Thứ Hai, 6/5/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 20/6/2018 10:39'(GMT+7)

Ninh Bình nâng cao chất lượng công tác lịch sử Đảng

Tại hội nghị, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đã quán triệt nội dung các văn bản trên của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII). 
 

Khẳng định công tác lịch sử Đảng và việc học tập, nghiên cứu, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình  -Trần Hồng Quảng nhấn mạnh, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, Tỉnh ủy Ninh Bình chỉ đạo các cấp ủy Đảng nâng cao số lượng, chất lượng các công trình lịch sử trên địa bàn toàn tỉnh và từng bước xây dựng đề án số hóa tư liệu lịch sử… 


Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ về những giá trị, nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đồng thời đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác nghiên cứu, học tập và giảng dạy lý luận chính trị theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, “học đi đôi với hành”. 

Sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), hoạt động nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương và lịch sử truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác sưu tầm, lưu trữ, bảo quản tư liệu, tài liệu được quan tâm đúng mức và được phân loại theo địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực... Quy trình nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản các ấn phẩm, công trình lịch sử diễn ra chặt chẽ thông qua việc tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến đóng góp, cấp giấy phép xuất bản ấn phẩm… 

Đến nay đã có 5 công trình, ấn phẩm lịch sử với nhiều thể loại do Tỉnh ủy Ninh Bình chỉ đạo biên soạn và 28 công trình do các ban, sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh chỉ đạo biên soạn, xuất bản. 100% huyện, thành phố hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ và 134/145 xã, phường, thị trấn đã biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng. Các công trình đã biên soạn, xuất bản được đánh giá có nhiều tiến bộ về chất lượng, đảm bảo được tính Đảng, tính khách quan, khoa học, thống nhất nội dung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử đảng bộ tỉnh Ninh Bình. 

Nhiều công trình đã chú ý đến tổng kết thực tiễn địa phương và được đưa vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị trên địa bàn tỉnh với nội dung, hình thức phù hợp với từng cấp, từng đối tượng. Tỉnh Ninh Bình cũng đã đầu tư kinh phí xây dựng một số công trình lịch sử nhằm tri ân công lao, đóng góp của các bậc tiền nhân, tiền bối cách mạng, đồng thời góp phần tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 

Nhân dịp này, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lịch sử Đảng cho 4 cá nhân có thành tích trong công tác lịch sử Đảng và UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen cho 20 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX)./. 

TG
 

 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất