Theo kết quả giám sát mới nhất của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa, tất cả các làng nghề đều chưa có bãi thu gom và xử lý rác thải tập trung. Chất thải rắn sản xuất và sinh hoạt của các cơ sở sản xuất được các đơn vị tự thu gom, xử lý sơ bộ hoặc vận chuyển đến bãi rác của địa phương. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tại các làng nghề mới đạt khoảng 70%, còn 30% thải trực tiếp ra môi trường. Tại các làng nghề chế biến đá ở xã Hà Phong, Hà Lĩnh (Hà Trung); xã Yên Lâm (Yên Định); xã Quảng Thắng (Quảng Xương)... chất thải rắn sản xuất như bột đá chưa có biện pháp xử lý, để trong khuôn viên của đơn vị, hoặc đổ ra các ao hồ, sông suối, gây ô nhiễm môi trường. Một số làng nghề khác, chất thải từ công đoạn chế biến được các cơ sở tận dụng làm phân bón hoặc thức ăn gia súc, tuy nhiên việc thu gom, xử lý chưa triệt để.
Cùng với chất thải, sự ô nhiễm không khí tại các cụm công nghiệp, làng nghề từ việc sử dụng than làm nhiên liệu, sự phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải, thực phẩm thừa, thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở chế biến thủy sản, lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, chất chống mốc cho các sản phẩm mây tre đan từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ... cũng gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Qua kết quả quan trắc môi trường, không khí cụm công nghiệp, làng nghề đá xã Đông Vinh, Đông Hưng, thành phố Thanh Hóa; cụm công nghiệp, làng nghề đá xã Yên Lâm, Yên Định, cho thấy nồng độ bụi lơ lửng vượt quy chuẩn Việt Nam từ 1,2-2,1 lần, độ ồn cao hơn quy chuẩn Việt Nam từ 3-5dBA. Mặt khác, hầu hết các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (hiện mới có khoảng 21% làng nghề có hệ thống xử lý chất thải). Nước thải chưa được thu gom, xử lý hoặc chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm khu vực xung quanh.
Tại các khu vực khai thác khoáng sản, môi trường cũng có dấu hiệu ô nhiễm. Nồng độ bụi trong không khí thường vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 2 lần. Tiếng ồn cao hơn tiêu chuẩn cho phép 3-5dBA. Ngoài ra nước thải do hoạt động chế biến đá, chứa bột đá đã tác động lớn đến môi trường tiếp nhận là sông suối, ao, hồ. Đơn cử như các cơ sở chế biến đá tại xã Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa xả nước thải chứa bột đá gây tắc nghẽn, bồi lấp sông Nhà Lê; các cơ sở chế biến đá tại xã Đông Hưng, thành phố Thanh Hóa, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Đồng Thắng, Triệu Sơn, Hà Tân, Hà Trung, Yên Lâm, Yên Định đều gây ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cả người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Cơ quan quản lý nhà nước và truyền thông chưa có biện pháp tuyên truyền hữu hiệu về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời, triệt để, chưa đủ sức răn đe, việc hậu kiểm sau xử lý còn hạn chế. Mặt khác, việc đầu tư của nhà nước để xây dựng các khu xử lý chất thải còn hạn chế, trong khi xây dựng hệ thống này rất tốn kém, nguồn lực của doanh nghiệp có hạn, nên khi đầu tư doanh nghiệp chỉ mới quan tâm đến xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chưa quan tâm xử lý môi trường. Nhiều doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ lạc hậu nên gây ô nhiễm môi trường.
Để từng bước cải thiện môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thường xuyên để tạo chuyển biến căn bản nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn lập báo cáo tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường..../.
Theo TTXVN