*Cú hích cho những người làm báo
Trong không khí tưng bừng, trang trọng của Lễ trao giải, trên gương mặt những đại biểu tham dự, từ lãnh đạo các cơ quan báo chí đến các phóng viên, biên tập viên, ai nấy đều hân hoan, vui vẻ, tay bắt mặt mừng. Nhiều nhà báo, phóng viên đã quen thân từ lâu, có người mới chỉ biết nhau qua những dòng tin, trang viết hoặc lần đầu gặp mặt nhưng câu chuyện của những người cùng nghề khiến họ trở nên đồng cảm, gần gũi một cách tự nhiên.
Như thường lệ, Lễ trao giải năm nay diễn ra tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội), tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm xuất sắc với 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C và 29 giải Khuyến khích. Đây đều là những tác phẩm xuất sắc, có chất lượng cao về tư tưởng, chính trị nội dung và hình thức thể hiện. Các tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia 2017 có chất lượng khá đồng đều, phản ánh khách quan, toàn diện tình hình đất nước, có tính định hướng dư luận xã hội, nhiều tác phẩm có hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết.
Anh Đồng Mạnh Hùng, Giám đốc Hệ Thời sự, Chính trị, Tổng hợp (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam không giấu nổi niềm vui, sự tự hào khi lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Giải Báo chí Quốc gia, VOV1 giành được 2 giải A (trong tổng số 8 giải A) của mùa giải năm nay. Trong đó, anh là đồng tác giả của tác phẩm giải A, tọa đàm phát thanh trực tiếp “Tinh giảm bộ máy chính trị - đổi mới trước hết bắt đầu từ cấp trên”.
Anh chia sẻ: Giải thưởng là nguồn động viên lớn với đội ngũ phóng viên, biên tập viên VOV1 vì đã đạt đến “đỉnh cao” nghề nghiệp, đánh giá đúng công sức của tập thể những người tạo ra sản phẩm. Đồng thời, đây cũng là cú hích, tạo cảm hứng cho các phóng viên, biên tập viên tiếp tục làm tốt hơn công việc của mình. Sau mỗi mùa giải, bản thân mỗi người làm báo phát thanh luôn thấy cần cố gắng hơn nữa để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, cách thể hiện thuyết phục hơn trên sóng phát thanh để đủ sức đứng vững trong quá trình cạnh tranh với các loại hình truyền thông hiện nay.
Anh Đồng Mạnh Hùng bày tỏ: Hiện nay, công chúng, nhất là giới trẻ thường quan tâm đến các thông tin độc, lạ, mới, gắn liền với đời sống hơn là những vấn đề chính trị khô cứng. Để chuyển tải những vấn đề chính trị một cách nhẹ nhàng, dễ nghe, dễ hiểu nhất đến công chúng không phải là việc đơn giản. Vì vậy, người làm báo muốn tạo ra tác phẩm lôi cuốn công chúng, trước hết phải đọc, hiểu, lựa chọn những vấn đề mới, góc tiếp cận được nhiều người quan tâm, sát với thực tế cuộc sống. Lợi thế của phát thanh là tạo được sự tương tác với người nghe. Do vậy, người làm phát thanh cần dựa vào lợi thế, truyền tình cảm đến người nghe từ giọng đọc, cách thể hiện nhẹ nhàng, tạo hiệu quả thông tin cao nhất.
*Đầu tư bài bản, công phu
Một trong những nét nổi bật của giải năm nay là sự đầu tư công phu, bài bản, có tính chuyên nghiệp cao trong hình thức thể hiện, sử dụng công nghệ báo chí hiện đại. Tiêu biểu như chùm tác phẩm “Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Định hình khuôn khổ hợp tác đa phương đa dạng” đoạt giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Nhật, Võ Hoàng Long, Đồng Lê Huy (Liên chi hội Thông tấn xã Việt Nam).
Nhà báo Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) cho biết: Với tính chất đặc biệt, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 29-31/5/2017 là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ. Đây cũng là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ từ khi hai nước có lãnh đạo mới. Báo điện tử VietnamPlus đã thực hiện một sản phẩm báo chí công phu theo phong cách hoàn toàn mới, nêu bật được tầm quan trọng của sự kiện, thể hiện được tính đa phương tiện của báo điện tử (hình ảnh, video, đồ họa...), bắt kịp xu hướng nổi trội của báo chí thế giới hiện nay là báo chí dữ liệu (data journalism), báo chí thị giác (visual journalism)...
Cách trình bày này thể hiện được quy mô, tầm vóc của chuyến thăm, giúp độc giả nắm bắt được đầy đủ các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong 3 ngày làm việc đầy năng lượng trên đất Hoa Kỳ. Sản phẩm đã tạo được hiệu quả thông tin lớn, gây được tiếng vang, đạt lượng truy cập, chia sẻ lớn trên mạng xã hội. Sản phẩm báo chí này cũng làm nổi bật thế mạnh của Thông tấn xã Việt Nam với tư cách là cơ quan truyền thông chính thức của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, xứng đáng là đơn vị báo chí đầu ngành của cả nước.
Trong số các tác giả về dự Lễ trao giải, chúng tôi được dịp gặp các nhà báo mang quân hàm xanh, đến từ báo Quân đội nhân dân, với loạt bài chuyên luận đạt giải A “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
Trung tá, Nhà báo Hồ Quang Phương, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Xã hội - Nội chính, Báo Quân đội nhân dân chia sẻ: Loạt bài ra đời trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng. Nhóm tác giả đã thực hiện loạt bài này để bàn về các nội dung quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường tại Việt Nam. Loạt bài đã đề cập đến các nội dung lớn mà sau đó xuất hiện trong ba Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5. Đặc biệt, bài 5 đã đề cập đến việc quyết liệt chống chệch hướng sang chủ nghĩa tư bản thân hữu, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm. Đó là yêu cầu sống còn để bảo đảm các thành quả của công cuộc xây dựng kinh tế sẽ được phân bổ hài hòa, hợp lý trong xã hội, đến được với mọi người, đặc biệt là quan tâm đến những người nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
Đây là lần thứ hai Nhà báo Hồ Quang Phương đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia. Anh cho rằng, đó là món quà dành tặng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ với nghề. Nhà báo Hồ Quang Phương cho biết: Khó khăn lớn nhất khi viết các bài chuyên luận, chính luận là người viết phải có hướng tư duy đúng, rồi từ đó bằng kiến thức, thông tin, vốn sống và lập luận chặt chẽ, người viết đưa ra các quan điểm thuyết phục được độc giả. Những điều này không có sẵn mà cần một quá trình tích lũy, suy nghĩ lâu dài...
*Dấn thân vì mỗi thước phim, bức ảnh, dòng tin
Một trong những tác phẩm được đánh giá có hiệu quả tác động xã hội tốt khi sớm nhận được sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đó là loạt bài: “Vụ phá rừng quy mô lớn tại Bình Định” của Liên chi hội Thông tấn xã Việt Nam, đoạt giải B.
Nhà báo Quốc Dũng ( Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Bình Định) chia sẻ: Khi làm đề tài này, nhóm phóng viên luôn nỗ lực hết mình theo chân lý, lẽ phải, góp tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quý giá. Đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia là phần thưởng hết sức vinh dự, tự hào mà những người thực hiện chùm bài viết không nghĩ tới.
Nhà báo Quốc Dũng tâm sự: Trong quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên TTXVN gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận hiện trường. Địa điểm rừng bị phá rất khó xác định, chính quyền và kiểm lâm địa phương cố tình che giấu, trốn tránh trách nhiệm. Nhóm phóng viên đến hiện trường đã phát hiện các khoảnh rừng bị tàn phá nằm trên địa bàn giáp ranh giữa ba huyện miền núi của Bình Định và Quảng Ngãi, không thể tự tìm kiếm, người dân địa phương sợ lâm tặc nên không ai dám dẫn đường. Nhóm phóng viên đã nhiều lần liên lạc, dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để buộc các ngành chức năng phải hợp tác, lực lượng kiểm lâm địa phương phải miễn cưỡng dẫn đường.
Trái với báo cáo của kiểm lâm, càng vào sâu, càng xuất hiện những gốc cây to, tiết diện lớn, lâu năm bị chặt hạ, số gỗ đã được chuyển ra ngoài. Nhóm phóng viên tiếp tục cùng lực lượng chức năng thâm nhập hiện trường vụ phá rừng và lần theo dấu vết của xe cơ giới, tới khu vực lán trại của lâm tặc. Tại đây, lâm tặc đã ngang nhiên dựng trại, mở đường, huy động xe cơ giới, trang thiết bị phá rừng hiện đại nên mới có thể phá trắng diện tích rừng lớn đến hơn 60 ha. Sau khi loạt bài được đăng tải, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh Bình Định xử lý nghiêm vụ việc, các cơ quan chức năng trong tỉnh đồng loạt vào cuộc điều tra. Cùng lúc đó, nhóm phóng viên nhận được nhiều cuộc gọi đáng ngờ, khi muốn hẹn gặp, khi ngầm đe dọa. Trưởng Cơ quan Thường trú TTXVN tại Bình Định Phạm Kha đã chỉ đạo các phóng viên kiên quyết theo vụ việc đến cùng, chỉ ra những lỗ hổng trong công tác phối hợp bảo vệ rừng và công tác điều tra của lực lượng chức năng. Kết quả, kẻ cầm đầu đường dây phá rừng đã phải tra tay vào còng số 8, hàng loạt cán bộ huyện, cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật, buộc thôi việc...
Mỗi câu chuyện về nghề mà các nhà báo chia sẻ tại Lễ trao giải là những mảnh ghép khác nhau của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội, có những thuận lợi, khó khăn, sự dấn thân và hy sinh với nghề để có được những sản phẩm báo chí chất lượng, mang hơi thở cuộc sống và thời đại.
Sau Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia, các phóng viên, nhà báo sẽ lại tỏa đi khắp mọi miền đất nước và đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, hòa vào guồng quay công việc để tiếp tục ghi lại những dấu ấn quan trọng, vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, cho ra đời nhiều hơn nữa các tác phẩm báo chí tâm huyết, sáng tạo và đặc sắc.../.