Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Hai, 20/6/2016 8:24'(GMT+7)

Báo chí vì sự phát triển lành mạnh của xã hội

1- Cách đây 7 năm, tại Lớp bồi dưỡng ngắn hạn “Phóng sự điều tra” do Hội Nhà báo Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ông Rô-đê-rích Mắc Đô-nen, Giám đốc Truyền thông Liên bang Ca-na-đa, có chia sẻ với các nhà báo Việt Nam rằng, phóng viên làm phóng sự điều tra nhằm đưa ra ánh sáng công luận những vấn đề tiêu cực, khuất tất trong xã hội, nhưng việc điều tra đó phải mang lại lợi ích cho số đông công chúng và lợi ích cho quốc gia, dân tộc, chứ không phải vì lợi ích của một nhóm thiểu số nào đó. Nói rộng ra, báo chí có quyền tự do thông tin, nhưng thông tin đó không làm ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, lành mạnh của xã hội.

2- Trên thế giới, có thể chế chính trị, quốc gia nào có tự do báo chí tuyệt đối không? Các nhà nghiên cứu đều khẳng định, không thể có tự do báo chí tuyệt đối, mà chỉ có tự do báo chí có giới hạn. Cái giới hạn đó tùy thuộc vào quan niệm của mỗi nước, nhưng chắc chắn việc giới hạn tự do báo chí bao giờ cũng phải hướng tới mục tiêu tối thượng là: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi trong một xã hội dân chủ” như Điều 29 của “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” (năm 1948) của Liên hợp quốc đã khẳng định.

Thực tiễn lịch sử báo chí thế giới đã chứng minh rằng, không có một nền báo chí của quốc gia nào, một cơ quan báo chí, một nhà báo nào được quyền “đứng trên", "đứng ngoài” pháp luật hay không tuân thủ những phép tắc, chuẩn mực, phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc. Cố tình làm trái những nguyên tắc sơ đẳng này, báo chí có thể phải trả giá đắt.

Những quốc gia có nền báo chí tiến bộ, những nhà báo chân chính sẽ không bao giờ quên những vụ việc “kinh điển” truyền thông đi quá giới hạn tự do nên đã để lại những hậu quả rất xấu. Năm 2005, một tờ báo của Đan Mạch đăng tải 12 bức tranh biếm họa về đấng tiên tri Mô-ha-mét của Hồi giáo, đã gây nên một làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ của những người theo đạo Hồi trên toàn thế giới. Tháng 7-2011, tờ News of the World (Tin tức thế giới), tờ báo “lá cải” lớn nhất nước Anh đã phải đình bản vĩnh viễn sau gần 170 năm tồn tại vì hàng loạt cáo buộc nhiều phóng viên bản báo đã đột nhập điện thoại của hàng nghìn người dân để “săn tin” bất chấp đạo đức và luật pháp.

 3- Khi nói về tự do báo chí ở Việt Nam, một vài tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài và một số cá nhân có thái độ thiếu thiện chí vẫn viện cớ rằng, Việt Nam không có tự do báo chí vì “không có truyền thông độc lập, báo chí bị Đảng Cộng sản và chính quyền điều khiển, chi phối” và “một số nhà báo, nhà bất đồng chính kiến mạng bị cầm tù vì những phát biểu của họ” (!).

Thực ra, cách viện cớ đó vừa phản ánh không đúng bản chất vấn đề, vừa thể hiện cái nhìn phiến diện, cực đoan và mang dụng ý, mưu đồ xấu.

Một nền báo chí có được xem là tự do hay không trước hết phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, bản chất, mục đích hoạt động của nó. Kể từ khi Báo Thanh Niên xuất bản số đầu (ngày 21-6-1925) đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua 91 năm. So với một số nước trên thế giới, dù ra đời muộn hơn, nhưng suốt chặng đường lịch sử của mình, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành với đất nước, gắn bó với vận mệnh dân tộc, là nhịp cầu nối liền Đảng, Nhà nước với quần chúng lao động. Tính nhân dân của báo chí Việt Nam còn thể hiện sinh động ở chỗ: Các tầng lớp nhân dân có thể bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn, vướng mắc… của mình trên tất cả các loại hình báo chí. Nhiều năm qua, trên các tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử đã có nhiều chuyên trang, chuyên mục, chương trình làm cầu nối với nhân dân, trở thành diễn đàn sâu rộng của nhân dân như: "Bạn đọc", "Nhịp cầu khán giả", "Viết theo yêu cầu bạn đọc", "Giải đáp chế độ-chính sách", "Vấn đề dư luận quan tâm", "Điều tra theo đơn thư bạn đọc", "Tiếp chuyện bạn nghe đài", "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời"...

Mặt khác, tính ưu việt của quyền tự do báo chí ở Việt Nam còn được thể hiện sâu sắc ở Điều 10, Điều 11 Luật Báo chí năm 2016. Trong đó, Điều 10 quy định công dân có quyền: “1. Sáng tạo tác phẩm báo chí; 2. Cung cấp thông tin cho báo chí; 3. Phản hồi thông tin trên báo chí; 4. Tiếp cận thông tin báo chí; 5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; 6. In, phát hành báo in”. Điều 11 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận trên báo chí, thể hiện ở các nội dung: “1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; 2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; 3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác”. Khoản 3, Điều 13 của luật này cũng quy định rõ: “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Rõ ràng, bản chất của một nền báo chí tự do trước hết phải bắt nguồn từ đối tượng phản ánh và phục vụ. Báo chí Việt Nam luôn xác định “Vì nhân dân phục vụ” là phương châm hành động, là quan điểm nhất quán trong mọi hoạt động của mình.

Sống trong một xã hội pháp quyền, mọi công dân đều phải thượng tôn pháp luật và bất cứ ai vi phạm pháp luật đều phải xử lý. Việc một số “nhà đấu tranh dân chủ”, “nhà báo tự do”... thời gian qua bị xử lý hình sự không phải xuất phát từ “những phát biểu của họ”, mà là do họ đã đi quá giới hạn tự do báo chí cho phép, thực chất là họ cố tình cho đăng, phát thông tin có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt thông tin gây hoang mang dư luận; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc... Những hành vi đó là vi phạm pháp luật. Do vậy, việc xử lý những cá nhân vi phạm này cũng không ngoài mục đích góp phần giữ gìn “đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi trong một xã hội dân chủ” như Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc đã khuyến cáo; đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị, an ninh truyền thông-một yếu tố quan trọng bảo đảm cho xã hội phát triển lành mạnh, văn minh.

Phúc Nội/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất