Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Hai, 13/6/2016 17:20'(GMT+7)

Tấm gương đạo đức ngời sáng của nhà tiền bối cách mạng Hồ Tùng Mậu

Bác Hồ và đồng chí Hồ Tùng Mậu

Bác Hồ và đồng chí Hồ Tùng Mậu

Tấm gương sáng ngời 

Hồ Tùng Mậu sinh ngày 15/6/1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tên khai sinh là Hồ Bá Cự, khi xuất dương sang Thái Lan hoạt động đồng chí mới mang tên Hồ Tùng Mậu và trở thành tên gọi chính thức đến khi qua đời. Đồng chí còn có nhiều bí danh như: Ích, Lương Tử Anh, Phan Tái, Hồ Mộng Tống, Hồ Quốc Đống, Mộc Công.

Đồng chí Hồ Tùng Mậu xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa cử, truyền thống yêu nước. Ông nội là Hồ Bá Ôn, đỗ phó bảng làm quan đến chức án sát tỉnh Nam Định, anh dũng hi sinh khi quân Pháp tấn công tỉnh thành này năm 1883. Cha là Hồ Bá Kiện, nhà nho yêu nước, tham gia Hội Duy Tân, bị bắt giam ở Lao Bảo, cùng một số đồng chí định khởi nghĩa phá nhà lao, bị địch bao vây bắn chết. Mẹ là Phan Thị Liễu cũng dòng dõi nhà nho, đã cho con theo học tại trường Đông Kinh nghĩa thục ở Quỳnh Đôi của các thầy Hồ Phi Thống, Hồ Phi Khoan, những nho sĩ tiến bộ của làng học Quỳnh Đôi lúc bấy giờ.

Hoàn cảnh gia đình, quê hương, xã hội đã sớm hun đúc tinh thần yêu nước cách mạng, căm thù đế quốc trong người thanh niên Hồ Tùng Mậu. Được sự giúp đỡ của một số gia đình yêu nước ở Nghệ An, cuối tháng 4/1920, đồng chí Hồ Tùng Mậu từ giã vợ, con nhỏ cùng Lê Văn Phơn (Hồng Sơn), Ngô Quốc Chính sang Thái Lan, rồi 3 tháng sau sang Trung Quốc tìm gặp các nhà cách mạng Xứ Nghệ đang hoạt động ở đây như Phan Bội Châu, Hồ Ngọc Lãm,v.v.. nhưng chỉ gặp được Hồ Ngọc Lãm, nhờ tìm nơi học, nơi kiếm sống. Ở Quảng Châu, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn lập ra Tâm Tâm xã, tập hợp số thanh niên hăng hái kiên quyết cùng chí hướng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cùng nhau mưu đồ giải phóng dân tộc. Mùa xuân năm 1924, Hồ Tùng Mậu về nước, trở lại Quỳnh Lưu, Yên Thành hoạt động với tên Phan Tái. Tháng 11/1924, nhóm Tâm Tâm xã được Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ chuyển hướng hoạt động, xây dựng tổ chức cách mạng theo đường lối đúng đắn. Tháng 6/1925, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn giúp Nguyễn Ái Quốc xây dựng Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Tháng 12/1927, Hồ Tùng Mậu cùng một chiến sĩ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tham gia khởi nghĩa Quảng Châu nên lại bị bắt giam, đến cuối năm 1929 mới được tha. Thời gian ở tù, Hồ Tùng Mậu được bầu vắng mặt làm uỷ viên chấp hành Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Đại hội Đại biểu lần thứ I của tổ chức này. Tháng 6/1931 đồng chí lại bị bắt tại Thượng Hải do đế quốc Anh-Pháp liên kết thực hiện, giải về giam ở nhà lao Hoả Lò Hà Nội. Toà án Nghệ An kết án tử hình lần thứ 2, do kháng cáo chúng phải sửa xuống án tù chung thân. Từ 12/1931 đến tháng 3/1945 Hồ Tùng Mậu chuyển qua các nhà tù Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Mê Thuột, Trà Khê...

Trải qua nhiều nhà tù, chịu đựng nhiều gian lao cực khổ, đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, Hồ Tùng Mậu luôn thể hiện tinh thần bền bỉ, ý chí kiên cường, giữ vững khí tiết của một người đảng viên cộng sản, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đồng chí là trung tâm đoàn kết các anh em tù chính trị trong nhà lao, luôn động viên anh em, tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Năm 1945, lợi dụng phát xít Nhật đảo chính Pháp, đồng chí cùng các tù chính trị trốn khỏi Trà Khê, tỉnh Phú Yên trở về quê hương, hoạt động tại cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ. Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đồng chí được giao nhiều nhiệm vụ: Phụ trách trường quân chính Nhượng Bạn, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Liên khu IV, Uỷ viên thường vụ Liên khu uỷ, Tổng thanh tra Ban thanh tra Chính phủ, Hội trưởng Hội Việt - Hoa hữu nghị.

Hồ Tùng Mậu là một nhà hoạt động cách mạng đầy bản lĩnh và trí tuệ, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, đậm chất nhân văn. Suốt những năm làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu IV, rồi giữ cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, Hồ Tùng Mậu làm việc quên mình với tác phong chan hòa và khảng khái, có uy tín lớn trong nhân dân và cán bộ, được mọi người thân mật gọi là “Cụ Mậu”, “Cụ Hồ em”... Là một người cán bộ lão thành cương trực và trung hậu, luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ với một tinh thần trách nhiệm cao; với phẩm chất cách mạng cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; tinh thần tận tụy, thanh liêm, “dĩ công vi thượng”, ở bất kỳ địa vị công tác nào, đồng chí đều hăng hái, nhiệt tình và cổ vũ, động viên được cán bộ, nhân dân tích cực tham gia.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên, ở Hồ Tùng Mậu vừa hội tụ phẩm chất đạo đức, vừa có tài, đủ năng lực phân định đúng - sai trong việc thực thi chính sách của Đảng và Chính phủ trong các cơ quan công quyền; không bao giờ lợi dụng quyền hạn, chức vụ công tác để mưu cầu lợi ích riêng cho gia đình, cá nhân. Với đồng chí, đồng nghiệp, ông nhân hậu, khoan dung, độ lượng; ông thương bà con làng xóm, những người cùng cảnh ngộ...; với những người ruột thịt trong gia đình, Hồ Tùng Mậu dành tình cảm yêu thương sâu lắng, quan tâm chu đáo. Nén nỗi đau riêng để đứng vững, kiên định con đường đã chọn: với quê hương, đồng chí gần gũi, chia sẻ đầy trách nhiệm; với cấp dưới, đồng sự, đồng chí bao giờ cũng sâu sát ân cần – đó là những phẩm chất đạo đức góp phần làm nên nhân cách người cộng sản Hồ Tùng Mậu, tỏa sáng trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân đã từng được gặp và làm việc cùng ông…

Tại Đại hội Đảng lần thứ 2 (2/1951), Hồ Tùng Mậu được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương và cử giữ nhiều trọng trách; nhưng ngày 23/7/1951, trên đường đi công tác, đồng chí hy sinh do bị máy bay Pháp ném bom. Năm 2008, đồng chí Hồ Tùng Mậu được truy tặng Huân chương Sao Vàng- Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.

Người đồng chí thân thiết của Bác Hồ

Cùng sinh ra và lớn lên tại vùng quê Nghệ An, trong quá trình hoạt động cách mạng, tìm đường giải phóng cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hồ Tùng Mậu đã có nhiều cơ duyên gắn bó với nhau. Cuối năm 1924, khi Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trở về Quảng Châu để chuẩn bị mọi điều kiện cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cách mạng Việt Nam, Người đã gặp nhóm thanh niên Tâm Tâm Xã do Hồ Tùng Mậu cùng với 6 đồng chí khác sáng lập năm 1923. Để hiểu rõ hơn những người Việt Nam yêu nước mà mình mới tiếp xúc, tháng 2/1925, Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp huấn luyện về phương pháp cho họ. Sau lớp huấn luyện, Người đã lập một nhóm bí mật gồm 9 hội viên trong đó có Hồ Tùng Mậu, lấy tên gọi Cộng sản Đoàn. Từ đó, Hồ Tùng Mậu đã kiên định con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Quá trình từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Tùng Mậu là con đường của sự phát triển biện chứng và tất yếu. Giữa năm 1925, nhân sự kiện chí sĩ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải, Hồ Tùng Mậu với bút danh Hồ Mộng Tống, viết bản tuyên cáo đăng trên báo chí Trung Hoa kêu gọi nhân sĩ trên thế giới can thiệp, tố cáo hành động trái luật quốc tế của thực dân Pháp, mở đầu cho cuộc đấu tranh rầm rộ đòi thả Phan Bội Châu.

Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đến Hồng Kông tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam. Hồ Tùng Mậu là một trong 7 thành viên tham dự Hội nghị thành lập Đảng tại Cửu Long (Hương Cảng) do Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn tham dự Hội nghị với tư cách là cán bộ lãnh đạo ở hải ngoại, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùa Xuân năm 1930.

Trong vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (1931 -1933), đồng chí Hồ Tùng Mậu đóng vai trò quan trọng. Về sự kiện này, trong cuốn hồi ký của mình, luật sư Loseby kể lại: “Tối ngày 6 tháng 6 năm 1931, một thanh niên rất trẻ, khôi ngô đến nói với tôi, có một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của chúng tôi là Tống Văn Sơ đã bị đế quốc Pháp kết án tử hình vắng mặt, sáng nay bị nhà cầm quyền Anh bắt để trao cho Pháp. Là người Đông Dương, chúng tôi yêu cầu ông cứu cho nhà hoạt động đó”(1). Người thanh niên ấy chính là Hồ Tùng Mậu. Trong cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, dưới bút danh Trần Dân Tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc lại sự kiện trên: “Ngày 6 tháng 6 năm 1931, Bác bị bắt ở nhà số 186 Tam Lung (Cửu Long)…Bác vào nhà giam vài hôm thì đồng chí Hồ Tùng Mậu bị đưa ra nhà giam để “trục xuất cảnh”. Nhân dịp đó, đồng chí Hồ Tùng Mậu báo cho luật sư Lôdơbi (chủ nhiệm công ty luật sư RUSS, của người Anh) biết tin Bác bị bắt và nhờ ông ta giúp”(2). Việc tìm đến và nhờ luật sư tiến bộ người Anh trong vụ án này của Hồ Tùng Mậu có vai trò quyết định cho việc được thả tự do của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Khi về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Hồ Tùng Mậu là một trong những cán bộ gần gũi, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cẩn và giao cho nhiều trọng trách quan trọng: “Cách mạng vừa thành công, chúng ta chưa được phép nghỉ ngơi. Hiện nay, chiến khu IV đang rất cần cán bộ lãnh đạo. Bác và Trung ương đã bàn kỹ, quyết định cử chú Mậu vào đó làm Chính uỷ” (3). Năm 1947, Hồ Tùng Mậu được Trung ương Đảng chỉ đạo tham gia Ban thường vụ Đảng bộ Liên khu IV và Chính phủ Hồ Chí Minh uỷ nhiệm ông làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Liên khu.

Với Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đứng đầu nhà nước, vị cha già của dân tộc mà con là người anh thân thiết. Trong bức thư mừng sinh nhật Người năm 1948, ông viết: “Năm mươi tám tuổi vẫn chưa già/Răng rụng rồi răng lại mọc ra/Dân đã có cha chưa có mẹ/Khi mô cậu cụ cưới cô bà?”(4). Những lời lẽ hết sức giản dị, chân thành, hóm hỉnh, hỏi và quan tâm đến đời tư của vị chủ tịch nước như anh em trong một nhà, cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa hai người. Với phong cách làm việc tận tuỵ, hết lòng của mình, ông cũng từng được ví thân mật là “ông Hồ em”(5).

Với Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng coi ông như người một nhà, chia sẻ, động viên mọi khó khăn trong cuộc sống của ông. Khi người con trai duy nhất của Hồ Tùng Mậu là Hồ Kim Xuyên - Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, tham gia đặc uỷ đoàn của Chính phủ đi thanh tra các tỉnh đã hy sinh trên đường công tác tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái tháng 3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho ông. Người viết: “Chú Mậu thân mến! Tôi rất đau buồn báo tin cho chú biết: Cháu Hồ Kim Xuyên không may đã hy sinh trong khi đi công tác cùng Đặc uỷ đoàn Chính phủ tại Lục Yên Châu – Yên Bái. Tin này đến với chú chắc chú cũng rất đau đớn. Nhưng mong chú trấn tĩnh, bớt buồn thương để khỏi ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tôi cũng rất đau xót trước việc cháu Xuyên chết. Cháu Xuyên mất đi, chú mất đi một người con, tôi mất một người cháu, nhân dân mất một chiến sỹ, Đoàn thể mất một cán bộ. Chú cần giữ gìn sức khoẻ vì công việc kháng chiến còn nhiều. Chú chuyển cho tôi lời chia buồn tới bà cố, Thím và tất cả gia đình. Trước tin này mong Cố bà, Thím và gia đình bớt buồn thương để khỏi ảnh hưởng đến sức khoẻ. 
Chào thân ái 
Hồ Chí Minh”(6).

Bức thư do tự tay Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy, gửi từ Việt Bắc vào, cho thấy tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với đồng chí Hồ Tùng Mậu và gia đình ông. Bức thư cũng bày tỏ tình cảm thân thiết như trong một gia đình với nỗi đau chú mất con, tôi mất cháu, lời hỏi han, động viên tới từng thành viên trong gia đình đồng chí Hồ Tùng Mậu.

Với bản lĩnh của người chiến sỹ cộng sản kiên cường bất khuất, nén đau thương để tiếp tục hoạt động, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mọi cương vị. Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ban Thanh tra Chính phủ và cử đồng chí giữ chức Tổng Thanh tra. Từ đây đồng chí lại có dịp làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp Người xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng trong toàn quốc với các cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, Hội trưởng Hội Việt - Hoa hữu nghị (từ đầu năm 1950), Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành trung ương Đảng (từ tháng 2/1951).

Khi đồng chí Hồ Tùng Mậu hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết điếu văn tiễn biệt với những lời lẽ xót xa: “Chú Tùng Mậu ơi! Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chǎng? Về tình nghĩa riêng : Tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi đấu tranh ở nước nhà, hơn 25 nǎm, đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ, như tay với chân… Ngày nay, kháng chiến đang tiến sang giai đoạn mới, công việc ngày càng nhiều, đồng bào, Chính phủ và Đoàn thể đang cần những người con đắc lực như chú. Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tuỵ, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi! Chú Tùng Mậu ơi! Đành rằng sự mất, sự còn là luật chung của tạo hoá. Nhưng gặp lúc sinh ly tử biệt, thì khó mà ngǎn mối xót thương. Tôi gạt nước mắt, thay mặt Chính phủ, nghiêng mình trước linh hồn chú, và truy tặng chú Huân chương Hồ Chí Minh, để nêu công lao chú đối với đồng bào, đối với Tổ quốc. Tôi lại hứa với chú: toàn thể đồng sự và đồng chí sẽ cố gắng noi gương đạo đức cách mạng của chú, noi gương chú đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Tôi xin gửi lời thân ái an ủi gia quyến chú Tùng Mậu và thưa với Bà Cố: xin Bà Cố chớ quá độ đau thương. Dù mất chú Mậu, tất cả chúng tôi đều là như con cháu của Bà Cố.    
Ngày 1 tháng 8 nǎm 1951
HỒ CHÍ MINH” (7).

Có thể thấy, Hồ Tùng Mậu là một trong số không nhiều cán bộ cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đánh giá toàn diện theo nhân cách của người cách mạng vừa hồng, vừa chuyên, với phẩm chất đạo đức ngời sáng và năng lực công tác mẫn cán, thực hiện trọn vẹn đạo đức cách mạng “tận trung với nước, tận hiếu với dân” và chính Người hứa sẽ noi theo. Đây cũng chính là đặc trưng nổi bật nhất trong nhân cách và con người Hồ Tùng Mậu.

Mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với Hồ Tùng Mậu trong tiến trình cách mạng Việt Nam là mối quan hệ đồng chí, anh em đặc biệt. Việc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, được huấn luyện và đứng trong hàng ngũ của Đảng là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu. Với những mối nhân duyên với Chủ tịch Hồ CHí Minh, “25năm cùng vào sinh ra tử”, Hồ Tùng Mậu đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng Việt Nam. Cũng giống như Hồ Chủ tịch, Hồ Tùng Mậu là người “suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, vì thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa”(8), xứng đáng là người đồng chí, anh em “như tay với chân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với hơn 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhất là giai đoạn chuẩn bị xây dựng lực lượng, chuẩn bị chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mùa Xuân năm 1930. Là một người yêu nước, hoạt động cách mạng từ sớm, đã có nhiều năm lăn lộn trong các phong trào yêu nước và cách mạng ở Thái Lan, Trung Quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu thuộc vào lớp những người cách mạng tiền bối “thời dựng Đảng”. Cuộc đời, tên tuổi của Hồ Tùng Mậu mãi mãi là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về ý chí phi thường, sẵn sàng xả thân chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân sẽ đi suốt chiều dài lịch sử của Đảng ta và dân tộc ta./.

 
TS. Văn Thị Thanh Mai
Ths. Nguyễn Thị Thanh Huyền
 


---------------

1. Hồ Tùng Mậu, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011,
 tr.206 – 207.
2. Trần Dân Tiên: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Sự thật, H, 1976, tr. 41.
3. Nguyễn Xuyến: Hồ Tùng Mậu - Người cộng sản tiền bối, Tạp chí Thông tin Khoa học Công nghệ Nghệ An, số 3/2005, tr.51.
4. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
5. Hoàng Thanh Đạm, Phan Hữu Thịnh: Đời nối đời vì nước, Nxb. Nghệ An, 1996, tr.137.
6. Nguyễn Thu Hà: Về một bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nội san Thông tin tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 21/2008, tr.67.
7. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, t.5, tr.88.
8. Hồ Tùng Mậu, người cộng sản kiên trung mẫu mực, Sđd, tr.274.

 

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất