Tranh luận về báo “lá cải” hay tính "lá cải" của báo chí đã để lại trong lòng bạn đọc những băn khoăn và những suy nghĩ trái chiều. Lẽ nào trong nền báo chí cách mạng Việt Nam lại có thể tồn tại thứ báo chí được gọi là “lá cải” ấy? Trách nhiệm xã hội và trách nhiệm công dân của người cầm bút đâu rồi?
Trước hết cần khẳng định, các tờ báo ở nước ta đều là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân; đã và đang có những đóng góp tích cực, góp phần động viên, cổ vũ toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng. Báo chí cũng là kênh thông tin giáo dục, tuyên truyền, định hướng và phản ảnh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Mỗi tờ báo có tôn chỉ mục đích, đối tượng độc giả cụ thể và trong giai đoạn bùng nổ thông tin này, người làm báo càng phải nâng cao trách nhiệm trước bạn đọc và xã hội.
Tuy nhiên, trong dòng chảy chung ấy cũng phải nghiêm túc nhìn nhận có những bài báo, những chuyên mục được một số tờ báo duy trì để đáp ứng nhu cầu thị hiếu không lành mạnh của một bộ phận bạn đọc. Không ít bài báo câu khách với cách “giật tít” đánh vào trí tò mò; nhiều vụ việc tiêu cực xã hội được thổi phồng quá mức vô tình đã tác động xấu đến suy nghĩ, hành động của người dân, nhất là thế hệ trẻ. Sẽ là một lăng kính xã hội méo mó, sai lệch, gây hoài nghi trong xã hội khi các vụ “cướp, giết, hiếp” được phản ánh tràn lan qua báo chí trong khi những nhân tố mới, những tập thể điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, các sự kiện văn hóa chính trị, lịch sử… lại chưa được quảng bá hoặc tuyên truyền một cách sâu sắc và thuyết phục. Về những khiếm khuyết, thiếu sót này, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, phê phán và thậm chí xử phạt theo luật báo chí những cơ quan báo chí và cá nhân vi phạm quy định về đạo đức người làm báo. Hiện tượng này cũng đã được nghiêm túc mổ xẻ, phân tích trong Hội nghị báo chí toàn quốc diễn ra hồi cuối tháng 3-2012 tại Quảng Ninh khi chỉ ra đến 13 hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của báo chí Việt Nam đương đại, chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí và đi đến thống nhất quyết liệt tìm biện pháp khắc phục…
Trước ngưỡng cửa 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nghiêm túc nhìn lại những thiếu sót khuyết điểm, những người làm báo cần tự soi mình theo những quy định về đạo đức người làm báo, góp phần tích cực lành mạnh hóa môi trường báo chí nước nhà, thiết thực cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cơ quan báo chí cũng như người làm báo cần ghi nhớ và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ với những người viết báo nước ta, mỗi khi cầm bút cần hiểu rõ: Viết cái gì, viết cho ai và viết để làm gì? Bạn đọc tin tưởng và có quyền đòi hỏi từ các phương tiện thông tin đại chúng những thông tin trung thực, lành mạnh thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ, hướng con người đến những tiêu chuẩn chân, thiện, mỹ… Báo chí phải đặt lên hàng đầu mục tiêu giữ vững niềm tin của công chúng và bạn đọc mới có thể hoàn thành sứ mệnh của mình./.
(Theo: Đức Nghĩa/QĐND)