Thứ Sáu, 22/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 26/10/2015 11:3'(GMT+7)

Tôn vinh, nhân rộng điển hình gia đình

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, hoạt động tôn vinh, nhân rộng điển hình gia đình tiêu biểu luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị, xã hội và địa phương cả nước chú trọng. Hoạt động ý nghĩa này không chỉ tổ chức ở quy mô cấp xã, phường trở lên, mà còn ở các dòng họ, hội đồng hương với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, mở rộng trên các lĩnh vực khác nhau. Việc tổ chức tôn vinh, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình gia đình, mô hình cách làm hay không chỉ tập trung vào dịp “Ngày Gia đình Việt Nam" (28/6) hay những dịp tổng kết cuối năm bình chọn “Gia đình văn hóa”, mà được tiến hành thường xuyên vào dịp lễ, Tết, bước vào năm học mới hay hội làng, giỗ tổ dòng họ... 

Gia đình là tế bào của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng, quan tâm và đặt lên hàng đầu công tác xây dựng gia đình. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”. Thủ tướng Chính phủ nước ta cũng đã phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Với đường lối, chủ trương đúng đắn và triển khai các giải pháp, chính sách cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, ở nước ta, kinh tế gia đình phát triển, công tác xóa đói, giảm nghèo được đẩy mạnh, chất lượng sống của từng gia đình ngày càng được cải thiện. Phong trào xây dựng đời sống, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng phát triển; điển hình gia đình tiêu biểu, tiên tiến ngày càng nhân rộng, thực sự làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh ở địa bàn cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tuy nhiên, công tác gia đình hiện nay ở nước ta còn nhiều yếu kém và đang đối mặt với nhiều thách thức. Mặt trái kinh tế thị trường và tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa đã và đang tác động đến từng gia đình, dẫn đến lối sống thực dụng, vô cảm, tệ nạn và tiêu cực xã hội ngày càng phức tạp. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới... có biểu hiện xuống cấp.

Để xây dựng, phát huy giá trị văn hóa gia đình, ngày càng có nhiều gia đình điển hình tiên tiến được tôn vinh, trước hết các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của gia đình đối với xã hội, sự phát triển đất nước; coi công tác gia đình là nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quan trọng. Từng ngành, đoàn thể, địa phương cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; tăng cường đầu tư cho công tác gia đình, coi đây là đầu tư cho phát triển. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong xây dựng gia đình văn hóa; tăng cường truyền thông công tác gia đình; cụ thể hóa tiêu chí gia đình theo hướng “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, để bình xét thực chất, tránh hình thức. Nhà nước và xã hội cùng chăm lo chăm sóc, bảo vệ gia đình; tổ chức giáo dục và tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình; tiến hành nghiên cứu giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng mô hình gia đình mới để nhân rộng trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Xuân Giang (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất