Chủ Nhật, 28/7/2013 9:53'(GMT+7)
Bảo đảm quyền lợi cho người làm công ở nông thôn nước ta hiện nay
Cho đến nay, chúng ta chưa hình thành quan niệm về “đội ngũ lao động
làm công ở nông thôn”, nên mới chỉ có những chính sách, biện pháp cho
nhóm “lao động nhập cư” hay “lao động ngoại tỉnh”, mà chưa có chính sách
chung cho cả đội ngũ này, gồm: lao động nhập cư và những người làm công
“ly nông bất ly hương”.
Những người làm công ở nông thôn đề cập đến trong bài viết này là những lao động xuất phát từ nông thôn, làm ngành nghề phi nông nghiệp trên các địa bàn cả ở nông thôn và thành thị. Theo chúng tôi, nội dung chính sách bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ những người lao động này, bao gồm:
Một là, xác định rõ vai trò và định hướng chính sách cho đội ngũ làm công ở nông thôn
Chúng ta đánh giá chưa đúng, chưa đủ vai trò của đội ngũ những người làm công ở nông thôn trong sự nghiệp xây dựng xã hội công nghiệp theo hướng hiện đại. Đội ngũ này là lực lượng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề “tam nông”; kết nối quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa giữa nông thôn và đô thị trong sự nghiệp xây dựng xã hội công nghiệp theo hướng hiện đại; là một lực lượng thúc đẩy quá trình “công nhân hóa” các giai tầng xã hội nhằm phát triển ngày càng đông đảo đội ngũ những người lao động công nghiệp và dịch vụ, trước hết ở nông thôn.
Định hướng xây dựng chính sách một cách tương đối độc lập cho đội ngũ lao động làm công ở nông thôn cần quán triệt quan điểm: đội ngũ này không chỉ là những người lao động sống bằng sức lao động của mình, mà còn là một lực lượng sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng mạnh tỷ lệ những người lao động công nghiệp, dịch vụ nói riêng, và xây dựng xã hội công nghiệp theo hướng hiện đại nói chung. Căn cứ vào vai trò của đội ngũ làm công ở nông thôn để xác định nội dung các chính sách đối với đội ngũ này.
Hai là, nhanh chóng xóa bỏ những phân biệt không hợp lý của thị trường lao động ở thành phố nhằm tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho đội ngũ làm công ở nông thôn
Chúng ta đang tiến hành đổi mới cách thức quản lý đô thị, trong đó có việc đổi mới quản lý hộ tịch. Tuy nhiên, chưa thể thực hiện việc xóa bỏ quản lý hộ khẩu vì còn liên quan đến nhiều vấn đề khác, ví dụ an ninh trật tự xã hội. Thế nhưng, có tình trạng một số việc làm chỉ tuyển dụng người có hộ khẩu ở thành phố; hoặc cùng một công việc nhưng thù lao có sự chênh lệch giữa công nhân “lao động nhập cư” và lao động thành phố; hoặc người “lao động nhập cư” rất khó đăng ký sản xuất, kinh doanh do không có hộ khẩu và nhà ở tại thành phố. Những rào cản như thế đối với lao động làm công nông thôn cần có giải pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ.
Chính sách bảo đảm quyền lợi đối với đội ngũ lao động làm công nông thôn cần tập trung xóa bỏ sự phân cách không hợp lý trong thị trường lao động làm công giữa nông thôn và đô thị. Trên cơ sở tuyên truyền rộng rãi, cần tăng cường giám sát và kiểm tra, giáo dục quan niệm và cách thức cạnh tranh bình đẳng, tôn trọng nhân cách và lao động của những người làm công ở nông thôn.
Ba là, tích cực tổ chức và triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho đội ngũ làm công ở nông thôn
Có một thực tế là lao động chất lượng cao ở nước ta, kể cả tại các trung tâm đào tạo nghề, cao đẳng, đại học như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Mỗi năm có hàng trăm nghìn người tốt nghiệp các loại trường khác nhau, nhưng theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, chỉ có một phần trong tổng số lao động có trình độ này có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Và như vậy, những người lao động có trình độ này chủ yếu vẫn phải gia nhập đội quân “lao động rẻ”. “Lao động rẻ” cạnh tranh, khiến những người làm công ở nông thôn không có cơ hội tìm được việc làm có thu nhập khả dĩ và ổn định; không hoặc thiếu khả năng bảo vệ lợi ích hợp lý và hợp pháp của mình trước người sử dụng lao động; đồng thời, cũng góp phần làm cho thị trường lao động dễ bị biến động, khi mà nhu cầu tuyển dụng lao động rẻ không còn lớn như trước.
Thời gian gần đây, một số địa phương, như Hà Nội, đã chuyển mạnh từ việc đào tạo nghề theo thời gian sang đào tạo nghề theo các trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Thế nhưng, chất lượng lao động vẫn thấp, cơ cấu lao động bất hợp lý ngay từ khi đào tạo, khiến thị trường lao động phải đón nhận một nguồn nhân lực có chất lượng không cao và không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.
Giải quyết tình trạng này, một mặt, cần tiến hành liên kết “ba nhà”: cơ sở đào tạo, cơ sở cung ứng lao động và cơ sở tuyển dụng lao động trong việc đào tạo nghề mới hoặc đào tạo lại, nhằm thoả mãn yêu cầu nguồn lao động có chất lượng cao của các cơ sở tuyển dụng; thông qua đó, bảo đảm công tác đào tạo gắn với tuyển dụng, với yêu cầu lao động thực tế tại các doanh nghiệp. Mặt khác, cần khuyến khích hoặc có chính sách, ví dụ miễn hoặc giảm thuế, để các doanh nghiệp, các làng nghề dành ngân quỹ cho việc đào tạo, bồi dưỡng lao động trẻ có năng lực tại chỗ (kèm cặp, truyền nghề) thay vì tuyển dụng từ bên ngoài thiếu ổn định
Bốn là, tích cực điều tiết và tạo việc làm cho lao động nhập cư
Cần có giải pháp tích cực điều tiết lao động từ nơi thừa sang nơi thiếu. Nên có hình thức liên kết giữa các trung tâm giới thiệu việc làm tại những địa phương có nguồn lao động dồi dào và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để bù đắp lao động thiếu hụt. Mặt khác, ngay tại những địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động cũng có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lao động tại chỗ, đang ở trạng thái thăm dò, hoặc đang tìm cách xin việc nhưng không biết nơi cần tuyển dụng. Do đó, cần có hình thức thông tin thích hợp và trực tiếp tại các khu nhà trọ của người lao động nhập cư để tuyển dụng.
Tính chất nhập cư, lưu động của những người làm công ở nông thôn gây khó khăn cho việc kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, khi mà người lao động quen tìm việc theo kiểu “truyền tai, rỉ tai” cho nhau, trong khi trang web về việc làm tại một số tỉnh, thành, với rất nhiều thông tin doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động lại không đến được người lao động. Những người đang tìm việc làm theo kiểu “truyền tai, rỉ tai” bị nhiễu thông tin hoặc không nắm được thông tin.
Trình độ thấp trong việc sử dụng công nghệ thông tin nói riêng và trình độ chuyên môn kỹ thuật nói chung, đang cản trở người làm công nông thôn tìm kiếm việc làm. Hiện nay, tại sàn giao dịch việc làm của các tỉnh, thành phố có khá nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật, biết sử dụng vi tính, nhưng số lượng hồ sơ xin việc không nhiều.
Nhìn chung hiện nay, đang diễn ra tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động chuyên môn kỹ thuật. Nhưng tại không ít địa phương, có lúc có nơi vẫn vấp phải tình trạng thiếu hàng nghìn lao động phổ thông. Thu nạp và đào thải vẫn luôn là vòng quay bình thường của thị trường lao động, đặc biệt trong tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động chuyên môn kỹ thuật. Với sự tác động của suy thoái kinh tế, vòng quay ấy trở nên khắc nghiệt hơn và nếu không khắc phục được tình trạng khắc nghiệt này thì lại khó có thể thoát ra khỏi sự suy thoái kinh tế một cách nhanh chóng.
Tình hình thị trường lao động hiện nay đòi hỏi phải kết nối được người lao động với thông tin về thị trường lao động nhằm hạn chế và từng bước khắc phục được kiểu “truyền tai, rỉ tai” trong tìm kiếm việc làm. Muốn vậy, cần phải tăng cường phổ biến sâu rộng như bằng tờ rơi, bằng mạng lưới truyền thanh của xã, phường, doanh nghiệp và bằng trang web về việc làm. Chú trọng phổ biến tại các khu nhà ở, nhà trọ của công nhân nông thôn để hướng dẫn họ cách thức tìm kiếm việc làm theo con đường chính thức và tiện ích này. Cách thức này sẽ giúp người lao động tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp để nắm thông tin chính xác về việc làm và nhiều thông tin cần thiết khác. Ngoài ra, người lao động cũng có thể nộp hồ sơ tại các trung tâm giới thiệu việc làm nhưng như thế thì phải chờ để các trung tâm chuyển về công ty sàng lọc, sau đó mới thông báo mời phỏng vấn đến người lao động. Cách thức này rõ ràng không đáp ứng nhanh chóng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, và cũng không đáp ứng được nhu cầu có việc làm nhanh chóng, phù hợp của người lao động.
Để góp phần điều tiết tốt việc làm, các doanh nghiệp phải thực thi đúng Bộ luật Lao động. Trong hoàn cảnh biến động việc làm và việc làm không đủ rất dễ xảy ra tình trạng người lao động bị cúp lương, cúp thưởng và thường không ký được hợp đồng lao động dài hạn, kể cả đối với những người đã làm việc có thâm niên cho doanh nghiệp. Từ đó, đã dẫn đến sự biến động lao động, gây khó khăn cả cho bản thân doanh nghiệp. Rõ ràng, việc chấp hành nghiêm minh pháp luật là cách thức chủ động thu hút một cách ổn định nguồn lao động có chất lượng cho doanh nghiệp, kể cả khi có sự biến động của thị trường lao động.
Một vấn đề vẫn chưa được chú ý đúng mức hiện nay là điều tiết và tạo việc làm cho công nhân nông thôn “ly nông bất ly hương”. Do đó, cần phải có chính sách và biện pháp phối hợp giữa các bộ, nghành, như giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Công Thương để tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hoá nhằm bảo đảm và tạo việc làm cho những người làm công nói chung, ở nông thôn nói riêng, đặc biệt tại các làng nghề, các hợp tác xã tiểu - thủ công nghiệp trên cả nước.
Năm là, cải biến những người bán hàng rong thành những người làm công hưởng thu nhập theo hướng hiện đại, văn minh
Ước tính trên cả nước có khoảng 1 triệu người bán hàng rong khắp các vùng đô thị, nông thôn. Những người bán hàng rong là một loại hình làm công hưởng thu nhập theo vụ việc, không thuộc một loại hình biên chế nào. Hằng ngày, với số vốn ít ỏi 200 - 300.000 đồng, những người bán hàng rong có thể có thu nhập khoảng 40 - 50.000 đồng. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn như thế là một điều mơ ước đối với các nhà đầu tư. Hơn nữa, số tiền lãi này được họ lập tức đưa vào thị trường. Đây là cách nuôi đồng vốn và cũng nuôi thị trường tốt nhất. Những người bán hàng rong cũng là những nhà phân phối năng động và tài giỏỉ trong việc đưa hàng hoá đến tận nhà người tiêu dùng với giá cả phải chăng. Đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, khâu phân phối đến tận tay người tiêu dùng với giá cả ổn định có ý nghĩa quan trọng. Chính những người bán hàng rong là một lực lượng quan trọng góp phần tổ chức mối quan hệ liên thông giữa sản xuất và tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả và thị trường.
Giải pháp tổ chức lao động của họ một cách hợp lý là: “nhân rộng và kết nối mô hình bán hàng rong” riêng rẽ, nhỏ lẻ của từng cá nhân thành các cộng đồng bán hàng rong theo địa phương và theo chủng loại hàng hoá, để bán hàng rong theo chuỗi với những điểm hậu cần cung ứng nguồn hàng, hay còn gọi là các “chân hàng”. Họ không phải thuộc “biên chế” cụ thể nào, nhưng được vay vốn ưu đãi, được cung cấp hàng trả chậm để nâng cấp “gánh hàng rong”. Dĩ nhiên, họ phải tuân thủ pháp luật giao thông, vệ sinh đường phố, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Giải pháp này vừa khắc phục cách “không quản lý được thì cấm”, nhằm hình thành lực lượng “phân phối nhân dân” theo kiểu kết nối giữa truyền thống và hiện đại để liên thông sản xuất với tiêu dùng và ổn định giá cả, thị trường; vừa kết nối cách cho “con cá” với “cần câu” nhằm xoá đói, giảm nghèo và thiết lập văn minh đường phố. Như vậy, gánh hàng rong không còn là hiện tượng nhếch nhác, mà trở thành giải pháp từ thực tế, không chỉ góp phần bình ổn giá cả, thị trường mà cải biến những người bán hàng rong thành làm công ăn lương ngày càng văn minh, hiện đại.
Sáu là, phát triển bảo hiểm xã hội cho những người làm công ở nông thôn
Tình hình hiện nay cho thấy, chúng ta mới chủ yếu “nắm” được thực trạng lao động ở khu vực kinh tế chính thức, còn việc nằm bắt tình hình lao động tại khu vực kinh tế phi kết cấu, phi chính thức, đặc biệt tại nông thôn (ví dụ các làng nghề,...), vẫn còn nhiều khoảng trống. Mà lực lượng làm công “ly nông bất ly hương” này có số lượng không nhỏ và có vai trò quan trọng trước hết đối với việc giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo, vấn đề “tam nông” trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nông thôn.
Chính sách xã hội hiện nay chưa tạo được hệ thống bảo đảm xứng đáng đối với đội ngũ làm công ở nông thôn, nhất là cho nhóm “ly nông bất ly hương”. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 7% dân số, tức 5,8 triệu người, chủ yếu là những người “làm công ăn lương” thuộc biên chế nhà nước, có hợp đồng lao động của các doanh nghiệp, có bảo hiểm xã hội. Để bảo đảm vững chắc an sinh xã hội, cần phải coi đối tượng được hưởng chính sách xã hội là tất cả người dân Việt Nam, trong đó có những người “làm công” theo tháng, theo vụ việc, thuộc tất cả các thành phần kinh tế, ở cả nông thôn và đô thị; xây dựng mạng lưới bảo hiểm xã hội cho đội ngũ làm công ở nông thôn phù hợp với công việc, thu nhập và khả năng của họ; quá đó có thể phần nào hỗ trợ cuộc sống của họ, nhất là khi họ bị tổn thương trong công việc, cuộc sống…./.
Trần Việt Dũng
Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
(Nguồn: TCCS)