Bên nhà sàn, cạnh nồi bắp mới luộc, gọi là chút hương vị cây nhà lá vườn mời khách, ông kể: Tôi làm cộng tác viên dân số như một duyên phận.
Làm cộng tác viên dân số như duyên phận...
Lần ấy khi đưa vợ đến trạm y tế sinh đứa con thứ 8, vợ ông vì tuổi cũng đã ngoài 40, sức lại yếu do sinh đẻ dày, nên bị băng huyết suýt chết. Bồng đứa con đỏ hỏn trên tay, được nghe chị cán bộ trạm y tế kiêm chuyên trách DS-KHHGĐ nói chuyện về hậu quả của việc sinh nhiều con, nhìn đứa trẻ trên tay, ông cảm thấy sợ và hối hận quá! May mà mẹ nó được chị cán bộ y tế cứu sống, chứ không thì một mình ông nuôi 8 đứa con, đứa lớn nhất mới 17 tuổi thì sẽ sống ra sao đây?
Đón vợ về nhà được mấy tháng, vừa hay chị cộng tác viên dân số ở làng ông xin nghỉ vì điều kiện gia đình, thế là ông nhận làm cộng tác viên dân số từ năm 1998 đến nay. Nguyên là giáo viên dạy cấp I, cũng có chút chữ nghĩa, lại là người dân tộc Bah Nar, hiểu các phong tục địa phương, nhưng ông biết, không ít khó khăn sẽ phải đương đầu.
Đê Hrel là làng thuần nông, 100% bà con là người Bah Nar, trình độ dân trí thấp. Số người học đến cấp I, cấp II chỉ đếm trên đầu ngón tay, một gia đình sinh từ 5 - 8 đứa con là chuyện bình thường. Cứ vài ba tháng, trong làng lại có người chết vì băng huyết, vì các tai biến sản khoa do sinh đẻ nhiều, lại làm việc quá sức, không có điều kiện bồi bổ cơ thể. Ngày xưa, hủ tục còn nặng nề, người mẹ chết rồi thì theo phong tục đứa trẻ cũng phải chết theo mẹ, còn những đứa khác thì mồ côi khi cha đi lấy vợ khác.
Ông nhớ lại: “Thời tôi bắt đầu làm cộng tác viên dân số, do ở làng lúc đó có rất ít người sử dụng biện pháp tránh thai, nên tỷ lệ sinh tăng rất nhanh. Tôi bắt tay ngay vào việc vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch. Mình là đàn ông nên tôi nói chuyện với các ông chồng trước, sau đó mới tới các bà vợ. Làng Đê Hrel hồi tôi mới làm cộng tác viên dân số chỉ vài người sử dụng viên uống tránh thai, nay cả làng có 62 hộ, 388 nhân khẩu, đã có 82 người sử dụng thuốc uống tránh thai và tiêm thuốc tránh thai, nhờ thế mà tỷ lệ sinh ở làng mấy năm nay đã giảm”.
Bí quyết của “ông dân số”
Thế mà đã thấm thoát 10 năm gắn bó với công việc, vừa làm vừa học hỏi, miệt mài những bước chân đi vận động người dân trong làng Đê Hrel thực hiện KHHGĐ. Ông Yớp tâm đắc nhất là việc mình đã chủ động dùng bao cao su để làm gương cho các ông chồng trong bản và tư vấn cho các ông chồng cách sử dụng bao cao su đúng cách để tránh thai đạt hiệu quả. “Máu” làm công tác dân số ngấm dần trong ông, không thể bỏ được. Ông nghĩ: Nếu mình không tiếp tục đi tuyên truyền, vận động bà con thực hiện KHHGĐ thì lũ làng đã nghèo rồi lại cứ nghèo mãi, khổ lắm, mình sẽ có tội với bà con trong làng.
Khó khăn lớn nhất trong công tác dân số ở làng Đê Hrel là sự hiểu biết của người dân về vấn đề DS-KHHGĐ chưa cao. Việc vận động các cặp vợ chồng đình sản và đặt dụng cụ tử cung gặp rất nhiều khó khăn. Bởi khi một người đặt vòng mà bị rong kinh, đau lưng là đồng loạt những người đã đặt vòng đều đến trạm y tế xin được tháo vòng. Lại phải kiên trì vận động cho bà con hiểu.
Là cộng tác viên dân số, ông Yớp cũng kiêm luôn y tế thôn bản và làm công tác mặt trận thôn, cho dù làm cả ba công việc nhưng phụ cấp cũng chẳng đáng là bao, chủ yếu phải biết lồng ghép, kết hợp công việc để đạt được hiệu quả. Ông kể: Khi làm công việc y tế thôn bản, mình vận động trẻ em đi tiêm phòng sáu bệnh truyền nhiễm, qua đó nắm danh sách luôn số trẻ em mới sinh, theo dõi để kết hợp nhắc nhở bà mẹ sử dụng loại thuốc nào cho phù hợp.
Với những cặp vợ chồng chưa chịu sử dụng biện pháp tránh thai nào mà con đông, nghèo túng, mình lại lấy tư cách là Ban công tác mặt trận phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên vận động cho vay vốn, giúp cách làm ăn, rồi thuyết phục họ sử dụng một biện pháp tránh thai để tránh sinh đẻ nhiều, có điều kiện chăm sóc vườn cây bời lời, chăn nuôi bò, chăm sóc con cái và cho chúng đi học cái chữ...
Không chỉ năm đầu tiên, mà 5 năm liền ông Yớp đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vượt chỉ tiêu KHHGĐ trên giao. Số ca ông vận động chị em ở làng Đê Hrel trong độ tuổi sinh đẻ dùng các biện pháp tránh thai (chủ yếu là tiêm thuốc tránh thai và dùng viên uống tránh thai) lên đến con số hàng trăm. Ông còn tư vấn cho hàng trăm lượt phụ nữ về làm mẹ an toàn, vận động chị em đi khám phụ khoa trong các đợt chiến dịch tại thị trấn.
Chị Tình, cán bộ chuyên trách dân số ở thị trấn Kon Dỡng cho biết: “Ông Yớp là nam giới duy nhất làm cộng tác viên dân số ở 4 làng đồng bào Bah Nar của thị trấn nhưng rất tích cực. Ông biết sắp xếp công việc rất khoa học, để vừa hoàn thành công tác, vừa lo được việc gia đình. Cậu con trai đầu đã lập gia đình, những đứa con của ông đều được đi học. Ở làng Đê Hrel, nhiều chị em đã sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, công của ông Yớp cũng nhiều lắm đấy. 56 tuổi đời với 10 năm làm cộng tác viên dân số, ông đã vượt qua những e ngại, cố gắng tìm tòi, nghiên cứu tâm lý của mọi người để vận động có hiệu quả” - Đứng phát biểu giữa “rừng phụ nữ” cùng làm công tác dân số với mình tại hội nghị giao ban thường kỳ, ông không ngại “lép vế” mà luôn mạnh dạn nói ra những điều mình đã làm được, chưa làm được và đề ra những biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về DS-KHHGĐ ở vùng đồng bào Bah Nar.
Thanh Long.Giadinh.net