Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 23/2/2011 21:30'(GMT+7)

Báo động về đạo đức kinh doanh

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Sau quyết định điều chỉnh tỷ giá tiền đồng (9,3%) và tăng giá điện (bình quân khoảng 15,3%), giá cả rất nhiều mặt hàng đã và đang nhấp nhổm tăng theo.

Một mặt bằng giá mới lại đang hình thành. Điều đáng nói là giá cả nhiều mặt hàng tăng một cách phi lý, thể hiện một lỗ hổng đáng báo động về đạo đức kinh doanh, khiến người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập trung bình, người nghèo đang rất lúng túng.   

Hãy trở lại tình trạng khan hiếm xăng dầu trên thị trường và những biểu hiện găm hàng, chờ giá lên đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội mấy ngày nay. Nếu thực sự các đại lý vẫn được cung cấp đầu đủ xăng, các doanh nghiệp đầu mới vẫn được cung ứng đủ ngoại tệ để nhập xăng dầu, bất chấp sự lên án của dư luận và những cảnh báo nghiêm khắc của cơ quan chức năng, mà các nhà kinh doanh này vẫn đầu cơ, găm hàng… thì rõ ràng họ là những người kinh doanh không có đạo đức, lợi dụng hoàn cảnh để nhẫn tâm trục lợi trên lưng người tiêu dùng.

Đáng buồn là tình trạng kinh doanh chụp giật, lợi dụng hoàn cảnh, lợi dụng vị thế độc quyền để chặt chém khách hàng, áp đặt một mức giá không tương xứng với giá trị hàng hóa, dịch vụ  liên tục lặp đi lặp lại ở nhiều ngành hàng, nhiều địa phương. Những giai đoạn nhạy cảm như hiện nay chính là đất tốt cho những người kinh doanh phi nhân tính hoành hành.  

Pháp luật có thể còn lỗ hổng khiến nhà chức trách khó xử lý những hành vi kiểu này nhưng đạo đức xã hội cần lên tiếng mạnh mẽ.

Tình trạng này có nguyên nhân sâu xa là hệ thống cơ chế chính sách định hình cơ chế thị trường còn chưa đủ, chưa rõ ràng và minh bạch. Các cơ chế kiểm soát, trấn áp những mặt trái, tác động xấu của cơ chế thị trường chưa đủ và chưa mạnh. Nói cách khác, để khắc phục nó là không đơn giản và cần thời gian, kể cả khi nhà nước và xã hội đều quyết tâm hành động một cách quyết liệt.

Tuy vậy, có những biện pháp có thể áp dụng ngay, góp phần hạn chế những biếu hiện lũng đoạn trên thị trường.

Quan trọng nhất là thái độ của người tiêu dùng.

Chúng tôi xin kể câu chuyện nhỏ về giá tiền công đánh giày tại Hà Nội. Thông thường mỗi dãy phố bán cà phê ở Hà Nội thường có một số người đánh giày nhất định, chuyên phục vụ những khách hàng đến đây uống cà phê.  Vào những ngày cận Tết, giá tiền công đánh giày đột ngột tăng 100%, từ 5.000đồng/1 đôi giày tăng lên 10.000 đồng/đôi. Lý do được nêu ra là do tết nhất và giá cả tăng. Lúc đó hầu hết khách hàng đều miễn cưỡng chấp nhận mức giá này. Nhưng khi tết đã hết, cuộc sống đã trở lại bình thường nhưng những người đánh giày vẫn không chịu giảm giá. Thế là những khách hàng quen ở trong một quán cà phê đã quyết định cùng nhau không sử dụng dịch vụ này. Không có khách hàng, hai hôm sau, mức gia tiền công đánh giày đã phải trở về như cũ.

Tương tự như vậy, ra Tết, giá thực phẩm tại các chợ ở nhiều đô thị lớn đều tăng cao. Thế nhưng khi báo chí đưa tin nhiều hệ thống siêu thị đồng loạt giảm giá, khuyến mại với nhóm hàng này, khiến nhiều khách hàng bỏ chợ vào siêu thị, lúc đó những người bán thực phẩm ngoài chợ cũng đành phải giám giá để níu giữ khách hàng. 

Xa hơn, hẳn mọi người còn nhớ, thái độ tẩy chay của nhiều khách hàng đối với sản phẩm của công ty Vedan đã khiến doanh nghiệp này phải xuống thang, chấp nhận bồi thường cho nông dân bị nhà máy này gây ô nhiễm.

Những ví dụ như vậy để thấy người tiêu dùng có quyền năng rất lớn. Nếu họ đoàn kết lại, có thái độ kiên quyết tẩy chay những cơ sở kinh doanh chụp giật, phi đạo đức sẽ có tác động rất lớn giúp bình ổn thị trường, khuyên khích các cơ sở kinh doanh nghiêm túc, đúng mực.

Thế nhưng từng người tiêu dùng chỉ có thể ra các quyết định đúng khi họ được thông tin đúng và đầy đủ. Chỉ có các nhà kinh tế, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị nghiên cứu, các cơ quan chức năng của Nhà nước mới có khả năng phân tích và chỉ ra được ngành hàng nào, sản phẩm nào tăng giá là hợp lý, mức tăng thế nào là phi lý và tại sao. Đáng tiếc là chúng ta đang có thừa các tổ chức chuyên môn nhưng lại đang quá thiếu các thông tin cụ thể, chi tiết, hữu ích như vừa nêu để góp phần bình ổn thị trường, bình ổn dư luận.

Trong khi các nhà sản xuất, kinh doanh đã và đang được bảo vệ quyền lợi khá hiệu quả bởi các hiệp hội ngành hàng của họ (ví dụ như hiệp hội théo, hiệp hội phân bón…) thì những người tiêu dùng lại chưa được như vậy. Bởi thế mà họ luôn lúng túng, dễ bị tâm lý đám đông chi phối, dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin thất thiệt và luôn là nạn nhân khi thị trường có những biến động mạnh.

Bên cạnh rất nhiều việc cần làm để xây dựng và bảo vệ đạo đức kinh doanh, giúp người tiêu dùng có các quyết định đúng đắn, lại một lần nữa xin nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông và thông tin chính thống, nhất là thông tin từ các cơ quan quản lý./.

(Theo: Phạm Kinh Bắc/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất