Trước đó, Đại hội XII của Đảng cũng xác định mục tiêu: “Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế KTTT định hướng XHCN theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế...” (1).
Các bộ phận cơ bản của thể chế KTTT định hướng XHCN
Phát triển KTTT định hướng XHCN là một quá trình hoàn thiện, đổi mới và sáng tạo không ngừng trong nhận thức, tư duy lý luận và thực tiễn của Đảng ta. KTTT không phải là sản phẩm của riêng Việt Nam mà đó là sản phẩm của văn minh nhân loại. KTTT là nền kinh tế mà trong đó, người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Trong lịch sử nhân loại, KTTT không phát triển theo một mô hình duy nhất mà được thực hiện dưới nhiều mô hình khác nhau như: KTTT tự do, KTTT xã hội, KTTT XHCN đặc sắc Trung Quốc, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam... Tương ứng với mỗi mô hình KTTT nói trên là một hệ thống thể chế. Mô hình KTTT nào thì có thể chế kinh tế ấy tương thích. Thể chế kinh tế là hệ thống những quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các chủ thể kinh tế, các hành vi sản xuất kinh doanh và các quan hệ kinh tế. Thể chế kinh tế bao gồm các yếu tố chủ yếu là các đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy tắc,... về kinh tế gắn với các chế tài xử lý vi phạm; các tổ chức kinh tế; cơ chế vận hành nền kinh tế.
Thể chế KTTT định hướng XHCN là loại hình thể chế kinh tế trong đó có sự thống nhất biện chứng giữa cái chung là KTTT với các đặc thù là định hướng XHCN. Trong đó, KTTT là động lực và phương tiện để phát triển kinh tế, định hướng XHCN giữ vai trò dẫn dắt quá trình phát triển nền kinh tế. Các bộ phận cơ bản của thể chế KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam gồm: Các luật, bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật; các quy tắc điều hành nền kinh tế; các chủ thể tham gia vào hoạt động trong nền kinh tế; cơ chế thực thi các luật, quy tắc và điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể; hệ thống thị trường.
Các chủ thể trong nền KTTT định hướng XHCN bao gồm các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân. Cơ chế thực thi các quy tắc, chuẩn mực và điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể của thể chế KTTT định hướng XHCN bao gồm các cơ chế vận hành của KTTT và cơ chế quản lý của Nhà nước, như cơ chế cạnh tranh thị trường, cơ chế phân cấp, cơ chế phối hợp và tham gia, cơ chế theo dõi và đánh giá, giải trình... Hệ thống thị trường bao gồm thị trường hàng hóa dịch vụ cuối cùng, thị trường yếu tố sản xuất (như thị trường vốn, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản…). Các loại thị trường là nơi diễn ra tương tác giữa các chủ thể kinh tế.
Khâu đột phá quan trọng tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững
Thực tế cho thấy, hơn 30 năm vận hành của KTTT định hướng XHCN đã tạo ra sự phát triển ngoạn mục nền kinh tế đất nước. Năm 1988, quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt chưa tới 5,5 tỷ USD; GDP/đầu người chỉ đạt 86USD. Đến năm 2016, GDP của Việt Nam đã đạt 205,32 tỷ USD, tăng hơn 37 lần, GDP/đầu người đạt 2.215USD, tăng gần 27 lần so với năm 1988 .
Từ thực tế đó, văn kiện Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã khẳng định: Phát triển nền KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Đại hội đã nêu ra khái niệm hoàn chỉnh về bản chất của nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta: “Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước” (2).
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN. Nghị quyết khẳng định: “Xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” (3).
Căn cứ vào tiến trình hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, Nghị quyết số 11-NQ/TW xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phấn đấu hoàn thiện một bước đồng bộ hơn hệ thống thể chế KTTT định hướng XHCN. Cơ bản bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường. Đến năm 2030 sẽ “Hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế KTTT định hướng XHCN ở nước ta” (4).
Từng bước hoàn thiện đồng bộ thể chế KTTT định hướng XHCN
Nghị quyết số 11/NQ-TW đã xác định rõ nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển KTTT của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn hơn 30 năm đổi mới, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới. Để từng bước hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế KTTT định hướng XHCN ở nước ta, Nghị quyết số 11-NQ/TW nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đến năm 2030. Trước mắt, các cơ quan chức năng của Nhà nước, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội cần thực hiện những nội dung sau đây:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, trong đó cần thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Bảo đảm công khai, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính Nhà nước và dịch vụ công để quyền tài sản được giao dịch thông suốt; bảo đảm hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản.
Hai là, ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, nhất là về đầu tư công, đấu thầu. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh của các chủ thể kinh tế đã được Hiến pháp quy định. Hoàn thiện các quy định liên quan để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp. Hoàn thiện thể chế về cạnh tranh; tăng cường tính minh bạch về độc quyền Nhà nước. Xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp của Nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường. Đổi mới phương thức hoạt động của kinh tế tập thể. Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến.
Ba là, hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu. Không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá hàng hóa, dịch vụ. Chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế đặt hàng; từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng. Hoàn thiện pháp luật về phí, lệ phí theo hướng chuyển sang áp dụng giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bốn là, hoàn thiện thể chế về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Có cơ chế huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế các vùng biên giới trên đất liền, trên biển và hải đảo; phát triển các khu kinh tế-quốc phòng. Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Có cơ chế, chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp quốc phòng-an ninh, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp quốc phòng-an ninh với công nghiệp dân sinh trong tổng thể chính sách công nghiệp quốc gia.
Năm là, hoàn thiện thể chế đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp điều hành giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực thi các cam kết hội nhập và tiếp cận thị trường. Đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Nâng cao năng lực phòng ngừa, giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.
Sáu là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ./.
_____________________
(1) (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng xuất bản, H, 2016, tr. 104; 102.
(3) (4) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2017, tr. 148; 151.
Đỗ Phú Thọ (Báo QĐND)