Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 20/2/2011 11:55'(GMT+7)

Đưa Lễ hội vào doanh trại Quân đội

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Anh bạn học cùng trường sĩ quan với tôi hiện đang công tác tại một đơn vị ở phía Nam cho biết, vào mùa lễ hội hằng năm, tỷ lệ chiến sĩ viết đơn xin nghỉ tranh thủ thăm gia đình tăng cao và không tránh khỏi tình trạng chiến sĩ vắng mặt trái phép.

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa mang tính phong tục, tín ngưỡng sâu sắc của từng địa phương, vùng, miền, từng dân tộc. Nhu cầu được tham gia vào các hoạt động văn hóa lễ hội là chính đáng của mọi cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, do đặc thù nhiệm vụ của quân đội, đại đa số cán bộ, chiến sĩ không có điều kiện để tham gia những hoạt động lễ hội. Để quản lý bộ đội, duy trì nghiêm kỷ luật trong mùa lễ hội, nhiều đơn vị thường tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho bộ đội với phương châm “đưa lễ hội vào doanh trại”.

Hình thức này đã được một số đơn vị ở khu vực phía Nam áp dụng. Vào mùa lễ hội của đồng bào Khơ-me, các đơn vị đã tổ chức lễ hội cho bộ đội ngay trong doanh trại. Nếu như trước đây, hoạt động này mới chỉ dừng lại ở phần “hội” thì nay được chú trọng hơn cả phần “lễ”. Đơn vị mời đại diện chính quyền địa phương, gia đình, thân nhân chiến sĩ và các vị chư tăng trong các ngôi chùa trên địa bàn đóng quân, đến vui chung với bộ đội. Nhờ đó, các nghi thức của phần “lễ” được áp dụng, tạo không khí ấm cúng, đề cao giá trị văn hóa tín ngưỡng.

Nhiều đơn vị ở Binh đoàn Cửu Long có mô hình “Công viên văn hóa”, đưa các hoạt động văn hóa dân gian trong mùa lễ hội vào doanh trại để thỏa mãn nhu cầu tham gia lễ hội của bộ đội. Ngày hội đón chiến sĩ mới và lễ ra quân huấn luyện ở Binh đoàn Cửu Long có nghi thức múa lân rất sôi động.

Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng phong phú, đa dạng. Càng ngày người ta càng chú trọng hơn đến các hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Hiện cả nước có hơn 8000 lễ hội ở các địa phương. Hòa chung với đời sống xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, trong đó có việc tham gia vào các hoạt động lễ hội của bộ đội ngày càng đòi hỏi cao hơn. Điều này đặt ra cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị và các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị về những định hướng, hướng dẫn cách thức tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần cho bộ đội. Những hoạt động chúng tôi vừa dẫn chính là sự năng động, sáng tạo của các đơn vị, địa phương. Chúng ta không thể đưa bộ đội hòa nhập với mọi hoạt động của đời sống xã hội, nhưng có thể chọn lựa, đưa những giá trị văn hóa phù hợp vào doanh trại. Các hoạt động văn hóa tinh thần cho bộ đội không chỉ dừng lại ở nhu cầu vui chơi, giải trí mà cần gắn với bảo tồn, tiếp biến các hình thức, giá trị văn hóa phong tục, tín ngưỡng của từng địa phương, cộng đồng, vùng miền... cho bộ đội. Như thế, vừa là cách chăm lo đời sống tinh thần cho bộ đội, vừa là giải pháp “mở” để giáo dục, quản lý bộ đội, duy trì nghiêm kỷ luật ở từng đơn vị./.

(Theo: Phan Tùng Sơn/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất