Thứ Năm, 26/12/2024
Thi đua yêu nước
Chủ Nhật, 21/6/2009 7:52'(GMT+7)

Báo chí và phong trào thi đua

Nhà báo lão thành Hữu Thọ

Nhà báo lão thành Hữu Thọ

Công tác tư tưởng có nhiều nội dung. Chỉ xin đề cập một vấn đề: Báo chí với phong trào thi đua. Các cơ quan truyền thông đại chúng có vai trò rất quan trọng đối với phong trào thi đua. Với chức năng chủ yếu là tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể, thì một nội dung của chức năng tổ chức là báo chí có khả năng tổ chức các phong trào quần chúng rộng lớn hướng tới mục tiêu phấn đấu của Tổ quốc trong từng thời kỳ.
 Hồ Chủ tịch, người thầy của báo chí cách mạng nước ta đã từ lâu thấy rõ vai trò quan trọng của báo chí và mối quan hệ khăng khít giữa báo chí và phong trào thi đua. Trong 24 năm giữ cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước khi Đảng lãnh đạo chính quyền (1945-1969), bên cạnh những bài phát biểu tổng kết công tác, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cán bộ, công chức với tư cách lãnh tụ Đảng, dân tộc và nguyên thủ quốc gia, có tác giả đã thống kê thấy Người viết tới 1.300 bài báo với các bút danh khác nhau. Đặc biệt, một số phong trào thi đua rộng lớn có dấu ấn lịch sử như phong trào “Tết trồng cây”, phong trào “Thi đua với Đại phong” trong nông nghiệp đều bắt nguồn từ bài báo của Hồ Chủ tịch, ký bút danh của nhà báo. Điều đó cho thấy, Hồ Chủ tịch thấy rõ vai trò báo chí rất quan trọng đối với việc cổ vũ, tổ chức phong trào thi đua rộng khắp. Người không chỉ khuyên bảo, nhắc nhở giới báo chí mà còn tự viết bài cổ vũ phong trào thi đua.

Trong mỗi thời kỳ cách mạng, phong trào thi đua có những mục tiêu khác nhau, hứơng tới thực hiện mục tiêu của dân tộc trong từng thời kỳ. Nếu khởi đầu từ cách đây 60 năm, trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, phong trào thi đua nhằm “Chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, rồi “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thì ngày nay là hướng tới mục tiêu dân giaìu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Rồi trên cơ sở mục tiêu chung của đất nước, lại có mục tiêu riêng của từng ngành, từng địa phương với những khẩu hiệu rất phong phú làm rung động lòng nguời.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, về lĩnh vực kinh tế và quan hệ quốc tế, chúng ta quyết tâm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, tránh tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước xung quanh, phát triển kinh tế bền vững, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Nâng cao sức cạnh tranh về kinh tế đang là hướng phấn đấu rất quan trọng trong lúc này. Phong trào thi đua có nội dung đẩy mạnh quá trình tăng cường sức cạnh tranh, do đó có mối quan hệ chặt chẽ giữa thi đua và cạnh tranh. Nhưng theo tôi nghĩ, tăng sức cạnh tranh về kinh tế là nội dung quan trọng của phong trào thi đua trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng không phải là toàn bộ nội dung của phong trào thi đua, vì phong trào thi đua nhằm phát huy mọi tiềm năng của mỗi người, mỗi tập thể và cả quốc gia toàn diện hơn, không chỉ nâng cao sức cạnh tranh về kinh tế mà còn nhằm phát triển toàn diện cả kinh tế, văn hoá, môi trường, không chỉ nhằm nâng cao đời sống vật chất mà còn làm phong phú đời sống tinh thần, xây dựng con người mới, bảo vệ và phát triển môi trường tự nhiên, cũng là để phát triển kinh tế hài hoà, bền vững, đúng định hướng.

Khẳng định tác dụng to lớn của báo chí với phong trào thi đua, cũng cần thẳng thắn đánh giá những mặt làm được to lớn cũng như những gì chưa làm được, thậm chí có sai sót để làm tốt hơn trong thời gian tới. Là người đã từng gắn bó ngòi bút của mình với nhiều phong trào thi đua, thành công cũng nhiều mà thất bại cũng không ít, đã cho tôi thấy ra những điều cần tâm sự với các bạn đồng nghiệp.

Ngòi bút cổ vũ phong trào thi đua là phải hướng tới các gương tiên tiến, đặc biệt từ khi là cái nụ, cái mầm chứ không chờ tổng kết, khi đã khai hoa kết trái. Nêu gương tốt có tác dụng to lớn trong việc cổ vũ mọi người làm theo để từ cái tốt cá biệt thành phong trào “Người tốt, việc tốt” và việc nêu các tấm gương có tác dụng cổ vũ phong trào cách mạng của nhân dân gấp trăm bài diễn thuyết tuyên truyền như Hồ Chủ tịch đã đề cập từ năm 1924.

Tuy nhiên, tiếp cận và đánh giá đúng các điển hình tiên tiến lại không đơn giản, trước hết từ bệnh phô trương thành tích, làm láo báo cáo hay với những mục đích xấu xa khác nhau mà Bác Hồ đã từng phê phán. Có nhiều trường hợp thổi phồng thành tích, nhưng cũng có trường hợp giả mạo từ không thành có, từ xấu thành tốt. Không ít khi những thành tích giả dối đó được “xác nhận nhầm” của cấp trên vì những lý do khác nhau, khi là mắc bệnh quan liêu, quá tin vào cấp dưới, thiếu kiểm tra, khi là do cảm tình cá nhân, thậm chí vụ lợi. Thành tích giả dối đó được thông tin trên báo chí sẽ nhân lên sự giả dối, có khi đánh lừa cả cấp trên cao nhất để được tặng danh hiệu vinh quang này nọ, cất nhắc người phụ trách và lừa gạt nhân dân, gây thiệt hại cho nhiều người. Thời chúng tôi làm báo cũng từng mắc khuyết điểm đó. Thời nay, một số đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới bị đổ vỡ vì những báo cáo gian dối. Một số công ty phát hành cổ phiếu với những báo cáo tài chính không trung thực làm thiệt hại những nhà đầu tư, không thể không có trách nhiệm của một số nhà báo góp tay quảng bá cho những thành tích giả đó. Tìm hiểu cho thật chính xác các thành tích trước khi cầm bút viết biểu dương là lời dặn dò của các bạn đồng nghiệp chân chính. Tuy nhiên, đó là những việc làm không dễ, liên quan tới kiến thức, phong cách và cả đạo đức nghề nghiệp của người làm báo để sẵn sàng khước từ mọi sự cám dỗ khi tiếp cận thực tiễn.

Thực tiễn, cho dù là những đơn vị, con người tiên tiến thì tuy có mặt tốt cơ bản nhưng cũng có mặt chưa tốt, thậm chí xấu. Một số bài viết không nói tới những thiếu sót, những mặt còn hạn chế, miêu tả như một đơn vị, một con người hoàn hảo. Chính những bài báo đó đã không phản ánh thực tiễn đúng như nó có, do đó làm cho người đọc, người xem nghi ngờ, bài báo thiếu tác dụng.

Nêu gương tiên tiến không chỉ có ý nghĩa nêu gương đơn vị này, người kia mà mục đích cuối cùng là cổ vũ làm theo để tăng hiệu quả xã hội, hướng tới mục tiêu của dân tộc. Gương tốt thì phải đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao thì mới có thể thu hút mọi người làm theo. Nhưng dù có nêu hiệu quả xã hội cao thì mới chỉ tạo nên sự hồ hởi muốn làm theo. Song, điều quan trọng là làm theo bằng cách nào. Nhiều nhà xã hội học đã nói: Phải tạo ra những nguyên nhân để có thể đạt được kết quả tương ứng. Do đó, những bài báo nêu gương điển hình tiên tiến muốn đạt được, việc không chỉ cổ vũ mà còn hướng dẫn mọi người làm theo để đạt hiệu quả thì bên cạnh việc nêu gương chính xác như trên đã đề cập còn phải phân tích đúng nguyên nhân thành công cũng như thất bại để hướng dẫn mọi người nên làm theo cái gì và tránh cái gì. Nhưng làm được việc này lại không đơn giản, vì mỗi công việc, con người thành đạt có những nguyên nhân khác nhau, có các nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan, có vai trò tập thể và cũng có đóng góp, thậm chí đóng góp quan trọng của cá nhân. Không đi sâu tìm hiểu, phân tích kỹ càng thì sẽ chỉ ra những nguyên nhân một chiều theo ý muốn chủ quan nào đó. Chỉ ra không đúng nguyên nhân thì có muốn làm theo cũng không thể đạt kết qua,ã do đó, vai trò tổ chức của báo chí sẽ hạn chế. Đó là chưa kể, khi chỉ ra những nguyên nhân không đúng, có thể do kém kiến thức hoặc do ai lái theo, còn có thể gây hiểu lầm, mâu thuẫn nội bộ của đơn vị được biểu dương.

Mục tiêu của việc cổ vũ phong trào thi đua không chỉ “tạo ra khí thế sôi nổi” mà phải tạo ra hiệu quả kinh tế, xã hội. Kết quả của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là phải ngăn chặn được tham nhũng, lãng phí và giảm bớt nhũng nhiễu nhân dân, doanh nghiệp, chứ không thể đánh giá bằng các buổi học tập và các phong trào bề nổi theo kiểu cổ động. Biểu dương không đúng có thể tạo nên “khí thế sôi nổi” nhất thời, nhưng thực tế, đó là giả dối hoặc tiếp tay cho sự lừa lọc làm cho không chỉ đơn vị đó mà ngay người viết về nó cũng bị mất lòng tin. Còn chỉ dừng lại ở sự biểu dương, không đi sâu phân tích đúng đắn nguyên nhân hoặc cao hơn, rút ra những bài học kinh nghiệm chính xác thì tác động của việc làm này cũng đọng lại ở sự cổ vũ, chứ không tới mức hướng dẫn làm theo như bản thân công tác báo chí cũng như phong trào thi đua mong muốn./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất