(TG)-Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 267/TB-VPCP thông
báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Sơ
kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X và Ban Chỉ đạo Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Toàn văn như sau:
Ngày 11 tháng 7 năm 2013, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tham dự cuộc họp có các thành viên các Ban Chỉ đạo Trung ương, Lãnh đạo các Bộ, ngành, các đồng chí cố vấn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tiến độ triển khai Kế hoạch số 01-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, ý kiến tham gia của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:
I. Về triển khai thực hiện Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
1. Đánh giá chung
Từ sau khi có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Ban Chỉ đạo Trung ương), Ban Chỉ đạo Trung ương đã tích cực chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ được giao. Đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy tiến hành sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết; các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện sơ kết tại các cơ quan do mình phụ trách, đồng thời, thực hiện kiểm tra đôn đốc tại các địa phương được phân công. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, quan tâm chỉ đạo, chủ động tổ chức triển khai kế hoạch sơ kết. Nhiều địa phương thực hiện nghiêm túc, có cách làm sáng tạo, vận dụng cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn. Về cơ bản công tác sơ kết bảo đảm phù hợp với tiến độ theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện sơ kết còn chưa đồng đều, một số địa phương chậm triển khai, cá biệt có tỉnh còn chưa quan tâm, chưa xây dựng được đề cương chi tiết của báo cáo sơ kết, chất lượng báo cáo sơ kết còn hạn chế; phương pháp tiến hành chưa có sự đổi mới, chưa triển khai sâu rộng đến cơ sở.
2. Nhiệm vụ trong thời gian tới
Để công tác sơ kết có chất lượng, hiệu quả, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương khẩn trương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Ban Chỉ đạo Sơ kết các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện sơ kết, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, nội dung theo Kế hoạch 01-KH/BCĐ ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Ban Chỉ đạo Trung ương, đặc biệt lưu ý ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương tại văn bản số 02/BCĐ ngày 22 tháng 7 năm 2013, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương tại văn bản số 165-CV/BCĐ ngày 24 tháng 7 năm 2013.
b) Các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương khẩn trương bố trí thời gian đi kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ các địa phương thực hiện sơ kết Nghị quyết, đảm bảo tiến độ và chất lượng; có báo cáo về Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, trong đó cần nêu cụ thể những cách làm hay, những mô hình tốt (nhất là về phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp) để kịp thời phổ biến, nhân rộng.
c) Thường trực Tổ biên tập của Ban Chỉ đạo Trung ương khẩn trương hoàn thành Đề cương chi tiết báo cáo sơ kết, gửi xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, chủ động tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý của các cơ quan Trung ương và địa phương để bổ sung hoàn thiện báo cáo.
II. Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
1. Đánh giá chung
Biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của nhân dân cả nước trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình được tiếp tục duy trì và trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp ở các địa phương trong cả nước. Đã thu hút người dân vào cuộc, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Các Bộ, ngành và kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản bổ sung, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, như: sửa đổi một số tiêu chí, ban hành cơ chế quản lý đầu tư đặc thù... góp phần giải quyết những vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương. Số tiêu chí đạt chuẩn tăng nhanh trong thời gian qua và đã xuất hiện mô hình xã nông thôn mới ở khắp các vùng miền trên cả nước.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, nhận thức của cán bộ và người dân đã có nhiều thay đổi về xây dựng nông thôn mới, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện cụ thể của mỗi địa phương. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác qui hoạch nông thôn mới cấp xã, đa số các xã đã hoàn thành phê duyệt đề án; nhiều công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới được hoàn thành đưa vào sử dụng, như: giao thông, thủy lợi, trường học... phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số tồn tại: Một số văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình còn chậm (quy trình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn với Chương trình nông thôn mới...); sự quan tâm và tập trung chỉ đạo Chương trình ở một số địa phương còn hạn chế; chất lượng công tác quy hoạch còn bất cập, trong đó quy hoạch sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa còn chưa được chú trọng đúng mức; công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, nội dung Chương trình còn chậm, thiếu chiều sâu, chưa phổ biến được nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hay của một số địa phương để các xã học tập làm theo; huy động nguồn lực cho chương trình còn rất hạn chế nhất là về lồng ghép chương trình, huy động nguồn vốn ODA...; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nóng vội trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
2. Nhiệm vụ trong thời gian tới
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trong thời gian còn lại của năm 2013 và những năm tiếp theo, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch năm 2013, có biện pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, trong đó, cần lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
a) Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quán triệt tư tưởng chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới, xác định xây dựng nông thôn mới là giải pháp chủ yếu, quan trọng có tính chiến lược để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương. Xây dựng nông thôn mới phải thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, bền bỉ, không nóng vội; mục tiêu xây dựng nông thôn mới là phục vụ cho nhân dân, là sự nghiệp của dân, do dân làm, vì vậy, cần phát huy vai trò làm chủ của người dân trong thực hiện Chương trình; Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ cho dân xây dựng quê hương mình theo quy hoạch, kế hoạch nhằm đạt mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.
b) Các Bộ, ngành cần sớm hoàn thành các thủ tục để ban hành các văn bản còn thiếu, nhất là quy trình xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; quy định về lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn xã; hướng dẫn cơ chế quản lý đầu tư đặc thù; hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí, trong đó cần xem xét hướng dẫn mức độ đạt chuẩn của một số tiêu chí nông thôn mới (nhà văn hóa, khu thể thao, giao thông...) theo đặc thù của từng vùng miền để sớm hình thành hệ thống chính sách đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện Chương trình.
c) Tiếp tục rà soát để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, trong đó đặc biệt ưu tiêu gắn quy hoạch cơ sở hạ tầng với quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung theo từng vùng, từng địa phương, từng xã, trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất mức kinh phí hỗ trợ quy hoạch cấp xã phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế để bảo đảm chất lượng quy hoạch và hoàn thành quy hoạch cấp xã theo kế hoạch.
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, từ kế hoạch năm 2014 giành nguồn lực bố trí hỗ trợ cho xã với mức cao hơn hiện nay (bình quân khoảng 500 triệu đồng/xã) báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với các xã điểm do Trung ương chỉ đạo phải ưu tiên bố trí đủ vốn đầu tư hỗ trợ để các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2014. Khi hướng dẫn xây dựng kế hoạch năm 2014, các bộ, ngành phải chủ động bố trí tăng tối đa nguồn lực cho thực hiện tiêu chí nông thôn mới của ngành mình, trong đó ưu tiên hỗ trợ các xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới (bao gồm các xã điểm do Trung ương chỉ đạo)
đ) Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cần tăng cường công tác kiểm tra địa phương theo địa bàn được phân công gắn với việc kiểm tra sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và có báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương.
e) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và triển khai kế hoạch năm 2014-2015, dự kiến vào cuối năm 2013.
g) Các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 và những năm tiếp theo; cân đối nguồn lực, lồng ghép chương trình mục tiêu trên địa bàn, ưu tiên bố trí vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đặt chỉ tiêu cụ thể để thực hiện Chương trình; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện Chương trình theo quy định tại văn bản số 10/BCĐTW ngày 27/5/2013 của Ban Chỉ đạo Trung ương./
Thu Hằng (Theo Công văn số 267/TB-VPCP)