cuộc sống mà dư luận cũng hết sức quan tâm.
Trong cuộc sống, không ai chia được 40-60, 50-50, hay 60-40, hay tỷ lệ nào đi nữa. Nhưng, bằng một cách vừa định tính vừa ít nhiều định lượng thì chắc chắn, cuộc sống này, xã hội này, mảng sáng vẫn luôn nhiều hơn mảng tối, tích cực nhiều hơn tiêu cực, nhân tố mới vẫn tiếp tục sinh sôi, đẩy lùi thói hư, tật xấu, cái lạc hậu, cũ kỹ. Có như thế, theo quy luật phát triển, thì cuộc sống mới vận động đi lên. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào cái xấu, phơi bày toàn cái xấu, cái ác thì cái xấu, cái ác sẽ thành chủ đạo, bao trùm lên đời sống xã hội. Sa vào những yếu kém, thói hư, tật xấu, miêu tả những vụ án ly kỳ, rùng rợn, kinh hoàng trong xã hội, thậm chí giật tít, trình bày ảnh thật to, thật sốc, đưa lên đầu các trang nhất của báo in, giao diện “mặt tiền” của báo điện tử sẽ tạo ra bức tranh u ám, bi quan về xã hội. Đó là cách làm báo rất đáng phê phán.
Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí không những không cấm báo chí, điều tra, phát hiện, đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng mà còn luôn khuyến khích, bảo vệ. Nhưng phải có một phương pháp luận, phải có sự cân đối nhất định về liều lượng thông tin, lấy xu hướng phát triển hướng đến cái tốt đẹp, lành mạnh của xã hội để cơ cấu thông tin. Đó là vấn đề nhận thức, quan điểm và cũng là vấn đề phương pháp luận mà hoạt động báo chí phải vận dụng và thực hiện.
PV: Trong một tọa đàm nhỏ gần đây có tên “Báo chí và sự tử tế”, có người nói rằng: Thế giới cũng có lúc người ta bị ngập trong đống thông tin không kiểm chứng. Nhưng 3 năm trở lại đây, báo chí như một bộ lọc tin kéo công chúng quay trở lại. Báo chí truyền thông Việt Nam cũng sẽ tự thanh lọc như một tất yếu. Đồng chí có lạc quan về tương lai này không?
Điều đó không tự đến. Đừng có nghĩ một cơ quan báo chí, một bộ phận người làm báo đi chệch khỏi quỹ đạo một thời gian rồi sẽ trở lại quỹ đạo đó. Nó phải có sự tác động nào đó từ các tổ chức, cá nhân có uy tín trong xã hội, thậm chí phải chịu sự tác động của những chế tài, pháp luật. Những trang tin có xu hướng tiêu cực, sa đà chuyện giật gân, câu view, câu khách do cá nhân, nhóm người hình thành, duy trì mà hy vọng nó tự trở lại tốt như trước đây thì giống như người nằm mơ. Vẫn phải có biện pháp tác động nào đó, tác động nhẹ nhàng, có lý có tình, đúng luật, nói rõ lẽ phải, trái, đúng, sai, nên, không nên. Con người ta tuyệt đại bộ phận đều hướng đến chuẩn mực của xã hội, từ cá nhân cũng như tổ chức đều hướng đến chuẩn mực xã hội về đạo đức, lý tưởng thẩm mỹ, nhưng cũng có người lệch chuẩn. Cũng có người nhận thấy mình lệch chuẩn thì họ quay lại. Nhưng không ít người không thể hoặc không muốn nhận ra. Điều này cũng không quá khó hiểu, không có gì là siêu hình.
Quy hoạch để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn
PV: Chúng ta đang “tái cơ cấu” rất nhiều lĩnh vực. Báo chí cũng cần phải “tái cơ cấu”. Đồng chí có thể cho biết thêm về quan điểm, định hướng quy hoạch báo chí tới đây?
Quy hoạch báo chí phải tính đến những thay đổi to lớn, mạnh mẽ, phức tạp của báo chí những năm gần đây, đặc biệt là báo điện tử, các loại hình truyền thông đa phương tiện, sự tích hợp nhiều loại hình báo chí trong một cơ quan báo chí, là mạng xã hội, là các phương tiện truyền thông khác trên internet.
Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là quy hoạch để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, tốt hơn, đúng định hướng và vững chắc hơn. Theo đó, vừa tính đến số lượng cơ quan báo chí hợp lý, nhưng đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo. Vừa tạo điều kiện cho cơ quan báo chí và người làm báo hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích, đồng thời kiên quyết xử lý những xu hướng, khuynh hướng lệch lạc, tiêu cực, yếu kém, thiếu nhân văn trong báo chí.
Về cơ bản, quy hoạch chú trọng đến cái nhìn mang tính hệ thống, toàn diện hơn, tầm nhìn lâu dài hơn.
PV: Khép lại năm 2014, bước sang năm 2015, báo chí cách mạng Việt Nam trải qua 90 mùa xuân. Theo đồng chí, phương châm nào những người làm báo nên “khắc cốt ghi tâm”?
Mỗi người sẽ có một câu trả lời của riêng mình. Theo tôi, hàm súc nhất, đúng nhất vẫn là bốn từ: cách mạng, chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại.
Trước tiên, cần luôn luôn xác định nền báo chí của ta phải thực sự là báo chí cách mạng. Tôi dùng từ “thực sự”, vì có những tờ báo, trang báo không phải bao giờ cũng mang đầy đủ tính chất cách mạng như nội hàm rất đẹp của từ này. Thứ hai, phải chuyên nghiệp hơn vì có nhiều cơ quan chưa chuyên nghiệp, làm báo chụp giật, chăm chú phục vụ bộ phận độc giả thị hiếu tầm thường. Thứ ba là chính quy hơn. Thứ tư là hiện đại hơn. Có như vậy mới tạo nên những sản phẩm tôn trọng bạn đọc, làm nên thương hiệu của cơ quan báo chí, một nền báo chí ở tầm cao văn hóa của những nhà báo giỏi nghề, vững nghiệp, trọng văn hóa, sát cánh đồng nghiệp, đồng hành cùng nhân dân, cùng đất nước vững bước tiến về phía trước.
PV: Cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện rất thú vị này!
Thu Thanh (thực hiện)