Thứ Sáu, 27/9/2024
Môi trường
Thứ Ba, 9/7/2013 19:25'(GMT+7)

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Phát triển nguồn nhân lực

Trên cơ sở Quy hoạch phát triển nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2013-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định phê duyệt danh sách các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, trong đó đề nghị đổi tên Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường thành Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; thành lập mới 3 tổ chức gồm Viện Khoa học tài nguyên nước; Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường; Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường Việt Nam.

Đồng thời, Bộ tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp giai đoạn 2011-2016, hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2016-2021; tổ chức thống kê, rà soát thực trạng đội ngũ công chức, viên chức. Đến thời điểm này, Bộ có 1.180 công chức, trong đó có 805 công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt 72,5%; 7.327 viên chức với số lượng và chất lượng được nâng lên rõ rệt, cơ cấu hợp lý hơn so với thời kỳ trước.

Căn cứ vào Quy hoạch phát triển nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2013-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tốt công tác tuyển sinh 8.320 học sinh, sinh viên. Cụ thể, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tuyển 4.300 người; Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Miền Trung 1.200 người; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh tuyển 2.820 người. Mặt khác, ngành tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ.

Tập trung xây dựng thể chế, chính sách

Điểm nổi bật nhất trong xây dựng thể chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong 6 tháng đầu năm nay, đó là đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 6; đồng thời chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6. Bên cạnh đó, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo 2 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; lĩnh vực khí tượng thủy văn và đo đạc bản đồ.

Tính đến ngày 30/6, Bộ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 4 đề án, tiêu biểu như Đề án chủ trương giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường; Đề án tăng cường năng lực hệ thống thanh tra về môi trường; ban hành 12 thông tư, thông tư liên tịch, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bản đồ địa chính; Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản...

Đặc biệt, Bộ chỉ đạo các đơn vị kịp thời trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội; gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội và trả lời 89 kiến nghị của cử tri, 21 chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5 Quốc hội khóa XIII.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Nhờ tạo được mối quan hệ chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra của ngành, trong 6 tháng đầu năm, ngành tài nguyên và môi trường đã tiến hành 686 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 2.692 tổ chức, cá nhân trên toàn bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó, Bộ tiến hành 27 cuộc, tập trung thanh tra diện rộng về việc chấp hành pháp luật trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cả nước; thanh tra, kiểm tra trên từng lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Về lĩnh vực đất đai, đã tổ chức 256 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính 700 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 3.900 ha đất, kiến nghị truy thu 300 triệu đồng. Lĩnh vực môi trường, đã thanh tra, kiểm tra 182 cuộc, xử phạt hành chính 8,15 tỷ đồng, truy thu 550 triệu đồng. Lĩnh vực khoáng sản, đã thanh tra, kiểm tra 119 cuộc, xử phạt 1,3 tỷ đồng; lĩnh vực tài nguyên nước đã thanh tra, kiểm tra 32 cuộc, xử phạt 300 triệu đồng. Mặt khác, Bộ cũng đã tổ chức 16 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận sau thanh tra; tổ chức tiếp gần 3.000 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý 5.624 lượt đơn thư, chủ yếu vẫn là đơn thư thuộc lĩnh vực đất đai. Qua đó, Bộ ban hành 124 văn bản, 215 phiếu hướng dẫn để xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo; kiểm tra rà soát 28 vụ việc tồn đọng kéo dài...

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định rõ 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phải tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Môi trường (sửa đổi); kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, các đơn vị trực thuộc và hệ thống chuyên môn quản lý ở địa phương theo Nghị định số 21 của Chính phủ; tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế theo hướng quản lý tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở Trung ương và địa phương; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải tiến phương thức tiếp công dân, bảo đảm đúng người, đúng việc, dứt điểm; tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng kéo dài./.

Văn Hào (TTXVN)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất