Thứ Sáu, 22/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Năm, 15/10/2015 20:25'(GMT+7)

Đại biểu dân cử thảo luận chính sách về dân số và người cao tuổi

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Chiều 15/10, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp cùng Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam ( UNFPA) tổ chức Hội thảo đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về dân số và người cao tuổi.

Các đại biểu dân cử cùng các chuyên gia đã thảo luận, phân tích về vấn đề già hóa dân số và người cao tuổi của Việt Nam, từ đó đưa ra những định hướng cho chính sách dân số của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi của Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội, cho thấy năm 2014 Việt Nam có 9,4 triệu người cao tuổi, chiếm 10,5% tổng dân số.

Người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế hiện còn rất thấp, chiếm 55%, chỉ có khoảng 50% bệnh viện đa khoa tỉnh có khoa lão, vấn đề người cao tuổi bị sa sút trí tuệ chưa được quan tâm, miễn giảm phí cho người cao tuổi chưa đúng quy định pháp luật…

UNFPA cho biết Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2014, số người cao tuổi tăng 10,5% trong tổng dân số và dự đoán sẽ tăng gấp đôi là 23% vào năm 2040.

Già hóa mang đến những cơ hội cũng như thách thức lớn, đòi hỏi các phương thức tiếp cận mới về y tế, việc làm, tuổi nghỉ hưu và lương hưu, môi trường xã hội và hòa đồng giữa các thế hệ.

Các đại biểu thống nhất cho rằng số người cao tuổi đang ngày càng gia tăng đòi hỏi phải xây dựng kế hoạch tốt hơn về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người cao tuổi, cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.

Ông Lê Bạch Dương, Trưởng nhóm Dân số và Phát triển, đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho rằng các chính sách và chương trình về người cao tuổi cần đảm bảo và thực thi đầy đủ quyền của người cao tuổi để người cao tuổi được tôn trọng và tiếp tục tham gia vào đời sống xã hội như những công dân với đầy đủ các quyền của mình.

Việt Nam cũng cần có các chương trình, chính sách toàn diện đảm bảo an sinh và phúc lợi cho người cao tuổi; khuyến khích mở rộng độ bao phủ của an sinh xã hội, hưu trí và việc làm tới người cao tuổi. Người cao tuổi cần được bảo đảm được tiếp cận tới các dịch vụ cơ bản của đời sống xã hội bao gồm giáo dục, y tế, chăm sóc, môi trường sống; xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí bệnh tật hướng tới già hóa thành công và khỏe mạnh..

Cũng nhìn nhận tỷ lệ người cao tuổi sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê Nguyễn Văn Liệu chỉ ra rằng qua các nghiên cứu có liên quan cho thấy rất nhiều người già vẫn phải phụ thuộc kinh tế vào các thành viên gia đình, sức khỏe yếu và hay mắc các bệnh mãn tính và cấp tính.

Các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần được xây dựng, sửa đổi cho phù hợp với xu hướng dân số ngày càng già đi để đảm bảo rằng người già không bị lãng quên và khuyến khích sự đóng góp của người cao tuổi cho xã hội, cộng đồng.

Nhà nước cần có chiến lược xây dựng cơ sở vật chất y tế đáp ứng mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Một số ý kiến cho rằng cần tiếp tục tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về người cao tuổi, đặc biệt là quy định chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, miễn giảm một số loại phí cho người cao tuổi, sửa Luật Người cao tuổi để điều chỉnh đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội (thu nhập thấp, hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội)./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất