Ban soạn thảo cho biết, việc ban hành luật mới thay thế Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật năm 2004, bảo đảm tương thích hơn với Công ước về quyền trẻ em và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Theo ông Đỗ Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), dự án luật sửa đổi đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới (Chỉ thị số 20- CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI); đồng thời ghi nhận đầy đủ, toàn diện và cụ thể các quyền con người, quyền công dân, quyền trẻ em trong Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi vi phạm quyền trẻ em; quyền của trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.
Dự thảo bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật đối với trẻ em và các quyền trẻ em; kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Luật năm 2004, bổ sung các quy định mới để giải quyết những vấn đề của thực tiễn, phù hợp với lộ trình phát triển kinh tế, xã hội.
Nói về một số điểm mới trong lần sửa đổi này, ông Đỗ Hoa Nam cho biết: Tên luật hiện hành là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, được tiếp cận theo các lĩnh vực công tác: bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bản chất là luật quy định về các quyền trẻ em, tuy nhiên tên luật chưa phản ánh hết nội hàm các quyền trẻ em được luật quy định.
Chính vì vậy, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi tên dự thảo là Luật Trẻ em, vì phản ánh đầy đủ nội hàm điều chỉnh của luật, bao gồm tất cả các nhóm quyền và quyền trẻ em: Sống còn, phát triển, bảo vệ, tham gia. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật rộng nhưng đều lấy trẻ em làm trung tâm.
Đồng thời, tên gọi Luật Trẻ em phù hợp với thông lệ và hệ thống văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam (ví dụ Luật Thanh niên, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật…); bao hàm đầy đủ quan điểm, phương thức tiếp cận, mô hình cấu trúc và nội dung của dự thảo luật sửa đổi.
Theo quy định của luật hiện hành (Điều 1) “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi”. Tuy nhiên, Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (CRC) quy định “trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”.
Chính vì vậy, dự thảo luật đã nâng độ tuổi trẻ em và quy định “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”. Làm rõ hơn về sửa đổi này, ông Nam cho biết: người từ 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về sức khỏe và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn, chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, đặc biệt về nhận thức xã hội, về trình độ nhận thức, về ý thức.
Vì lý do này, người trong độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi chưa được coi là người trưởng thành, cần phải được quan tâm đặc biệt từ phía nhà nước, xã hội, cộng đồng và gia đình để các em phát triển lành mạnh, không bị bỏ rơi, sao nhãng và sa vào các hành vi lệch lạc, thậm chí nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật.
Đối với hội nhập quốc tế, quy định trẻ em dưới 18 tuổi phù hợp với CRC và hội nhập quốc tế về thống kê, số liệu. Theo thống kê của Tổ chức UNICEF tại Việt Nam, tính đến đầu năm 2015, trong số 66 quốc gia có được thông tin về độ tuổi trẻ em, có 10 quốc gia quy định độ tuổi trẻ em khác với Công ước về quyền trẻ em, trong đó có 2 quốc gia quy định độ tuổi 21, có 8 quốc gia quy định tuổi trẻ em thấp hơn tuổi quy định của Công ước quyền trẻ em.
Ở châu Á, có 3 quốc gia (Việt Nam, Myanmar, Singapore) quy định tuổi của trẻ em thấp hơn 18. Campuchia và Lào cũng đều quy định về tuổi trẻ em phù hợp với quy định của Công ước quyền trẻ em và cao hơn Việt Nam là dưới 18 tuổi. Hiện Myanmar đang sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi. Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc cũng khuyến nghị Việt Nam nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi.
Ông Nam nêu rõ: Dự thảo quy định trẻ em không giới hạn là công dân Việt Nam cũng là cách Việt Nam hội nhập quốc tế. Bất cứ người nào dưới 18 tuổi sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được coi là trẻ em và điều chỉnh theo quy định của pháp luật quốc gia và Công ước quốc tế. Đối với trẻ em là công dân Việt Nam trong các chính sách đã quy định cụ thể về đối tượng, độ tuổi và phạm vi áp dụng và được thể hiện trong dự thảo.
Việc sửa đổi độ tuổi của trẻ em không ảnh hưởng tới các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời việc nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 là bảo đảm sự thống nhất về trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 quy định công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử (điều 27); công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (điều 29). Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định người từ đủ 18 trở lên là người thành niên. Người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên (điều 18).
Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật xử lý vi phạm hành chính đều quy định người dưới 18 tuổi không hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi giống như người thành niên và giúp đỡ trẻ em sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Bộ luật Lao động quy định người dưới 18 tuổi chỉ làm những công việc phù hợp với sức khỏe, để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách. Các Luật đều quy định ngưỡng thành niên và chưa thành niên là 18 tuổi: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Bầu cử HĐND... Như vậy, quy định tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi bảo đảm và củng cố tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về ngưỡng tuổi trưởng thành đầy đủ (chưa thành niên và thành niên).
Xuất phát từ quan điểm Luật Trẻ em lần này phải là luật gốc về quyền trẻ em, định hướng cho hệ thống pháp luật có liên quan đến trẻ em và quyền trẻ em, dự thảo luật bổ sung đầy đủ các quyền trẻ em được quy định trong CRC đồng thời với quy định các nguyên tắc xuyên suốt (Bình đẳng, Ưu tiên, Sống còn và Phát triển, Tôn trọng ý kiến trẻ em) và các chính sách thực hiện.
Đây cũng là giải pháp để làm rõ lộ trình hội nhập, hài hòa với CRC và tăng thời gian phù hợp của Luật với thực tế, tránh việc bổ sung, sửa đổi nhiều lần, sau mỗi giai đoạn ngắn. Các quy định về quyền con người, quyền công dân và quyền đặc thù của trẻ em trong dự thảo phù hợp và cụ thể hóa Hiến pháp 2013.
Dự thảo không quy định những việc trẻ em không được làm. Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc và tổ chức Unicef là không nên đưa quy định “những việc trẻ em không được làm” vào Luật này vì về quan điểm thực hiện quyền trẻ em thì các lỗi của trẻ em chủ yếu do cách giáo dục, bảo vệ và sự nêu gương của người lớn; trong khi quy định bổn phận trẻ em là những khuyến khích tích cực thì những hành vi trẻ em không được làm hay vi phạm phải đi liền với các chế tài mang tính “trừng phạt” đối với trẻ em, mang ý nghĩa tiêu cực. Mặt khác, các hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em đã có các chế tài trong các luật khác, không thể quy định hết trong Luật này.
Nội dung dự thảo luật sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 13/11 trước khi diễn ra phiên thảo luận tại Hội trường vào ngày 23/11.
Quỳnh Hoa (TTXVN)